Quang về giữa mùa sông Thu nước đục vàng trộn lẫn phù sa lững thững chảy trôi. Từ bến đò thả mắt sang phải là cây cầu Cửa Đại bắc qua con sông quê. Gió từ bến thao thiết thổi lên những căn nhà ven chợ Nồi Rang cũ, nghe Chạp se sắt bên hiên. Bây chừ người ta qua sông chủ yếu bằng cây cầu xây, bến vắng bị bão dập tả tơi mấy đợt nên càng hắt hiu.
Má lụi cụi dậy từ lúc mờ sáng, khi sương còn đương trầm mặc bồng quyện không gian. Mấy chục năm trời như thế, sương đã giăng trắng mái đầu má. Kho xong nồi cá, má chạy chiếc Cup cũ qua Vĩnh Điện chở tro.
Xóm trên có người đặt sáu bao tro rơm để rải đất trồng rau bán tết. Má khen con bé giỏi dang xinh xắn lắm. Thạc sĩ chi đó ở phố, chắc dịch giã mất việc nên mới về. Quê mình nghèo tiền nghèo bạc, người ta phải bỏ đi tứ xứ mưu sinh. Nhưng quê mình giàu nghĩa giàu tình, cứ quay về rau vườn cá đồng là qua ngày thôi.
*
* *
Nghỉ hè, Lọ Nghẹ dậy thiệt sớm cùng má ngồi ghe ngược sông Thu Bồn. Lọ Nghẹ ngồi trong lòng má, dựa đầu lên ngực ngáp ngủ. Sao trên trời nhấp nháy sáng, máy ghe nổ ồ ồ rẽ nước, gió vù vù bên tai lạnh thấu hai lớp áo.
Trời vẫn còn tối mờ mờ, má gõ cửa từng nhà xin tro. Mấy con chó sủa rân trong xóm, đánh thức người ra đồng. Vài căn bếp đã đỏ lửa đốt rơm nấu cám heo từ sớm, khói trắng từng cuộn dài bay lên quyện trong màn sương.
Má dùng nắp vung nồi gang cào xúc mớ tro đổ vô bao tời, bóp từng nắm tro rồi nhấn thật chặt. Lọ Nghẹ lăng xăng bụm tro bằng tay, làm bụi tro bay tứ tung, hít ho sù sụ. Trán má lem nhem tro trộn lẫn mồ hôi thành từng vệt ngang. Tro chui đầy móng tay kẽ chân.
Hồi đầu, ai cũng nhiệt tình cho bởi má dọn sạch bếp giùm họ. Phải xin hốt chừng hai chục nhà mới đầy một bao tro. Được thời gian, người ta biết má gom tro về bán, nên tính mỗi bao mấy ngàn đồng.
Má chỉ lấy tro rơm, có khi lẫn ít tro củi. Rơm khô nhanh bén lửa, cháy đượm nhưng chóng tàn. Nhiều nhà không có thời gian ngồi canh bếp, dùng trấu để nấu cám, vỏ trấu cháy âm ỉ ngun ngún. Tro rơm tơi mịn hơn tro trấu, chỉ cần ép chặt thành nắm là tro có độ dẻo, dính vào nhau. Tro rơm nhiều chất dinh dưỡng, rải trên rãnh luống, cải tạo đất cát giúp rau đậu đâm rễ nhanh hơn. Tro trấu khiến đất bị bí, chẳng hợp bón cây nên má không lấy.
*
* *
Mặc kệ nhiều người quen phản đối, ý đã quyết, Quang dọn đồ cái rẹt. Suốt mấy trăm đêm đắn đo suy tính, Quang thấy kiểu chi mình cũng phải quay về. Tranh thủ lúc má vẫn còn ở đó chờ Quang. Giao thừa năm ni, nhất định Quang phải ngồi bên bếp lửa cùng má.
Kể từ ngày ba mất vì COVID-19, trong giấc chập chờn của Quang luôn có mùi khói vấn vít. Hoặc khói nhang trầm trên bàn thờ, hoặc làn khói bảng lảng trên cánh đồng chiều mây thẫm đỏ. Rơm cháy khen khét, lấn quấn cùng mùi ngai ngái của đất của cỏ.
Tiếng ghe máy trong buổi tối trên sông gọi Quang thức giấc giữa đêm thị thành ánh đèn đường rực rỡ. Nếu Quang còn chưa về, thì không kịp mất. Quang sẽ để lỡ, như khi má ngồi rấm rứt trong căn nhà cũ vắng bóng ba, Quang khát khao được đưa tay ôm lấy bờ vai gầy đó, nhưng chỉ có thể nhìn qua màn hình điện thoại. Mỗi lần nghĩ tới là cổ họng Quang nghẹn đắng, thương má tới quặn lòng. Đại dịch nhốt Quang ở phố, ngày Sài Gòn tháo dây giăng, công việc trói chặt lấy Quang tới nỗi mấy cái tết rồi chẳng về được.
Có đêm, Quang thấy mình bé lại, cầm đèn dầu chạy xồng xộc theo tiếng ồn ào ra bến. Nước mắt hớt hải rớt dọc đường đi. Ba má nhảy khỏi khoang ghe, bơi trong làn nước lạnh, ôm cây để người ta níu vô bờ. Bảy mươi lăm bao tro lềnh bềnh trên mặt nước. Môi má tái nhợt, vẫn ngoái đầu nhìn lại dòng sông. Tro ngấm nước rồi không bán được nữa. Tro chìm nghỉm, mang theo tiền ăn mấy tháng trời của cả nhà. Một đời sông biết mấy đời người. May mà con sông quê hiền lành đã trả má lại cho Quang.
*
* *
Bà Dần từ đâu chạy xộc tới xáng bạt tai, rồi cầm đống bao tời đập thẳng vô mặt má, tro phủ xám mặt trắng tóc. Bả sa sả phun nước miếng. Mi coi đồng tiền to như cái bánh xe rứa hỉ. Mới ba mấy tuổi đầu đã ăn trên ngồi trước, tính giựt mối cướp khách của ta hả?
Má cúi gằm mặt im thin thít, nước mắt chảy tràn từ khóe, cuốn bụi tro trôi xuống cằm. Bà Dần nổi danh là kẻ bán trời không chứng. Hệt như đứng trước cái cối xay gãy họng, đâu ai ở xóm này cãi lại bà. Hoặc họ chẳng thèm chấp. Chỉ vì mấy bao đựng tro bị bạn hàng trả lộn, bà quậy banh lên như thể má đã làm ra chuyện tày đình lắm.
Lọ Nghẹ xụi lơ run run ôm cây cột tre chẳng dám hó hé. Hoang mang đeo bám Lọ Nghẹ, mãi tới về sau vẫn luôn chua chát nghĩ. Trên đời này, có lẽ không chi nhẫn tâm bằng việc sỉ nhục người khác trước mặt con cái của họ.
Má bán chiếc ghe sau vụ tro chìm hoặc vì lời chửi của bà Dần. Chuyện qua lâu rồi, Lọ Nghẹ cứ mang máng miết. Chỉ nhớ má đã ngồi chồm hổm ở bến Nồi Rang, chống cằm đau đáu nhìn dòng sông Thu suốt mấy buổi chiều. Đó là một mùa gió tơi bời, bóng má liêu xiêu giữa bốn bề lạnh ngắt. Hơn ba cây vàng của má, ngót nghét hai chục triệu đồng mới mua được chiếc ghe, lắp khoang gắn máy, tới khi bán ngậm ngùi cầm năm trăm ngàn đồng.
Nghỉ buôn tro, má chuyển sang buôn dưa. Ngày chợ Nồi Rang mới xây xong khánh thành, má mừng như nông dân được vụ lúa. Má ra chợ xin mở sạp bán trái cây. Không còn bới tro, kẽ tay Lọ Nghẹ trở nên sạch trơn, lau mặt sáng trưng thành thằng Quang kiêu hãnh với đời.
Dù bỏ nghề, thỉnh thoảng má vẫn đặt tro giùm chòm xóm. Ở xứ ni, được mấy người đã kinh qua nghề buôn tro như má, hiểu rõ về tro còn hơn từng nếp nhăn hằn sâu trên gương mặt mình.
*
* *
Quang vác mấy bao tro qua xóm trên giao cho người đặt. Đứng trước ngõ cũ quen thuộc, Quang cứ ngờ ngợ, rồi hơi sững người. Cô bé chơi trò công chúa nằng nặc đòi Quang phải làm kỵ sĩ thuở mặt mũi lấm lem, bây chừ đã lớn lên thành một thiếu nữ xinh đẹp. Điều thú vị là quần áo của người con gái đó vẫn dính bùn đất hệt như xưa.
Câu đầu tiên khi gặp lại người thương thời con nít, cô gái kéo tay Quang nhờ rải giùm tro rơm lên các rãnh luống. Quang lăng xăng xắn ống quần đeo bao tay bốc tro, mồ hôi hào hứng tuôn theo câu chuyện chán máy lạnh mê gió trời của người con gái bên cạnh.
Được bữa hưng hửng nắng, đất ẩm thấm tro ấm dần. Những hạt giống được gieo dưới mặt đất kia, chỉ mai mốt thôi, từ lớp tro rơm sẽ mọc lên những mầm xanh. Có thể là vạt ngò rí, cải cay hay xà lách non mướt. Hoặc bên cạnh hàng rào, mấy bông hoa trắng nhỏ xinh trên dây đậu tây cũng sẽ thành trái. Nhà quê là thế, phải có đám rau xanh ngoài vườn mới gọi xuân về rạng rỡ sau những ngày mưa dầm ướt lạnh. Là do mặt trời chói hay bởi nụ cười tỏa nắng ở kế bên, mà hai mang tai Quang ửng đỏ. “Ráng giúp em đi, đợi tới tết em hái ít xà lách qua biếu má cuốn thịt heo muối”. “À… ý em là biếu má anh”.
Cô gái nói xong cười tít mắt, mặc cho Quang mường tượng khung cảnh bữa cơm của hai má con có thêm cái chén đôi đũa. Đâu đó, chừng như tiếng trẻ nít cười vang góc nhà…