Trò chơi và nghệ thuật...

NAM DIÊU 08/07/2018 10:08

“Bóng đá là trò chơi của 22 người đàn ông giành nhau một trái bóng mà kẻ chiến thắng luôn là người Đức” - dòng “định nghĩa” hết sức kiêu hãnh của những fan hâm mộ đội tuyển Đức (mặc dù lần này đội bóng được ví như cỗ xe tăng đã bị dội “gáo nước lạnh” ê chề  khiến nhà đương kim vô địch World Cup 2014 chính thức bị loại ở lượt đấu cuối vòng bảng) đủ nói lên sự tự tin thái quá của một tay chơi sành sỏi, rành luật chơi và đầy tự tin.

Minh họa: VĂN TIN
Minh họa: VĂN TIN

VAR và cảm xúc

World Cup 2018 có hai điều mới, trước hết đó là VAR - công nghệ video hỗ trợ trọng tài được áp dụng để điều hành các trận đấu và tiêu chí fair-play - so sánh các thẻ phạt sau các tiêu chí điểm số; hiệu số bàn thắng, bại; tiêu chí thắng bại đối đầu và sau tiêu chí “đá đẹp” còn có tiêu chí được chọn nhờ “bốc  thăm”... Sau vòng đấu bảng, công nghệ VAR và cả “tiêu chí đá đẹp” đều gây nhiều bàn thảo khen, chê khác nhau và dường như công nghệ VAR trở thành “tâm điểm” của sự chỉ trích. Với VAR phần đông người xem và cả giới cầm còi cho rằng việc “check” VAR đã làm trận đấu bị dừng đột ngột, bị cắt mạch “cảm xúc”, nghẽn mạch hưng phấn của người chơi bóng dẫn đến “phá nát” trận đấu, đặc biệt là làm trọng tài “nhát còi”, thiếu tự tin, lệ thuộc vào VAR…

VAR là biểu tượng pháp lý của bóng đá hiện đại. Từ nhiều góc quay, công nghệ video cho phép các trọng tài đưa ra những quyết định chính xác nhất (dù không có kết luận nào là tuyệt đối chính xác). VAR đã đem lại sự thỏa mãn cho người tham gia cuộc chơi, bớt đi những nhận định cảm tính, những phản xạ theo quán tính của người cầm còi hay những áp lực ngoài chuyên môn khác… Sau khi kết thúc vòng bảng, các trọng tài đã có 24 lần quyết định thổi phạt đền, tạo nên số phạt đền kỷ lục của một kỳ World Cup. Thường quyết định của trọng tài chính sau khi nghe ý kiến từ tổ VAR hoặc đích thân trọng tài chính xem lại băng ghi hình. Quả phạt đền đầu tiên trong lịch sử được quyết định bởi sự hỗ trợ của VAR trong trận đấu giữa Pháp và Úc. Không chỉ bắt penalty, VAR cũng đã hỗ trợ tốt những tình huống ghi bàn không rõ ràng. VAR được khen khi công nhận bàn thắng của tuyển Hàn vào lưới tuyển Đức bởi trước đó Kim Young Gwon được cho là việt vị (trọng tài biên phất cờ) nhưng tình huống quay chậm cho thấy cầu thủ Kroos (Đức) đã chuyền về.

Trọng tài đâu chỉ biết phụ thuộc vào VAR hay chỉ “chuyên” phục vụ cho việc khiếu nại VAR của cầu thủ đôi bên. Sau khi xem VAR nhiều trọng tài đã quyết định không thổi phạt. Trọng tài vẫn là “nhân tố bí ẩn” như trong trường hợp Marcos Rojo (Argentina) để bóng chạm tay trong vòng cấm sau đường chuyền của một cầu thủ Nigeria, sau khi xem băng ghi hình, trọng tài Cuneyt Cakir đã từ chối phạt đền, hệ quả là sau đó, Nigeria dừng bước với tỷ số 1 - 2. Nhiều người nhận định ông Cakir “tha” cho Rojo vì chẳng lẽ thổi 2 trái phạt đền liên tiếp cho một đội hoặc cho rằng Rojo không “cố ý”, không “chủ động”. Dù có VAR nhưng trọng tài vẫn là trọng tài, cuộc chơi vẫn là của con người mà con người có thể sai… Với Senegal trận thua Colombia cũng vậy, lẽ ra họ phải có một quả penalty khi Davinson Sanchez với cái chân đã “tác động” khiến Sadio Mane ngã xuống. Thua Colombia, Senegal bị loại vì kém Nhật về chỉ số fair-play.

Xem ra, nếu là cuộc chơi do con người có quyền “định đoạt” cuối cùng thì việc vận dụng máy móc chỉ  dừng ở hạn mức - đúng nghĩa hỗ trợ là tối ưu. VAR không có lỗi mà đôi khi tăng tính sòng phẳng, minh bạch, tạo thêm niềm hứng thú chờ đợi, suy đoán để bùng vỡ cảm xúc vui, buồn trong khi chơi. VAR sẽ không làm gián đoạn trận cầu khi, thay vì xem diễn tiến trên sân cỏ, người xem, người chơi “check” trên màn hình và chờ trọng tài chính “xi-nhan” - ra tín hiệu quyết định thế nào, penalty hay không, công nhận bàn thắng hay không… Theo ông Pierluigi Collina - chủ tịch Ủy ban trọng tài FIFA, qua 48 trận ở vòng bảng đã có 335 tình huống được theo dõi kỹ lưỡng với VAR, các trọng tài đã được VAR hỗ trợ 14 lần với độ chính xác tăng dần từ 95% đến 99,3%, cũng theo ông P.Collina tỷ lệ này là “tiệm cận với sự hoàn hảo”…

Trò chơi nghệ thuật

Bóng đá là môn thể thao vua, là nơi thể hiện rõ nhất nguyên lý trò chơi, lý thuyết trò chơi (game theory – một ngành của toán học) với ý nghĩa là hệ thống nghiên cứu các mô hình toán học đặc tả sự xung đột và hợp tác giữa các cá nhân, cung cấp các thuật toán để phân tích các tình huống, từ đó người chơi đưa ra các quyết định. Xét kỹ, khái niệm trò chơi chỉ là quy ước về mặt ngôn ngữ, ở đây người chơi luôn đưa ra các quyết định nghiêm túc, hiệu quả bằng trí tuệ chuẩn mực sau khi chọn lựa chiến thuật. Theo cách phân loại dựa trên 3 yếu tố: số lượng người chơi, chiến lược mà các người chơi lựa chọn, cơ chế quyết định kết quả cuộc chơi/trò chơi, thì bóng đá được xếp vào loại trò chơi “hai người có tổng bằng không” với hàm ý rằng lợi ích của người này đồng nghĩa với thiệt hại của người khác và vừa là “trò chơi với tổng khác không” - hàm ý khả năng cùng thắng, lợi ích người này không nhất thiết là thiệt hại người khác. Chính điểm này dẫn đến hiện tượng “cùng nắm tay đi theo chỉ dẫn của trí tuệ” như trường hợp Pháp và Đan Mạch (hòa 0 - 0) - trận đấu cực kỳ hòa nhã, nhàm chán đến buồn ngủ để cùng đạt mục tiêu Pháp vào vòng 1/8 với tư cách đội nhất bảng C, còn Đan Mạch cũng chính thức vượt qua vòng bảng mà “chẳng bận tâm đến kết quả trận còn lại”. Miếng “đánh” này chính là áp dụng bài toán “Tình thế lưỡng nan của người tù” (The Prisoner’s Dilemma).

Thế nhưng trong trò chơi bóng đá, một đòi hỏi cao hơn các chiến thuật đạt hiệu quả cao nhất lại là sự “trung thực” với hàm nghĩa “chơi” thực sự, “chơi đẹp” với ý nghĩa văn hóa - cuộc chơi của kẻ lịch duyệt, những người có phong thái hào hoa, mã thượng đầy “nam tính” (dù là bóng đá nữ). Trường hợp này, bóng đá thực sự là một môn nghệ thuật vì các diễn viên không thể “diễn” một cách lộ liễu, thô thiển, sống sượng được. Sân khấu cũng như sân cỏ đòi hỏi sự phô diễn bậc thầy, chân thực và thơ mộng, những “đường bay” của khát vọng được thể hiện bởi những tài năng siêu việt. Sự chơi của nghệ thuật vượt khỏi cảm quan giải trí bình thường bởi cách chơi luôn mang đến niềm khinh khoái huyền nhiệm đồng nghĩa với sự linh thiêng, sự sáng tạo tuyệt vời…

Chính vì thế mà khi tuyển Argentina “vừa đá vừa nguyện cầu” thì trận tuyển Croatia thắng Iceland được báo giới ca ngợi là “trận đấu văn minh” của người châu Âu và dù tuyển Nhật có vào vòng 1/8 thì màn diễn đi bộ vì tiêu chí fair-play (Nhật chỉ 4 thẻ vàng, Senegal 6 thẻ vàng, hai đội đều cùng chỉ số bàn thắng bại, chỉ số đối đầu) rõ ràng “không fair-play” chút nào, trận cầu đã bị chính khán giả nhà chê trách vì “khiếm nhã”, đánh mất “tinh thần Nhật Bản”…

Trò chơi, nguyên lý cốt lõi của các bộ môn nghệ thuật luôn đòi hỏi cái mới, sự sáng tạo. Có nhiều nguyên nhân để lý giải việc các “ông lớn” rời khỏi cuộc chơi ở vòng “knock-out” do sự thiếu chuẩn bị - mà theo giới văn nghệ thì sự thiếu chuẩn bị cũng là sự chuẩn bị: chuẩn bị cho thất bại. Cốt lõi của chuẩn bị vẫn là chuẩn bị cho sự thể hiện của tài năng  - dưới góc độ mỗi tài năng là tổng hòa các tố chất: kỹ thuật, sức trẻ, năng lực sáng tạo đột biến, kỷ luật tuân thủ và biến hóa đấu pháp, năng lực phối hợp với đồng đội… Những phong cách sáng tạo một thời như “bóng đá tổng lực”, “lối đá tiki-taka”, “suy tôn cây cao, bóng cả” đã trở thành bảo thủ vì cứ duy trì sự đơn điệu, thiếu biến hóa bởi “cầm/chuyền bóng đến độ hôn mê sâu”, bởi gánh nặng tuổi tác và không thể không kể đến lối “chơi gian” đã bị vạch trần trong thời công nghệ VAR khiến những hảo thủ già nua “tưởng bở” -  nói như giới tuổi teen hôm nay là “tưởng không khó mà khó không tưởng”…

Người viết bài này chợt nghĩ đến hai khuôn mặt, một cũ, một mới với hàm nghĩa cũ mà luôn mới và mới, thực sự mới, đó là Idison Cavani của Uruguay và Kylian Mbappe của Pháp. Hai khuôn mặt tài năng của vòng knock-out.

Suy cho cùng, bóng đá là nghệ thuật ở tính vô vụ lợi của bộ môn này, bóng đá thiên về tinh thần, cái mà chúng ta hay gọi là “màu cờ sắc áo” hơn là tiền bạc, kinh tế…

NAM DIÊU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trò chơi và nghệ thuật...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO