Triết lý thằng Bờm

NGUYỄN TẤN ÁI 03/06/2018 11:53

Tôi lang thang trên đường, lòng bình yên như dải lụa, như dòng sông quê êm đềm. Mười mấy năm rồi lang bạt tha hương, lăn lóc có dư mười mấy tỉnh, thân cầu thực đã xạc vào tôi một mớ triết lý xô bồ. Về với quê xưa, với tay sờ lại đời mình, chợt hú hồn vì mùi rơm gốc rạ vẫn còn trong hồn chân quê. Không biết nên buồn hay vui!

Quê tôi, núi và đồi, nắng và gió.

Quê tôi đó, nghiêm cẩn ẩn mình vào lớp lớp sinh hóa tự nhiên, nghiêm trang tách mình khỏi những đua chen thời thượng.

Lăn lóc gió bụi kinh kỳ, mười mấy năm có dư về lại, người quê vẫn thế, nồi rau muống luộc, bát nước chè xanh, khói thuốc lá vẫn thanh thản chiều ẩn dật. Bình yên lắm, như ca dao xưa. Triết lý lắm, như chiếc quạt của Bờm!

Ừ, Bờm xưa, yêu lắm!

Thằng Bờm có cái quạt mo...

Trước cuộc thế nhiễu nhương, Bờm phe phẩy chiếc quạt mo thanh thản nhìn đời, ai dám bảo đó không là triết lý?

Trước lời mời gọi của ba bò chín trâu, Bờm đã có động tác lắc đầu ngoạn mục, ai dám bảo Bờm không là một triết gia?

Quê tôi còn nghèo, người dân quê dẫu hiếu học truyền đời, thì lễ nhạc thi thư cũng chưa thể là ứng xử thường nhật của người nông dân. Họ đã đứng với đời bằng cái nội lực chân quê, tay bưng đĩa muối chấm gừng, thanh thản đi qua một đời, thanh thản đi qua thế sự, không mũ cao áo dài Khổng Mạnh, chưa nề câu tri túc tiện túc mà cái khí khái của Bờm không hổ với nho sinh quân tử cố, quân tử cùng, quân tử cố cùng, mà cái phong thái của Bờm khác gì kiểu khinh thế ngạo vật của một bậc chân nho?

Bờm của tôi, tôi hiểu lắm, chiếc quạt mo rụng lớp lớp bờ tre, trong tay Bờm những trưa nắng nỏ, thong dong gọi gió mát về, bao phiền muộn phút chốc tiêu tan.

Hạnh phúc ở quanh ta.

Hạnh phúc là ở sự thỏa lòng.

Mà cái gia tài tâm tưởng ấy dễ gì thế nhân đạt đến.

Hạnh phúc là gì?

Lũ chúng tôi từ thuở tập tễnh lớn lên, tập tễnh học làm người, tập tễnh học làm “vĩ nhân tỉnh lẻ” đã từng bao lần băn khoăn tìm kiếm mà đáp án lại quá khác nhau.

Hạnh phúc là cơm áo?

Một vài đứa trẻ chăn trâu ngày xưa nay đã kịp trở thành ông này bà nọ, tấm thân nắng nỏ ngày nào giờ đã trở thành trắng phau phì nộn mà sao thiếu vắng nụ cười của thuở hàn vi?

Hạnh phúc là tri thức?

Sao lũ chúng tôi mê mải đi tìm, cồng kềnh mang vác để hao hết một đời người, về quê nhìn lại, chợt đau lòng cho điệu cười giọng nói lạc nhịp ngày xưa!

Một năm, khởi đầu từ buổi giêng hai, bằng lòng với vợ thì đẹp, con thì xinh, nhà thì cao rộng, mà cuối chạp ngóng cái gió rộn ràng hơi tết, chén rượu buồn cạn đáy tháng năm lại nao nao thấy mình trống hơ trống hoác một bên lòng.

Bờm ơi thương lắm!

Đã lang thang đó đây gần suốt một đời, đã tuyên ngôn chứng thực sự hiện hữu của mình gần suốt một đời, để rồi lạc mất Bờm xưa, để rồi tôi lại nhìn tôi, nửa ngày nay nhìn nửa ngày xưa, hai đứa trẻ sinh đôi khác mặt, lại khao khát như Bờm xưa vô hình, vô tướng, vô ngã chấp!

Thèm một chiều cuối thu, trên trời vẫn con diều sáo, dưới đất vẫn đám cỏ xanh, và giữa cánh đồng làng vẫn bầy trâu chăn lũ trẻ, nhìn làn khói ngoằn ngoèo trên túp lều của mẹ, lại thong thả cùng nhau về lại, rủ nghỉ một ngày.

Lại một chiều mưa phùn gió bấc, cà vạt lệch, vét tông nhàu, giày da sũng nước, tôi lội bộ về bờ xa xưa làm chú dế hát khan giữa trời cổ tích đêm khuya!

Ừ, xâm xấp một đời, mà cũng mai một một đời, tôi thèm được là tôi thanh thản như xưa.

Ừ, giá gì kiếm tìm mà không đánh mất!

Ừ, giá gì trong toa hành lý của chuyến tàu tốc hành lưu đày chúng tôi vào riết róng thời gian, vào riết róng nhân thế chúng tôi nghiêm trang dành riêng cho Bờm một chỗ để thi thoảng gặp gỡ, thi thoảng chuyện trò thì hẳn đời được nhiều mà không hao khuyết.

Ừ, giá gì trong hành xử thường ngày với còn, với mất... thằng tôi biết níu giữ cho mình cái triết lý: Hạnh phúc là thỏa lòng!

Tôi lại đày đọa mình trong những cái giá như...

Mà thôi, như một hý ngôn, một thi nhân nào đó đã nói: Bây giờ đã là trễ rồi và bao giờ cũng là chưa trễ.
Lũ thằng tôi hãy còn xâm xấp thời gian đủ kịp quay về.

Chờ nhé, Bờm xưa!

NGUYỄN TẤN ÁI

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Triết lý thằng Bờm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO