(QNO) - Trong chương trình làm việc sáng nay của kỳ họp thứ bảy HĐND tỉnh khóa X, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh đề án quy định mức khoán kinh phí phục vụ nấu ăn tại các trường có tổ chức nấu ăn cho trẻ em, học sinh (HS) ở xã, thôn đặc biệt khó khăn theo Nghị định số 116 và Nghị định số 105.
Thừa ủy nhiệm UBND tỉnh, ông Thái Viết Tường - Giám đốc Sở GD-ĐT trình bày đề án, cho biết hiện nay, việc quy định chính sách hỗ trợ cho các trường có tổ chức nấu ăn cho trẻ em, HS ở xã, thôn đặc biệt khó khăn được thực hiện theo Nghị định số 116 (ngày 18.7.2016) và Nghị định số 105 (ngày 8.9.2020) của Chính phủ.
Cụ thể, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 39 (ngày 8.12.2016) quy định khoảng cách, địa bàn, mức khoán kinh phí phục vụ nấu ăn cho HS ở xã, thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh và Nghị quyết số 22 (ngày 19.4.2021) quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện cho thấy mức khoán kinh phí 200% mức lương cơ sở đối với các trường phổ thông được hỗ trợ theo Nghị quyết số 39 và 2.980.000 đồng đối với các trường mầm non công lập được hỗ trợ theo Nghị quyết số 22 để chi trả cho một nhân viên hợp đồng nấu ăn là rất thấp, thấp hơn mức lương tối thiểu vùng nên chưa thật sự đáp ứng với mức sống thực tế hiện nay nên nhân viên nấu ăn chưa yên tâm công tác.
Cạnh đó, cùng một chính sách hỗ trợ tổ chức nấu ăn, trên cùng địa bàn nhưng lại được điều chỉnh bởi 2 nghị quyết của HĐND tỉnh và một số nội dung chưa có sự đồng bộ giữa các nghị quyết dẫn đến khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.
Ông Tường dẫn chứng, thời gian làm việc của nhân viên nấu ăn tại các trường thường bắt đầu từ 15.8 hằng năm (đón HS về nhập học trước 2 tuần nhằm nắm tình hình ra lớp của HS để huy động) cho đến 10.6 năm sau (vì sau thời gian kết thúc năm học phải dọn dẹp và lưu kho bảo quản các trang thiết bị của nhà bếp, nhà ăn).
Trong khi đó, quy định khoán kinh phí phục vụ nấu ăn tập trung cho HS (chi trả lương cho nhân viên nấu ăn) không quá 9 tháng/năm học (từ ngày 1.9 năm trước đến hết ngày 31.5 năm sau). Vì vậy, trong 3 tháng hè, các nhân viên không được hợp đồng lao động nên họ tìm công việc khác để có thu nhập nhằm trang trải cho cuộc sống của gia đình. Điều này làm cho các cơ sở giáo dục gặp rất nhiều khó khăn trong việc giữ chân hoặc tìm nhân viên mới để hợp đồng phục vụ công việc nấu ăn cho HS ngay từ đầu năm học.
“Việc hợp đồng lao động đối với nhân viên nấu ăn là ngắn hạn, cường độ làm việc cao, một ngày làm việc bắt đầu từ sáng sớm và kết thúc vào lúc chiều tối với nhiều phần việc khác nhau để phục vụ HS. Với mức hỗ trợ thấp và công việc nặng nhọc như vậy nhưng họ lại không được hỗ trợ kinh phí để tham gia bảo hiểm xã hội do đó không yên tâm công tác, gắn bó để phục vụ lâu dài” - ông Tường nhấn mạnh.
Giải thích thêm, ông Tường nói trên thực tế, nhiều cơ sở giáo dục phải huy động giáo viên đứng lớp tham gia nấu ăn cho HS, làm ảnh hưởng đến việc triển khai nhiệm vụ dạy và học. Từ những bất cập, khó khăn nêu trên, Sở GD-ĐT đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua đề án và ban hành nghị quyết quy định mức khoán kinh phí phục vụ nấu ăn tại các trường có tổ chức nấu ăn cho trẻ em, HS ở xã, thôn đặc biệt khó khăn theo Nghị định số 116 và Nghị định số 105.
Theo đề án, tăng mức hỗ trợ tổ chức nấu ăn cho trẻ em mầm non công lập ở xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và tăng mức khoán kinh phí phục vụ nấu ăn cho HS trường phổ thông dân tộc bán trú và trường phổ thông có tổ chức nấu ăn tập trung ở xã, thôn đặc biệt khó khăn lên bằng 300% mức lương cơ sở.
Theo tính toán của UBND tỉnh, dự kiến tổng nguồn kinh phí mỗi năm hơn 16 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hơn 14 tỷ đồng, ngân sách trung ương hỗ trợ 2 tỷ đồng.