Trình Chính phủ xem xét nâng hạng Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh thành vườn quốc gia

HOÀNG LIÊN 11/09/2017 16:30

Tin liên quan

  • Nâng hạng và đầu tư phát triển du lịch Khu bảo tồn Sông Thanh

(QNO) - Theo tin từ Văn phòng UBND tỉnh, Bộ NN&PTNT đang hoàn chỉnh hồ sơ trình Chính phủ xem xét nâng hạng Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh thành vườn quốc gia.

Được biết, Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh có diện tích 75.000ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên 69.000ha, diện tích giao khoán 16.000ha. Khu bảo tồn nằm trên địa bàn hai huyện Nam Giang và Phước Sơn, là khu dự trữ các bon, có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, phát triển du lịch cộng đồng, phát triển cây dược liệu dưới tán rừng. Các nhà chuyên môn ghi nhận, nơi đây có hơn 830 loài thực vật bậc cao (gồm 53 loài thú, 183 loài chim, 44 loài bò sát, 21 loài lưỡng cư, 25 loài cá và nhiều động vật không xương sống). Trong đó, có 23 loài đặc hữu của Việt Nam, 49 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam.

Mục tiêu của tỉnh là nâng cấp khu bảo tồn thành vườn quốc gia, đặc biệt, xây dựng nơi đây một trung tâm cứu hộ động vật hoang dã và một trung tâm nghiên cứu, bảo vệ thực vật loài quý hiếm. Việc kết nối vệt tour, tuyến, điểm, xây dựng nơi đây trở thành một trạm dừng chân lớn của vùng là chủ trương của tỉnh đề ra. Vùng có điều kiện phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng như sở hữu làng dệt thổ cẩm Zơra, quần thể thiên nhiên thác Grăng, sản phẩm du lịch cộng đồng là các đội múa tâng tung da dá của xã Tà Bhing (Nam Giang). Tỉnh đang giao Sở VH-TT&DL xúc tiến việc kết nối tour tuyến, tái hiện 1km đường mòn Hồ Chí Minh, đường Trường Sơn huyền thoại, tạo sản phẩm du lịch ẩm thực đặc trưng vùng miền.

Trong chuyến khảo sát tại Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh vào đầu năm 2017 do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh dẫn đầu, đại diện Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh cho rằng, để phát huy công tác quản lý, bảo vệ rừng, cần đẩy mạnh chính sách giao khoán bảo vệ rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng. Việc hỗ trợ sinh kế giúp người dân có thể sống dựa vào rừng là hết sức cấp thiết, cụ thể như hỗ trợ giống cây trồng, giống cây dược liệu, các giống con vật nuôi bản địa phát triển sinh kế dưới tán rừng. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý bảo vệ rừng như GIS, internet of thing (internet vạn vật) là hết sức quan trọng. Cần thiết phải xúc tiến, kêu gọi một số dự án nước ngoài đầu tư vào vùng bảo tồn.

HOÀNG LIÊN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trình Chính phủ xem xét nâng hạng Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh thành vườn quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO