Trinh Đường: Nỗi niềm tưởng thơ tiếc ngọc!

HOÀNG LIÊN 02/10/2017 20:16

(QNO) - “Tôi về lối cũ, đường xưa/ Hanh hao cồn bãi niềm sau nhớ người/ Vàng xưa còn vọng câu cười/ Heo may thổi lệch bóng người trăm năm…”. Mùa trăng trung thu xứ Quảng là dịp tưởng niệm 16 năm ngày mất nhà thơ Trinh Đường (2001-2017), người con Đại Lộc, cũng là dịp hội ngộ của thi hữu, văn nhân từ khắp mọi miền. Tôi cũng có dịp nhớ đến ông với nỗi niềm của người hậu thế trong cuộc trăm năm.

Thân hữu, văn nhân, thi sĩ hồ hởi về với ngày tưởng niệm 16 năm ngày mất của Trinh Đường ở quê nhà Đại Thắng, Đại Lộc. Ảnh: Hoàng Liên
Thân hữu, văn nhân, thi sĩ về với ngày tưởng niệm 16 năm ngày mất của Trinh Đường ở quê nhà Đại Thắng, Đại Lộc. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Khi tôi lớn lên trên đất mẹ cũng là khi nhà thơ Trinh Đường đã trở về với cát bụi phù vân. Tấc lòng, nỗi niềm của ông, tôi chỉ có thể thẩm thấu qua thơ, qua những giai thoại, ký ức người sinh thời với niềm xúc cảm dâng đầy. Mùa trăng trung thu lần thứ 16, cũng đã 16 năm nhà thơ Trinh Đường vĩnh viễn ra đi. Căn nhà nhỏ vùng đất Xuân Nam, xã Đại Thắng (Đại Lộc), nơi ông cất tiếng gọi chào đời, vết tích chỉ còn lại nền móng cũ, một nửa được trưng dụng làm nhà thờ tộc, một nửa là mái ấm của người cháu ruột ông. Với bao văn nhân, thi sĩ, thân hữu, cả lớp người sau từng sống, làm việc với Trinh Đường, những dòng ký ức, niềm thương mến vẫn vẹn nguyên suốt 16 mùa trăng đi qua. Họ tiếc mến ông phần nhiều không chỉ vì thi tài mà còn vì nghĩa khí: cái khí chất của người Quảng Nam trong ông đậm đặc qua câu chữ, qua cách đối nhân xử thế…

Ngày giỗ Trinh Đường đúng mùa trăng, không có những lời hoa mỹ, khuôn sáo, mà chỉ những tâm tình, những bộc bạch giản dị, mộc mạc… Đã 16 năm rồi, kỷ niệm về Trinh Đường trong lòng nhà thơ Trần Phương Trà vẫn mới hôm nào, ông đến nhớ từng chi tiết. “Trinh Đường là một con người rất chí khí, tự trọng, trọn nghĩa vẹn tình. Anh đã truyền cảm hứng sáng tác cho thế hệ trẻ như tôi, bởi anh ở đâu là buộc chúng tôi phải làm thơ ở đó, rồi cùng bình xét thơ của nhau. Tôi nhớ, một lần đi công tác xa, có đêm hôm anh giục tôi: Chú phải uống mật ong để khỏi đau dạ dày (tôi bị đau dạ dày), đêm nay cố thức để làm thơ, mai mỗi người phải có một bài thơ hay để bình xét. Cũng nhờ đó mà mỗi người chúng tôi có một bài thơ, dù chưa hay lắm, nhưng đó là động lực sáng tác” - nhà thơ Trần Phương Trà bộc bạch.

Không quản ngại xa xôi từ Huế vào tận vùng B Đại Lộc, nhà thơ Trương Xuân Đông kể về Trinh Đường say sưa với nhiều chi tiết thú vị. Ông tâm sự: “Trinh Đường không chỉ nổi tiếng trong thơ mà còn là nhân vật lịch sử, không chỉ là niềm tự hào của quê hương, gia đình, ông là nhà thơ, là niềm tự hào của vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng. Song có điều, ở phía Bắc, anh em rất quý ông, nể trọng, tôn vinh ông, còn ở ta, có lẽ vai trò, vị thế của Trinh Đường cần phải nhìn nhận, khẳng định, tôn vinh đúng mực. Cần một con đường mang tên Trinh Đường, hay một quỹ khuyến học, quỹ tặng thưởng văn chương ở xứ Quảng mang tên ông”.

Nhà thơ Nguyễn Nhã Tiên dù không kịp về dự giỗ kỵ Trinh Đường, vẫn góp nhặt yêu thương: “Trong tư liệu ít ỏi của mình về ông vẫn còn những lá thư ông viết cho mình, ấy thế mà vẫn còn thấy điều gì đó thiếu thiếu về ông. Hình như mẫu nghệ sĩ như ông sinh ra đời để tận hiến rồi mất và... chìm vào quên lãng chăng? Mười sáu năm rồi từ ngày ông đi xa, chẳng nghe ai bàn tưởng nhớ đến ông, ví như một giải thưởng văn học nào đó, cho dù ông để lại cho đời có đến hơn 20 đầu sách bao gồm: thơ, truyện, bút ký, tiểu luận văn học và cả nghìn trang biên khảo, sáng tác chưa in”…

Tưởng nhớ nhà thơ Trinh Đường, Ảnh: HOÀNG LIÊN
Tưởng nhớ nhà thơ Trinh Đường. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Tôi nhớ, trong một số bài viết về Trinh Đường, nhà thơ Thanh Quế từng gọi ông là “người say”: “Trinh Đường là một người say thơ. Ông chẳng say thứ gì khác, dù là tiền tài, của cải, danh vọng… Chỉ say thơ. Mà thứ ông say lại là thơ hay, thơ hay của mình, thơ hay của người khác. Có thể nói ông là người tôn thờ thơ hay”. Có lẽ, người yêu thơ Trinh Đường không hẳn chỉ vì thơ hay kiệt xuất, mà còn bởi phong thái, khí tiết của một con người xứ Quảng. Tôi đọc Trinh Đường không nhiều, nhưng ấn tượng mạnh bởi những câu thơ mềm mại xen lẫn giọng điệu rắn rỏi với một thái độ đanh thép của một nhà thơ cách mạng. Khi lại là lời trần thuật của một người tài bất đắc chí, ngán cái sự đời bể dâu. Giọng thơ, tứ thơ mang âm hưởng hoài cổ, mà lòng đang đứng ở bờ vực hiện tại, đau đáu. Trong thăng trầm đời người, ông đã vắt kiệt sức mình để sống, để yêu đời, yêu người, yêu thơ, dẫu là khi nhìn rõ cái ô trọc của đời mà vẫn ung dung, tự tại: “Anh chia cho em một đời trần lụy/ Có buổi chiều nổi trắng đám phù vân… Cuộc phù thế nụ cười và nước mắt/ Chỉ duy còn một cái chết chưa chia” (Chia nhau). Ông mặc cho dòng đời vây bủa, mặc cho kiếp phù vân sóng gợn lăn tăn: “Chưa lên voi tôi xuống chó bao lần/ vẫn đứng vững trong cuộc đời điên đảo/ Ai cùng túng phải ngọc đem bán dạo/ tôi đem hết tôi để trả ơn đời/ Biết làm sao vừa ý được mọi người/ khi dám sống riêng mình đầu chẳng cúi”

Với ông, thơ là ngọc, cốt cách sống thanh sạch, ngang nhiên giữa trời đất, giữa sinh hoạt nhiễu nhương là ngọc. Thơ là người, hẳn vậy. Một người thơ đã xác lập một thái độ sống, một dáng nét giữa dòng đời xô đẩy nghiệt ngã đáng quý hiếm lắm thay. Ông dấn thân vào cuộc chiến cũng là một nhà thơ, ngày trở lại bến sông xưa nơi quê nhà Đại Lộc cũng chỉ là một nhà thơ, một thi sĩ, không gì khác. Đi hay ở, với ông đều nhẹ nhàng như một chớp mắt, bởi đã phụng hiến trọn vẹn cho đời, cho thơ, viết như là hơi thở, là cuộc sống. “Ai người sống đã chết/ Ai người chết đang còn/ Ngang nhiên giữa trời đất/ Ta sống cùng nước non” (Được - mất); “Nhập thế hay xuất thế/ Cỏ bờ hay bụi bờ/ Nhập thêm vào đất nước/ Mới nhập thân vào thơ” (Vĩ thanh)…

Trước lúc tạ từ cuộc đời, Trinh Đường vẫn giữ cốt cách tự tại với tâm nguyện là khi chết đi hình hài của ông sẽ được hỏa táng, cốt tro chia làm ba phần: một phần rải xuống sông Hồng, một phần để ở căn nhà nơi ông sinh sống ở Cổ Nhuế, một phần chôn bên cạnh mộ phần cha ông ở quê nhà Đại Thắng. Song, cuối cùng, một người con gái lớn của ông vì thương tiếc, đã tìm mọi cách đưa thi hài ông về an táng ở quê nhà, thôn Xuân Nam. Lễ tang ông, bạn bè, văn nhân từ mọi miền đổ về, mấy ngày lo tang ma thương tiếc người quá cố. Tiếc rằng, một con người đã vắt kiệt sức lực tận hiến cho thơ, cho nghệ thuật, song cho tới nay vẫn chưa có một sự tôn vinh xứng đáng. Ông ra đi trong lặng lẽ, nhưng niềm yêu, tưởng thơ tiếc ngọc trong lường bạn bè, thi hữu văn nhân và quyến thuộc thì còn mãi. Sự nghiệp sáng tác của ông dày dặn, đủ sức tạo cho nó một vóc dáng riêng, chẳng cần cổ xúy, chẳng cần màu mè, bôi phấn trát hương, mà “hữu xạ tự nhiên hương”, như “đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt”, trường tồn cùng dòng chảy thời gian, mặc dòng đời xô đẩy. Ở Trinh Đường, từ sắc thái thi ca cho tới cốt cách, bản lĩnh, cái chất vàng ròng ấy không lu mờ, hoen ố mặc thời gian xô đẩy…

HOÀNG LIÊN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trinh Đường: Nỗi niềm tưởng thơ tiếc ngọc!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO