Trịnh Quang Xuân với ngục Kon Tum

TẠ VĂN SỸ 22/08/2015 08:48

Năm 1930, thực dân Pháp lập ngục Kon Tum để đưa những người yêu nước và chiến sĩ cách mạng (gọi là “chính trị phạm”) có tầm ảnh hưởng lớn ở khu vực miền Trung lên giam giữ và đi mở đường 14 (đoạn Kon Tum - Quảng Nam). Chỉ qua 6 tháng mùa khô 1930-1931 lao động khổ sai trên công trường ấy đã có đến 2/3 trên tổng số 295 chính trị phạm xương vùi nơi núi thẳm. Đến mùa khô 1931 - 1932 lại bị áp bức đi mở đường lần hai. Và ngày 15.6.1932, mùa mưa đến, lại đưa về giam ở ngục. Tại đây, tháng 7.1932, các chính trị phạm cùng nhau lập ra một tổ chức sinh hoạt văn nghệ và báo chí, tập trung vạch mặt, lên án sự tàn bạo của kẻ thù; kêu gọi, động viên tinh thần đấu tranh trong đồng đội, đồng bào. Tổ chức ấy, về mảng sáng tác thơ ca lấy tên là Ngục Thất Tao Đàn, về mảng báo chí lấy tên Ngọ Báo.

Trịnh Quang Xuân.
Trịnh Quang Xuân.

Ngọ Báo (báo giữa trưa), chỉ trên danh nghĩa, thực ra là… không có báo! Ấy là vì trong tù ngục, chính trị phạm chỉ được nghỉ một tí ban trưa, họ tập trung lại “đọc” (cụ thể là nói) “bài báo” mình nghĩ trong đầu cho mọi người cùng nghe. Dĩ nhiên là bài của ai thì người ấy… “đọc”! Có lẽ đây là “tờ báo” độc đáo mà không biết có còn  ở đâu có như thế không!

Về tổ chức Ngục Thất Tao Đàn thì có hơn 30 người (theo tiểu dẫn trong Tổng tập văn học Việt Nam) và còn lưu lại một số tác phẩm thơ ca, vè, văn tế… Một trong những người “cốt cán” ban đầu vận động thành lập Ngục Thất Tao Đàn (như Hồ Tùng Mậu, Hồ Văn Ninh, Võ Trọng Bành, v.v.) có Trịnh Quang Xuân.

Trịnh Quang Xuân sinh ngày 25.12.1908 tại làng Phong Nhị, xã Điện An, huyện Điện Bàn. Năm 1926 tham gia Thanh niên cách mạng đồng chí hội khi đang làm việc ở ngành hỏa xa. Năm 1931 bị bắt tại Quảng Bình khi đang điều khiển tàu, bị tống giam ở lao Vinh. Mùa hè năm 1932 bị đày lên ngục Kon Tum. Năm 1940 bị bắt lần nữa, lại đày lên căng an trí Đăk Glei – Kon Tum. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ông là Xứ ủy viên Xứ ủy Trung kỳ. Năm 1948, ông là Quyền Giám đốc Sở Công an Liên khu V; 1951 Tỉnh ủy viên, Giám đốc Công an tỉnh Bình Định; 1954 tập kết ra Hà Nội, công tác ở Tổng cục Đường sắt, sau giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy Tổng cục Đường sắt,… Ông mất ngày 16.2.1985.

Hồi ký của Ngô Đức Đệ viết: “Mùa hè năm ấy (1932 - NV) từ nhà lao Vinh và nhà lao Quảng Nam, thực dân Pháp đưa lên một số chính trị phạm nữa, nhưng chỉ giam ở thị xã Kon Tum, không còn công trường Đăk Pét nữa. Trong số mới lên này có các đồng chí Hồ Tùng Mậu, Hồ Văn Ninh, Trịnh Quang Xuân, v.v.”. Như vậy Trịnh Quang Xuân lên Kon Tum không phải đi làm đường 14, và lên sau sự kiện xảy ra hai cuộc đấu tranh đổ máu “Lưu huyết” và “Tuyệt thực” tháng 12.1931.

Một số tư liệu cho biết Trịnh Quang Xuân có làm nhiều thơ. Riêng giai đoạn Trịnh Quang Xuân bị giam giữ tại ngục Kon Tum (1932-1933, các tư liệu còn chép lại được 2 bài thơ “Viếng mồ liệt sĩ” (1932) và bài “Giã mồ liệt sĩ” (1933) của ông.

Bài Viếng mồ liệt sĩ sáng tác năm 1932, cảm đề về ngôi mộ chôn 8 liệt sĩ hy sinh trong cuộc đấu tranh Lưu huyết ngày 12.12.1931 do phản đối đi làm đường 14 lần thứ hai. Cuộc đấu tranh bị đàn áp, khiến 8 người hy sinh tại chỗ.

Bài thơ được Lê Văn Hiến dẫn in lại trong ký sự Ngục Kon Tum xuất bản năm 1938. Năm 1981 được tuyển in trong Tổng tập văn học Việt Nam, tập 31. Theo Lê Văn Hiến và Ngô Đức Đệ cho biết thì đây là một đề thơ chung của Ngục Thất Tao Đàn ra cho các thành viên (vào mỗi tuần) để thi nhau làm thơ. Lê Văn Hiến viết: “Mỗi tuần làm một bài do anh em ra đề, mà cũng do anh em lựa chọn bài nào hay thì thưởng. Phần thưởng không có gì lạ: chỉ một vài cái bánh ú nếp, năm ba cái bánh tráng (bánh đa), bài thơ nào hay lắm, tuyệt bút lắm, thì được thêm vài ba trái chuối”. (Có lẽ đây là cái “giải thưởng văn học” độc đáo mà chúng ta biết được!). Với bài thơ này Trịnh Quang Xuân đã xuất sắc nhận được giải Nhất của cái “giải thưởng” ấy.

“VIẾNG MỒ LIỆT SĨ: Tám nấm một gò cỏ phủ quanh/ Chết vì chính nghĩa chẳng vì danh/ Tường rêu khó phủ lòng cương quyết/ Nấm đất khôn che dạ nhiệt tình/ Bè bạn trông qua gan ruột tím/ Địch thù nhớ lại mặt mày xanh/ Trước sau cũng thác, thà như thế/ Mới gọi là người biết tử sinh”.

Được phổ biến cùng với bài thơ trên còn có 2 bài thơ cũng nhan đề Viếng mồ liệt sĩ của Hồ Tùng Mậu và Võ Trọng Bành (đoạt giải Nhì và Ba), cùng sáng tác theo chủ đề của tuần lễ ấy.

Sự hà khắc, tàn bạo ở ngục Kon Tum đã gây nên làn sóng dư luận trên chính trường, ảnh hưởng bất lợi cho chính phủ Pháp, nên cuối năm 1933 Pháp bãi bỏ ngục Kon Tum, chuyển toàn bộ tù nhân sang nhà lao Buôn Ma Thuột. Trong tâm trạng chia tay “cảnh cũ” Kon Tum và “người xưa” là các đồng chí, đồng đội nằm lại dưới mồ, Trịnh Quang Xuân cảm xúc nên bài thơ Giã mồ liệt sĩ ngồn ngộn xúc cảm và thấm đẫm nỗi niềm trắc ẩn:

“GIÃ MỒ LIỆT SĨ: Buồn lòng cất bước ra đi/ Bâng khuâng chốn cũ, nghĩ gì đường xa/ Nỗi lòng ta biết với ta/ Gẫm người xương trắng – xưa là đầu xanh/ Bỏ mình trong cuộc đấu tranh/ Vì ai – ai biết! Thân mình – mình hay!/ Từ đây sương gió tháng ngày/ Mồ um cỏ mọc, nấm đầy lá rơi/ Tử sinh thề quyết một lời/ Dẫu xa muôn dặm không rời tấc son/ Còn trời, còn nước, còn non…/ Còn nhiều cay đắng ta còn đấu tranh/ Tấm lòng, chứng có Trời xanh…” (Kon Tum, 1933).

Qua 2 bài thơ, cả Thất ngôn bát cú và Lục bát, bài nào cũng được viết với một bút pháp vững vàng, ngôn từ chọn lọc, sử dụng biện pháp tu từ giàu biểu cảm, điều đó nói lên rằng có thể gọi Trịnh Quang Xuân là một nhà thơ với đầy đủ nghĩa lý của danh xưng này, bên cạnh một Trịnh Quang Xuân chiến sĩ cách mạng. Những câu như: “Buồn lòng cất bước ra đi/ Bâng khuâng chốn cũ, nghĩ gì đường xa.../ Từ đây sương gió tháng ngày/ Mồ um cỏ mọc, nấm đầy lá rơi…” đã cho thấy tâm trạng, tấm lòng, tinh thần và tài năng của con người này.

Điều đáng trân trọng và đáng nói ở đây là, tính đến nay, qua các tư liệu có được, bạn đọc mới chỉ gặp mỗi bài thơ Giã mồ liệt sĩ của Trịnh Quang Xuân là “bằng chứng” duy nhất thể hiện xúc cảm của người khi rời xa Kon Tum và chia tay những bạn bầy đã hy sinh trung liệt đang nằm lại dưới mồ xanh. Điều đó chứng tỏ Trịnh Quang Xuân là một người nhạy cảm, tình nghĩa và giàu tính nhân văn.

TẠ VĂN SỸ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trịnh Quang Xuân với ngục Kon Tum
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO