Tro bay đầy muôn hướng...

C.B.L 22/08/2018 01:48

Vài ngày nữa, là đến rằm tháng Bảy. Vào chợ, các gian hàng vàng mã đã nhộn nhịp hơn, các kệ hàng chất đầy hơn mọi ngày. Trần sao âm vậy, nên đã thấy vàng mã muôn hình vạn trạng từ nhà lầu xe hơi di động, đồ chơi trẻ em các loại, đô la cho đến vô số thứ linh tinh khác cần cho cuộc sống trần gian, bày bán. Người bán kẻ mua tấp nập.

Đầu năm nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam có công văn đề nghị trụ trì các tự viện (chùa, tổ đình, tịnh xá, thiền viện, tu viện, tịnh viện, tịnh thất, niệm Phật đường) hướng dẫn đồng bào Phật tử “loại bỏ mê tín dị đoan, không đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam”. Nhưng, để một thói quen của cộng đồng thay đổi, chỉ bằng một văn bản này, e rằng bất khả thi. Dư luận xôn xao thời gian đầu, rồi đâu lại vào đấy.

Tại các tự viện, nơi công cộng có thể không còn đốt vàng mã, nhưng ở tư gia người dân, người theo đạo Phật thì còn đốt nhiều lắm. Do đó, để bỏ tục đốt vàng mã không chỉ là trách nhiệm của Giáo hội Phật giáo mà còn của các cơ quan quản lý nhà nước. Có lẽ, phải bắt đầu trở lại bằng các bài học, trở lại nhận thức chuyện đốt vàng mã, may ra mới có sự thay đổi từ gốc vấn đề. Bởi cứ với lối xưa bày nay bắt chước, thì không thể dừng lại một việc làm đã ăn sâu vào tâm thức cộng đồng, chỉ bằng một cuộc vận động của Giáo hội Phật giáo.

Còn nhớ một nghiên cứu của TS.Nguyễn Việt Cường (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân), khiến dư luận ngạc nhiên: năm 2016, tiền chi cho đồ cúng lễ của người dân cả nước gấp 8 lần chi cho truyện tranh và đồ chơi trẻ em, tức vào khoảng 16 nghìn tỷ đồng.

Mỗi năm người dân Việt Nam đốt gần 50.000 tấn vàng mã, nên dù chưa có thống kê về số tiền chi cho việc này nhưng có thể hình dung con số rất lớn. Có ai, lúc bỏ tiền ra mua vàng mã cảm thấy tiếc? Hay sẽ chau mày trả lời bằng câu hỏi khác: “Cúng cho người đã khuất, sao ăn nói hàm hồ?”.

Hòa thượng Thích Tố Liên (1903-1977) từng cho rằng, đốt vàng mã cho người chết là một hủ tục ảnh hưởng từ Trung Quốc. Điều này gây nhiều tranh cãi trong giới nghiên cứu cũng như ngay cả giáo hội bởi các quan điểm khác nhau và khó đồng thuận. Tuy nhiên, có một điều không quá khó thấy, là với số tiền khổng lồ chi cho việc đốt vàng mã hằng năm có thể đổi được hàng triệu bữa ăn từ thiện, hàng triệu mảnh đời khốn khó được giúp đỡ. Nên liệu có thể suy nghĩ, rồi sẽ cấm đốt vàng mã như ngày xưa cấm đốt pháo được không?

Cân nhắc giữa lợi hại, hơn thua, được mất, ít nhiều bao giờ cũng vô cùng khó khăn, thậm chí là đụng đến tập tục, quan niệm xưa nay. Nên, vàng mã vẫn chưa dứt, vẫn được người đốt lên, cho tro bay đầy muôn hướng…

C.B.L

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tro bay đầy muôn hướng...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO