Hoàn thành nghĩa vụ quân sự từ năm 2010, với bản lĩnh được tôi luyện trong môi trường quân ngũ cùng tinh thần dám nghĩ dám làm, anh Nguyễn Văn Kỳ - Phó Bí thư chi đoàn thôn 3, xã Sông Trà (huyện Hiệp Đức) đã vươn lên làm giàu từ mô hình nuôi ong lấy mật.
Anh Kỳ bên trại ong “lưu động” của mình. Ảnh: THIÊN NGÂN |
Từ nguồn vốn ít ỏi nhờ những khoản trợ cấp sau khi ra quân, anh Kỳ đầu tư trồng keo lá tràm và cao su tiểu điền trên mảnh đất của gia đình. Tuy nhiên, đây là những loại cây lâu năm, hơn nữa diện tích đất trồng quá nhỏ nên nguồn thu đem lại không đáng kể. Nhận thấy điều kiện tự nhiên tại địa phương rất thuận lợi cho việc nuôi ong lấy mật, anh Kỳ mày mò đi học cách nuôi ong từ những người quen ở Tây Nguyên. Cuối năm 2013, anh quyết tâm khởi nghiệp với nghề nuôi ong. Anh mang sổ đỏ đi vay vốn và mượn thêm từ bạn bè, đầu tư mua 40 đàn ong đặt nuôi trong khu đất vườn một héc ta. Thoạt nhìn công việc nuôi ong có vẻ đơn giản, nhưng thật sự lại khá phức tạp và cũng nhiều rủi ro. Nuôi ong, mong con ong mang tới cho mình cơm no áo ấm nên anh Kỳ cũng chẳng khác gì con ong chăm chỉ, cần mẫn làm việc. Anh Kỳ chia sẻ: “Tôi chọn nuôi ong vì vừa thu hồi vốn nhanh, vừa tận dụng được nguồn thức ăn cho ong từ rừng keo và cao su bạt ngàn tại địa phương. Nhưng thời tiết quê tôi thất thường nên lượng mật không nhiều. Sau nhiều đêm suy nghĩ, tôi quyết định di chuyển đàn ong theo mùa đến nhiều vùng miền khác. Nhờ thế tôi trụ vững với nghề nuôi ong”.
Chỉ sau một năm gian nan với nghề, anh Kỳ đã trả hết nợ vay, nguồn lãi thu được anh lại tiếp tục mở rộng đàn ong. Hiện anh đã có 180 đàn ong, trung bình 10 ngày thu hoạch mật một lần và với giá thu mua hiện nay, mỗi tháng anh lãi ròng khoảng 40 triệu đồng. Anh Kỳ nói: “Nuôi ong khá dễ, nhưng nuôi số lượng lớn để làm giàu lại rất khó. Phải am hiểu thời tiết, các vùng địa lý nhiều nơi và thấu hiểu được bản chất, đặc tính của con ong, sống với nó như bạn thì mới nuôi được”.
Cùng với hoạt động kinh tế, anh Kỳ tích cực tham gia các phong trào hoạt động đoàn của địa phương. Hiện anh là Phó Bí thư chi đoàn thôn. Từ kinh nghiệm tích lũy được, anh đã giúp nhiều thanh niên trong thôn biết cách làm ăn, làm giàu ngay trên quê hương. Anh Kỳ cho hay, để trở thành chủ nhân Giải thưởng Lương Định Của năm 2015, bản thân anh đã phải phấn đấu, học hỏi, vươn lên trong khó khăn để làm giàu cho mình và xây dựng quê hương.
Đưa chúng tôi thăm trại ong, anh Kỳ kể, nghề “ăn lộc trời” khi gặp may thì trúng bạc tỷ nhưng cũng có lúc về tay không. Nghề này vất vả hơn so với nhiều nghề khác nhưng nếu có tâm huyết, cần cù chịu khó thì trời không phụ lòng người. Anh còn hăng say nói về những dự định sắp tới, trong đó có việc mở rộng đàn ong lên 350 đàn; cần sự trợ sức của tổ chức đoàn để thành lập tổ hợp tác thanh niên, từ đó tìm nguồn đầu ra thuận lợi hơn cho sản phẩm. Đó cũng là cách tạo thêm công ăn việc làm cho thanh niên địa phương.
Nói về việc khởi nghiệp của thanh niên nông thôn hiện nay, anh Kỳ cho rằng, nhiều bạn có ý chí, có sức trẻ nhưng còn thiếu kỹ năng và kiến thức, không học hỏi tiếp cận khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt. Ví dụ như vấn đề khai thác thế mạnh về tự nhiên nơi mình sinh sống, nhận định được đầu tư loại gì là đúng hướng, phù hợp với đầu ra thị trường, rồi việc phòng tránh rủi ro như thế nào… Anh Kỳ bảo: “Những điều này là quá sức đối với bạn trẻ ở các vùng nông thôn xa xôi. Bản thân mình, kinh nghiệm chủ yếu cũng là tự mày mò và thử nghiệm và điều mình cần là tập huấn kỹ thuật chăm sóc ong, chọn con giống, tạo môi trường để ong lấy mật mới có thể duy trì lâu bền được”. Tâm sự của Kỳ cũng là trăn trở chung của nhiều thanh niên nông thôn hiện nay. Họ cần có hình bóng của các tổ chức, trong đó có Đoàn thanh niên để có thể đưa những thông tin, các ấn phẩm hướng dẫn hoặc các buổi, chương trình tập huấn ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất cho thanh niên.
LÊ THIÊN NGÂN