Triết lý của hạt lúa

NGUYỄN ĐIỆN NAM 17/10/2015 07:13

Tuần này, một sự kiện chính trị lớn của Quảng Nam đã diễn ra - Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI. Đại hội đã thành công với chương trình nghị sự, nhận diện được những thành quả và hạn chế trong nhiệm kỳ qua và quyết nghị phương hướng, mục tiêu phát triển cho chặng đường mới. Nếu có thể tóm lược bằng một câu, thì đó là xác định con đường phát triển Quảng Nam thành tỉnh giàu trong miền Trung, tỉnh khá trong cả nước.
Nói dễ, làm mới khó. Có sự liên tưởng thú vị đến hình ảnh của hạt lúa để ngẫm ngợi về triết lý trong lựa chọn và ứng xử bằng hành động thực thi các giải pháp phát triển.

Hạt lúa lép thường phất phơ trước gió, còn hạt lúa chắc thì lặng lẽ cúi đầu. Việc xác định mô hình và giải pháp tăng trưởng có lẽ cũng cần như vậy. Nếu chỉ làm kinh tế như phong trào, cố chạy theo thành tích mà phần ảo “nổ” hơn thực sẽ chẳng có lợi gì cho đất nước, quê hương, cho đời sống nhân dân. Chất lượng tăng trưởng mới là vấn đề. Chất lượng đó, với đời sống của đại đa số dân chúng thường nằm ở các chỉ số đo lường về tỷ lệ giảm nghèo; về chuyển dịch lao động, giải quyết việc làm và thu nhập đầu người; về mức độ được thụ hưởng các dịch vụ công; về giá trị sản xuất gia tăng và khả năng tiêu dùng... Vì vậy, phấn đấu thành tỉnh khá hoặc giàu, không chỉ đo bằng GRDP, bằng số thu ngân sách, ở chuyện có thành tỉnh công nghiệp hay không, có thu hút đầu tư nhiều hay ít, mà quan trọng là đời sống của người dân có giàu lên không. Dân giàu thì nước mới mạnh. Không thừa khi nhắc lại ý kiến của nguyên Chủ tịch nước Võ Chí Công trong một lần về thăm Quảng Nam, rằng “sắp đến các đồng chí dự định làm nhiều việc. Có quyết tâm như vậy là tốt. Nhưng phải chú ý xem nhân dân có lợi gì trong các việc ấy”. Nếu cứ để đầu tư dàn trải, lãng phí, cán bộ quản lý cố chạy và duyệt dự án để kiếm “lại quả” mặc kệ công trình dự án ấy chẳng lợi gì cho dân thì cánh đồng đầu tư sẽ chỉ thu lại lúa lép. Nếu chỉ phát triển thiếu chiều sâu bền vững, không dự lường được bất trắc thị trường, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, thì sẽ công cốc mọi nỗ lực hoặc chỉ thu được hạt lúa lừng.

Hình ảnh hạt lúa, cũng gợi thêm chuyện ưu tư với “tam nông” (nông nghiệp – nông dân – nông thôn). Rất nhiều kỳ vọng, gửi gắm mong đợi sự quan tâm đầu tư nhiều hơn cho lĩnh vực này, không chỉ với đại hội của Đảng bộ Quảng Nam mà còn hướng tới đại hội toàn quốc của Đảng. Một tỉnh mà tỷ lệ hộ nghèo còn cao (miền núi còn đến hơn 32%), thu nhập bình quân đầu người đứng hạng 40/63 tỉnh thành, hơn 70% dân số sống ở nông thôn nhưng ruộng đồng sản xuất còn manh mún, giá trị hàng hóa còn thấp, đầu ra nông sản bấp bênh. Người dân không còn mê hạt lúa vì làm lúa không lời mấy đồng, thậm chí huề vốn hoặc thua lỗ. Chuyển dịch của nông nghiệp còn chậm do đầu tư vào công nghệ chế biến nông sản thực phẩm rất mỏng. Vì vậy, muốn khá lên thì phải công nghiệp hóa, hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp. Những vùng kinh tế, đặc biệt ở khu vực nông thôn, mô hình “công nghiệp ba tầng” cần tiếp tục đầu tư, thu hút doanh nghiệp vào để tạo sự chuyển dịch mạnh về cơ cấu kinh tế, làm động lực giải quyết việc làm.

Làm việc gì cũng cần nhân lực. Muốn nghị quyết, chương trình hành động của Tỉnh ủy sau đại hội có thực thi hiệu quả hay không trước hết là trách nhiệm của cán bộ. Tỉnh ủy mới có đội ngũ 56 người, có người đã trải gió sương, dày dặn như hạt lúa chắc, có hạt thì vừa ươm mầm, nhưng nhân dân Quảng Nam kỳ vọng không có hạt nào lép trước vai trò, chức trách, nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó. Không cần phất phơ trước gió mà lặng lẽ cống hiến hết mình vì sự phát triển của quê hương – đó có lẽ là ước mong lớn nhất của người xứ Quảng trong những ngày theo dõi Đại hội Đảng bộ tỉnh vừa qua.

NGUYỄN ĐIỆN NAM

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Triết lý của hạt lúa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO