LTS: Trinh Đường (1917 - 2001) là nhà thơ nổi tiếng, được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2012. Báo Quảng Nam giới thiệu chân dung nhà thơ Trinh Đường - một người con đất Quảng - qua bài viết của nhà thơ Thanh Quế, người quen biết ông nhiều năm.
Những năm giữa và cuối thập kỷ 60 của thế kỷ XX, anh chị em sáng tác thơ trẻ ở Hà Nội không mấy ai không từng đến căn phòng nhỏ ở gác 2, số nhà 65 Bà Triệu. Đó là nơi ở của nhà thơ Trinh Đường. Chúng tôi đến đây để đưa thơ cho ông xem, góp ý sửa chữa và để được nghe thơ ông. Trinh Đường lúc bấy giờ phụ trách tổ thơ của tuần báo Văn Nghệ. Ông hồ hởi tiếp mọi người và ai nấy đều thấy vui khi từ phòng ông ra về. Trong lớp chống Mỹ hồi bấy giờ ít nhiều ai cũng mang ơn sự giúp đỡ của ông. Ông động viên người này, thúc bách người kia, chỉ để làm sao có thơ hay mà thôi. Đó không chỉ là trách nhiệm của một người biên tập mà hơn thế, trách nhiệm của một người anh, một người đi trước. Một lần, khi tôi đạp xe qua đường Trần Quốc Toản định ra phố Huế thì nghe tiếng ông gọi. Tôi dừng lại. Trinh Đường phóng xe tới: “Cậu đi đâu đó”. “Em đi mua chiếc áo”. Ông khoát tay: “Mua áo làm gì, lúc khác. Vào phòng tớ, tớ cho xem trường ca của Thu Bồn. Cậu này tên là Hà Đức Trọng, dân Quảng Nam. Ở ngoài này viết lem nhem nhưng về Nam viết trường ca Bài ca chim Chơ Rao khá lắm”. Rồi không để tôi kịp suy nghĩ, ông đưa tay chỉ về phía phòng mình: “Đi”.
Nhà thơ Trinh Đường tên thật là Trương Đình, sinh năm 1917, quê xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc, Quảng Nam. Từ năm 1947 - 1954 ông làm Phân hội trưởng Phân hội văn nghệ Quảng Nam - Đà Nẵng. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc và công tác tại Báo Văn nghệ, Nhà xuất bản Văn học. Ông là tác giả của những tập thơ nổi tiếng và hơn 300 đầu sách văn học. Ông cũng là người phát hiện và mạnh dạn đưa thơ của những nhà thơ trẻ vào những tập thơ do ông tuyển chọn. Sinh thời, ông từng được bạn bè thân hữu “phong” cho nhiều danh hiệu: “Hiệp sĩ tử vì thơ”, “Người trọn đời vì thơ”, “Đông Ki Sốt của làng thơ”. Thậm chí, không ít người còn khẳng định ông là “người yêu thơ nhất Việt Nam”. Ông mất ngày 28.9.2001.T.S |
Những năm sau này, đôi lúc tôi được trò chuyện với Trinh Đường về cuộc đời của ông. Ông cho tôi biết quê ông ở xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, vùng đất nằm dưới chân Núi Ngang, một nhánh của dãy Trường Sơn, nhìn xuống dòng sông Thu Bồn đôi bờ êm đềm xanh mướt những biền dâu, nương bắp. Đấy cũng là quê hương của Tú Quỳ, của những nhà văn nhà thơ Nam Trân, Nguyễn Văn Bổng, Võ Quảng và nhiều nhà nho. Cha ông cũng là một nhà nho, đã từng lặn lội đi thi những khoa cuối cùng của triều đình Huế. Rồi cụ đi học tiếng Pháp. Từ tuổi thiếu niên, Trinh Đường chịu ảnh hưởng người cha mê đàn nguyệt, ham thích văn chương thơ phú. Ông học ở thị xã Hội An, rồi Huế, vì quá mê thơ nên thi hỏng tú tài, về nhà mua sách tự học chữ Nho. Lúc này ông đã viết thông thạo mọi thể thơ phú vốn có, thể nghiệm mọi trường phái phương Tây và dừng lại ở tượng trưng và siêu thực cùng lúc với thơ Đường, thơ Tagore. Vốn cực đoan, ông đốt hàng chục tập thơ khi thấy ai viết hơn mình. Và khi viết dồn được một tập thơ như ý thì lại bị giặc đốt cả nhà lẫn bản thảo, chỉ còn nhớ một số bài tặng bạn thơ Lê Trí Viễn. Thực hiện lời dạy của người cha lúc sinh thời, ông đóng cửa tự giam mình để học, để đọc, để viết và luyện tập võ nghệ theo hướng làm trai phải văn võ toàn tài. Ông theo Việt Minh từ trước khởi nghĩa, treo lá cờ đỏ sao vàng đầu tiên ở vùng quê ông. Khi Trung ương chủ trương thành lập Đoàn văn hóa kháng chiến rồi Phân hội văn nghệ, ông được Mặt trận cử làm Phân hội trưởng Phân hội văn nghệ Quảng Nam - Đà Nẵng. Sau một số chuyến đi tìm hiểu các vùng tạm bị chiếm trong tỉnh, ông viết được nhiều, nhưng chỉ đến bài “Hồi ký đầu thu” ông mới cho là sáng tác đầu tay sau cách mạng vì hình thức phù hợp với nội dung mới của cách mạng và kháng chiến. Sau này, nó cũng là bài mở đầu cho tập “Hoa gạo”. Theo tôi, đó là một bài thơ có nhịp điệu mới hồi bấy giờ và hình như nó mở ra một cách viết trữ tình phóng khoáng mang chất tự sự mà sau này Trinh Đường tiếp tục và phát triển trong hai bài thơ xuất sắc của mình: “728” và “Bói Kiều”.
Càng về sau càng thấy Trinh Đường là nhà thơ của những cuộc hành trình. Hành trình theo nghĩa đi đó đi đây và nghĩa bóng - tiếp xúc với thực tế mới để đổi mới cảm xúc, từ đó đổi mới cách viết. Những hành trình không mệt mỏi này đã đem lại cho ông nhiều thành công. Tôi từng nghe ông nói, trước Cách mạng Tháng Tám ông đã từng tự nhốt mình trong “tháp ngà” để viết. Từ khi tham gia cách mạng, nhờ đi thực tế kháng chiến nhiều lần, ông mới chuyển hướng sáng tác, và mãi về sau này, đó vẫn là định hướng cho cả đời thơ của ông: đi và viết, viết về thực tế cách mạng kháng chiến và hòa bình. Và hoàn toàn không phải là duy tâm, khi đã cao tuổi, ông đề cập nhiều đến số phận con người, kiếp người và những vấn đề tâm linh...
Trong những thập kỷ 60, 70 thế kỷ trước, Trinh Đường đi rất nhiều. Ông đã lên ngọn Hoàng Liên Sơn, đã tắm sông Kỳ Cùng (Lạng Sơn), sông Bằng Giang (Cao Bằng), đã cùng công nhân mỏ xúc than, đã gặt lúa với nông dân những vùng đồng chiêm trũng. Những năm Mỹ leo thang mở chiến tranh phá hoại miền Bắc, ông đã ngủ ở những căm hầm địa đạo Vĩnh Linh, sống với công nhân sửa cầu Hàm Rồng, ngồi đò tranh thủ lúc không báo động qua sông Nhật Lệ mênh mông, vào thăm thành cổ Quảng trị vừa giải phóng. Có lúc ông cưỡi trên lưng con ngựa sắt (xe đạp) cọc cạch của mình đội bom đi khắp Hà Nội để chứng kiến tận mắt tội ác của kẻ thù, để lấy tư liệu viết trường ca về trận “Điện Biên Phủ trên không” của quân dân ta. Ông viết rất nhiều, thử bút ở tất cả thể loại thơ từ ngắn đến dài, từ có vần, không vần đến thơ văn xuôi, từ đề tài lịch sử đến hiện tại, từ thơ chiến đấu đến thơ xây dựng, thơ tình yêu. Lần lượt các tập thơ “Hạt giống”, “Về Thanh”, “Thủy Triều”..., những trường ca “Bạch Đằng”, “Ức Trai”, “Quang Trung”, “Điện Biên Phủ trên không”... ra đời. Thơ ông có lúc rắn khỏe, đầy chất sống, có lúc đầy chất tự sự, suy nghĩ. Tuy vậy, thời gian này thơ ông vẫn nằm trong dòng chung của thơ viết về kháng chiến lúc bấy giờ, còn nặng miêu tả, kể người, kể việc. Ngay lúc này, ta đã thấy một Trinh Đường trăn trở sục tìm cái mới, mà khi chưa tìm ra thì thơ ông còn bề bộn ngổn ngang, chưa có nhiều bài chín. Dẫu vậy, vẫn lóe lên ánh sáng của người đi tìm “Sợi tóc ở trên đầu/ Chưa dài bằng thế kỷ/ Chuyện cuộc đời, chuyện ta/ Nặng tháng năm suy nghĩ…” (Trả lời thơ bạn ở miền Nam).
(Còn nữa)
THANH QUẾ