Trinh Đường, nhà thơ của những hành trình (Tiếp theo)

THANH QUẾ (Còn nữa) 24/10/2014 08:23

  • Trinh Đường, nhà thơ của những hành trình

Sau giải phóng miền Nam, Trinh Đường có dịp đi nhiều vùng đất mới. Với vốn Nho học và Tây học, ông tiếp xúc nhiều nguồn thơ, triết học trong và ngoài nước. Lúc này ông đã ở tuổi lên lão, có thời gian tĩnh lặng và độ lùi cần thiết để suy ngẫm về chiến tranh, về cuộc đời, đời người, về nghệ thuật. Thơ ông từ đây ít kể chuyện, kể việc mà nặng về xúc cảm, suy tư, bút pháp cũng cô đọng và hàm súc hơn, tiêu biểu là tám mươi đoạn “Ngẫu bút không đề”, đề cập nhân tình thế thái và nhiều vấn đề xã hội.

 Thời gian sau giải phóng miền Nam ông viết “Giao mùa” tiếp theo là “Mũi Cà Mau” (đến năm 1992 mới in). “Giao mùa” viết về chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và phía Bắc cùng với những suy nghĩ về cuộc sống và nghệ thuật. Tập thơ có những bài thơ chín, có tìm tòi: “A Pa Chải”, “Xem tranh làng Hồ”, “Cỏ Bồ Đề”. Đặc biệt, “Ra Cửa” là một bài thơ xuất sắc viết về tình yêu. Tập thơ “Mũi Cà Mau” là một thể nghiệm mới của ông. Ông viết thơ văn xuôi để miêu tả về một vùng đất mênh mông tươi đẹp và giàu có ở cực Nam Tổ quốc. Tôi nghĩ thể loại thơ này phù hợp với nội dung ông muốn biểu hiện nên tập thơ đã thành công. “Giao mùa” và “Mũi Cà Mau” là chiếc cầu nối quan trọng qua hai giai đoạn thơ của Trinh Đường sau “Hoa gạo”, “Hạt giống”, “Thủy triều”...

Giai đoạn thứ hai của thơ Trinh Đường ở vào khoảng cuối thập kỷ 80 đến cuối thập kỷ 90 (thế kỷ XX). Có lẽ ông cũng giống người đồng hương già Khương Hữu Dụng, càng lớn tuổi thơ Trinh Đường càng dồi dào. Nhưng thơ Khương Hữu Dụng về sau càng tươi trẻ hồn hậu hơn, còn Trinh Đường do cuộc đời chìm nổi của mình, thơ ông lúc về già súc tích hơn, trầm lắng hơn nhưng cũng cay đắng hơn. Các tập “Quán trọ”, “Hội hóa trang”, “Hành trình”, “Trò chơi phù thế” mang nặng tâm sự buồn, cay đắng về cuộc đời, về nhân thế. Nếu các tập trước kia ông mô tả về cuộc sống nhiều hơn thì nay ông quay vào nội tâm để suy nghĩ lý giải về chuyện đời, về đời người: “Chung quy cũng một ván bài/ Được, thua, vinh, nhục cười ai cười mình” (Đời).

Trong những tập thơ trên, “Hành trình” là một tập thơ rất đáng chú ý. Ở đây, Trinh Đường qua hai chuyến đi dài khắp đất nước, vừa đi tìm thơ hay của bạn bè để làm một tuyển tập, vừa viết, ông đã kết hợp được sự hồn hậu của “Hoa gạo” với sự suy nghĩ đầy tâm sự cay đắng về nhân thế của “Quán trọ”, “Hội hóa trang”, tạo nên được một sự khái quát cuộc sống ở tầm cao và tập thơ cũng nhuần nhị hơn, sâu sắc hơn, tinh tế hơn. Theo tôi “Hoa gạo” và “Hành trình” là hai đỉnh cao ở hai thời điểm của đời thơ Trinh Đường.

Đan xen với hành trình đi tìm thơ và đi viết của mình, thỉnh thoảng Trinh Đường nghỉ lại ở văn xuôi, biên soạn, bình thơ, viết tiểu luận và chân dung văn học.

Văn xuôi của Trinh Đường là văn xuôi của một nhà thơ. Tôi hầu như quên tên các nhân vật của ông nhưng cái tứ, cái không khí của truyện thì không thể nào quên. Một dòng sông hung dữ mênh mang trong mùa lũ, những biền dâu xanh tốt, một vùng biển nước xoáy có hung thần mà hằng năm người ta phải ném xuống một người để tế thần, một con nai bị đàn sói gặm từng mảng thịt, máu chảy ròng ròng vẫn cố chạy đi tìm sự sống. Những câu chuyện như truyền thuyết hư hư thực thực. Nếu trong thơ, ông chủ động được với ngòi bút thì trong truyện ông để cho cảm xúc dàn trải vì thế có những đoạn lan man. Nhưng người đọc vẫn quý ông ở sức cuốn hút của những tình tiết, nhất là không khí truyện đầy chất thơ.

Trinh Đường cũng viết khá nhiều truyện cho thiếu nhi. Ông viết về gương chiến đấu của các em, về hoa quả, về các loài vật. Theo tôi ông là người viết truyện hay về các loài vật. Một con chó và một người mù, một con hải âu trong gió bão, con voi một ngà hung dữ. Ông viết về việc bắt cá sấu về nuôi, bắt voi về thuần dưỡng. Tôi tin rằng các em sẽ rất thích những truyện nhỏ này. Bản thân tôi khi đọc những truyện của ông cứ mỉm cười mà hình dung rằng, hồi nhỏ chú bé Trương Đình - Trinh Đường này cũng là một tay nghịch ngợm vào loại chúa chứ chẳng chơi.

Nói đến Trinh Đường, có bạn nhắc tôi: “Ông ấy còn là một người ham đi sục tìm thơ hay trong quá khứ cũng như những người cùng thời với mình lắm đấy”.

Trinh Đường đọc lại Truyện Hoa Tiên, Truyện Kiều, thơ Hồ Xuân Hương... tìm cái hay cái đẹp trong thơ các bậc tiền bối để tự mình học hỏi và truyền đạt cho người khác. Chúng ta bắt gặp rất nhiều kinh nghiệm sáng tác, nhiều bút pháp khác nhau của các nhà thơ vừa uyên bác vừa tài tử trong ngoài nước với các cách sử dụng mỹ từ pháp, âm ngữ pháp, những điều cơ bản về thi học mà một người làm thơ không thể không biết. Ông bái phục Hàn Mặc Tử, ông sẵn sàng lạy Hồ Xuân Hương, người nữ sĩ có một không hai trên thế giới. Theo ông Tú Xương cả hai mặt trào phúng, trữ tình đều là nhà thơ lớn, “Chinh phụ ngâm” - phản chiến, “Cung oán ngâm khúc” - nỗi người, kiếp người qua một cung nữ bị bỏ quên. Truyện Kiều là một tổng hợp tài tình nhiều loại bút pháp văn học. Nguyễn Du tự sự trong đoạn “Cậy em em có chịu lời”, phóng sự trong đoạn “Hỏi ông, ông mắc tụng đình”, hồi ký qua lời kể của kẻ lại già, viết kịch trong đoạn Hoạn Thư đánh ghen, viết tiểu thuyết trong toàn bộ Truyện Kiều.

Trinh Đường còn tự dịch thơ và bình thơ chữ Hán của nhiều nhà thơ lớn Đường, Tống, của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, của những nhà thơ đương đại và cả thơ thiếu nhi. Ông có những nhận định bất ngờ, lý thú mà sâu sắc. Chỉ với một câu thơ “Lòng hiếu sinh nhiều cá ngại câu” của Nguyễn Trãi ông đã nhìn ra “tấm lòng nhân hậu, nhân văn, cái nền của toàn bộ sự nghiệp và thơ văn của tác giả”.

THANH QUẾ
(Còn nữa)

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trinh Đường, nhà thơ của những hành trình (Tiếp theo)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO