Trinh Đường, nhà thơ của những hành trình (Tiếp theo và hết)

THANH QUẾ 27/10/2014 08:58

Vẽ chân dung văn học của những nhà thơ lớp trước hay đương thời như Hàn Mặc Tử, Nguyễn Xuân Sanh, Tế Hanh, Anh Thơ, Xuân Quỳnh... Trinh Đường có những nhận định sắc sảo của một người sành thơ, tìm ra nét đẹp riêng của từng người. Theo tôi, ông có những nhận định thật chính xác: Xuân Diệu tài hoa, Huy Cận nỗi đời, Chế Lan Viên dao sắc, Nguyễn Bính dân dã, Hàn Mặc Tử kỳ tài... Mỗi người dựng một đỉnh cao. Còn Tế Hanh? Trinh Đường cho rằng: Tế Hanh có những câu thơ như trời cho: “Chủ đạo thơ Tế Hanh là vấn đề, là nhận định, là thêm hay bớt một cái gì trong cuộc sống (đây là một nhận định đầy phát hiện của Trinh Đường). Chỗ xuất phát thơ Tế Hanh là tình cảm, cảm xúc. Cái trục của thơ ông là tứ, là cấu  tứ, xương thịt bài thơ là ý tưởng và bao trùm về hình thức là giản dị như thiên nhiên (lại một nhận định hay)”.

  • Trinh Đường, nhà thơ của những hành trình (Tiếp theo)
  • Trinh Đường, nhà thơ của những hành trình

Với Hàn Mặc Tử, người ông tôn là bậc thầy, ông có một nhận định sâu sắc: “Hàn Mặc Tử tự tạo cho mình một con đường thơ riêng biệt, từ cảnh đến cảm xúc đều lóe lên một thứ ánh sáng khác lạ xanh lạnh và huyền hồ như một mặt nước phủ trăng sương”.

Đặc biệt, trong những lời bình về thơ thiếu nhi, ông tỏ ra dí dỏm mà thông minh, chỉ ra cái ngộ nghĩnh mà sâu sắc, cái đa tầng đa nghĩa vốn là điều cần thiết trong thơ, nhất là thơ viết cho các em từ các bài thơ của Trần Mạnh Hảo, Ngô Quân Miện, Vũ Duy Thông, Phạm Đình Ân, Dương Thuấn... Trong vô số những bài bình thơ, những tiểu luận, những lời đầu sách viết cả cho số bạn thơ trẻ, ta thường thấy ông khẳng định vấn đề truyền thống và hiện đại, không giữ vững truyền thống thì mất gốc, mất bản sắc dân tộc, không hiện đại thì cổ lỗ. Định hướng này thể hiện khá rõ trong sáng tác của ông, một định hướng ông rút ra từ việc tiếp thu ở các nhà thơ lớn xưa nay, nhất là thơ Đường và Tagore mà ông cho là nhà thơ vĩ đại bao trùm các thế kỷ.

Viết đến đây, tôi muốn quay lại với điều tôi đã nói ban đầu: Trinh Đường là một ông bầu, góp phần đào tạo cả một thế hệ làm thơ trẻ chúng tôi trong chống Mỹ, một lớp nhà thơ trụ cột sung sức nhất sau chiến tranh. Tôi muốn nói thêm: Ông cũng là một trong những ông bầu của những cây bút mới lớp sau 1975. Người ta thấy một ông già gầy gầy mảnh khảnh xách một cái túi dết đi khắp nước gặp từng bạn thơ - kể cả những người mới cầm bút chưa hề có thơ đăng báo - để thu thập thơ hay. Ông mang về, kỳ cục biên tập, lần lượt cho ra hai tập “Những gương mặt thơ mới”, chuẩn bị cho cuốn “Một thế kỷ thơ Việt” mà ông tâm đắc. Đối với các cây bút trẻ ở Quảng Nam - Đà Nẵng quê ông, ông càng nhiệt tình cổ vũ anh chị em sáng tác. Ông tìm đến tận những ngôi trường hẻo lánh ở Quế Sơn, Tam Kỳ để nghe Nguyễn Thị Tâm Đăng, Nguyễn Tấn Sĩ đọc thơ, lên tới Đại Lộc để xem thơ Huỳnh Minh Tâm, xuýt xoa khen thơ Lê Thu Thủy, Nguyễn Kim Huy ở Đà Nẵng… Vào những cuộc thi thơ do báo Tiền Phong tổ chức, là một thành viên Ban giám khảo, từ Hà Nội ông viết thư vào Quảng Nam - Đà Nẵng động viên anh chị em trẻ gửi bài dự thi và ông vô cùng hoan hỉ khi Nguyễn Thị Tâm Đăng, Huỳnh Minh Tâm, Lê Thu Thủy, Nguyễn Kim Huy được Giải thưởng “Tác phẩm Văn học tuổi xanh”. Tôi nhớ trong Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ IV, Trinh Đường lò dò đến thì thầm vào tai từng người rồi đưa ra một tờ giấy nhỏ. Ông làm gì đấy? Vận động tranh cử cho mình hay bạn bè? Bàn tính phe phái âm mưu gì? Không. Trinh Đường chỉ đưa tờ giấy có ghi câu hỏi: Làm thế nào để có thơ hay? Ấy vậy mà theo cách thu thập ấy, Trinh Đường đã cho ra một quyển sách rất nên có: “Ngày hội thơ”, mỗi bạn thơ hội viên, ngoài câu trả lời đều kèm theo một bài thơ tâm đắc.

Những năm cuối thập kỷ 90 (thế kỷ 20), xem ra sức khỏe Trinh Đường có phần ọp ẹp hơn trước, vậy mà ông vẫn đi đó đi đây. Có lần gặp nhau ở Đà Nẵng, tôi hỏi: “Lâu nay anh đi đâu?”. “Đi tìm thêm bài cho “Một thế kỷ thơ Việt” tập 2 và tập 3. Còn tập 1 đã in rồi”. Ông dừng lại, đột ngột hỏi tôi: “Thơ của cậu đâu?”.

Trinh Đường lấy thơ chúng tôi, khen, chê ra mặt. Về tới Hà Nội, ông lại viết thư vô đòi đổi bài này, sửa bài kia, thêm bài nọ. Ông say sưa thật tình với thơ hay và buồn bã khi ai đó đưa cho ông một bài thơ không đúng với trình độ của họ. Một lần, tôi nhận được thư ông, bức thư có đoạn viết: Tập Thơ miền Trung thế kỷ 20 các cậu làm tốt nhưng nó chỉ phản ánh phong cách thơ miền Trung chứ chưa chỉ rõ phong cách của từng tác giả. Vì vậy, cần phải ra một tuyển thơ Quảng Nam - Đà Nẵng...

Cho mình gửi tạp chí một chùm thơ thiếu nhi. Cậu hay viết cho thiếu nhi, đừng tưởng mình không viết. Suốt 30 năm nay, mình xoay xở đủ mọi cách viết để hoàn thành một tập thơ thiếu nhi. Nay đã hoàn thành rồi, nó có tên là “Mở rộng vòng tay”. Đó là một thử nghiệm của mình về lĩnh vực này.

Hiện nay, song song với cuốn “Một thế kỷ thơ Việt” mình đang tìm những bài thơ hay để làm hai tập nữa là “Thơ thế kỷ 20 tinh tuyển và bình giá” và cuốn “Thơ các dân tộc thiểu số Việt Nam”, lớp từ sau Cách mạng Tháng Tám đến cuối thế kỷ này”.

Trinh Đường vẫn miệt mài sáng tác và mê mải đi tìm thơ hay cho công trình thế kỷ của mình. Tôi hình dung ông như một người gặt lúa, gặt được lượm nào để nguyên tại chỗ lượm ấy, không gom bó lại để mang về nhà mà cứ đi gặt tiếp. Những nhà thơ khác ở tuổi ông hẳn lo khuôn lại ở những đề tài, những cách viết quen thuộc của mình, hẳn lo tập hợp thu xếp tác phẩm trước nay một cách hoàn chỉnh như chuẩn bị chu tất hành trang để yên lòng lỡ có ra đi. Còn ông, tất cả đều mở ra, ngổn ngang, bề bộn, vì ông mải làm những cuộc hành trình để săn đuổi những cái mới ở phía trước. Ông chỉ phải dừng lại khi thần chết đánh quỵ ông. Ông mất lúc 15 giờ 10 phút ngày 28.9.2001, hưởng thọ 85 tuổi.

THANH QUẾ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trinh Đường, nhà thơ của những hành trình (Tiếp theo và hết)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO