Trò chuyện cùng Nguyễn Thị Kim Hòa

LÊ TRÂM (thực hiện) 31/03/2019 05:24

Một trưa Phan Rang đầu tháng Ba, ngồi với nhà thơ - nhạc sĩ Lê Hưng Tiến, nhà văn Khánh Liên và nhà văn đang rất hot trên văn đàn hiện nay - Nguyễn Thị Kim Hòa. Nói về con “chim phụng” ấy, nhà thơ Lê Hưng Tiến bảo nàng vốn trưởng thành từ Gia đình Áo trắng Ninh Thuận. Bỗng nhiên, những năm gần đây, Nguyễn Thị Kim Hòa được bạn đọc đặc biệt chú ý bởi nhiều truyện ngắn sắc sảo vượt xa những “trang viết học trò” vốn rất mềm mại và dịu dàng, giàu nữ tính của chị cũng như nhiều bạn viết cùng thời.

Nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa.
Nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa.

* Với riêng chị, vì sao có sự thay đổi đột ngột như vậy?

Nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa: Cuối năm 2009, tôi mới bắt đầu có sáng tác đầu tay là một tản văn nho nhỏ về biển đăng trên tập san Áo trắng. Sau đó nữa, hình như là vài truyện ngắn. Cổ vũ từ bạn đọc, ban biên tập tạp chí, cụ thể là nhà văn Đoàn Thạch Biền đã cho tôi thêm nhiều động lực.  Tôi cứ thế viết và viết. Thậm chí thời ấy hai tiếng đồng hồ cũng đủ xong một cái truyện.

Nhưng đường văn cũng như đường đời. Qua giai đoạn tuổi mộng hồn nhiên rồi cũng đến lúc phải lớn lên, già đi. Khó ai giữ được chất “học trò” hay những câu chữ như thuở ban đầu. Tôi cũng không nằm ngoài quy luật.

Những trang viết sau này có chững lại, già đi vì tôi muốn mình phải khác. Tôi nghĩ, là người viết, ai cũng sợ mặc mãi một chiếc áo. Nên thay đổi cũng là việc dễ hiểu.

Còn việc “già” nhanh hơn các bạn viết cùng thời, chắc nhờ lúc xuất phát thấy mình chậm hơn nhiều bạn, ức quá, tôi lo cắm đầu cắm cổ chạy đuổi theo chăng? (cười)

* Đọc “Đỉnh khói” từ cuộc thi truyện ngắn của tạp chí Văn nghệ Quân đội thấy gợi lại rất rõ những cảm thức về một thời chiến tranh khốc liệt trên vùng đất Ninh Thuận đầy nắng và gió. “Thôi mùa cỏ cháy” là những khắc nghiệt của một thời hậu chiến kéo dài, xin chị nói vài điều phía sau hai câu chuyện vừa kể?

Nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa: Tôi chưa bao giờ viết về chiến tranh trước hai truyện ngắn đó. Tham gia cuộc thi truyện ngắn Văn nghệ Quân đội, đề tài tôi nhắm đến là lịch sử. Khi hai truyện ngắn “Hương thôn dã” và “Nắng quái Tây Nam Thành” được đăng, nhận được nhiều phản hồi tốt,  nhà văn Nguyễn Đình Tú đã gọi điện cho tôi và giao một bài tập khó: Thử viết một truyện ngắn với đề tài chiến tranh!

Thực sự, ban đầu tôi không biết kiếm đâu ra ý tưởng. Viết với áp lực thời gian và cả sự kỳ vọng thật sự không dễ dàng. Nhưng giờ nghiệm lại, tôi thấy rằng, hóa ra áp lực lại chính là thứ thúc đẩy sáng tạo ghê gớm nhất.

Nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa  sinh năm 1984 tại Ninh Thuận.

Bắt đầu sáng tác từ năm 2009, Nguyễn Thị Kim Hòa là cây bút trẻ sung sức với nhiều thể loại như truyện ngắn, truyện thiếu nhi, truyện dài và cả tản văn. Từ năm 2011 đến 2017, chị đã xuất bản liên tục 12 cuốn sách. Trong đó có: “Tay chị tay em” (truyện dài thiếu nhi, NXB Kim Đồng 2011); “Nho đắng” (tập truyện ngắn, NXB Văn hóa văn nghệ 2012); “Cơn lũ vẫn chưa qua” (tiểu thuyết, NXB Văn hóa văn nghệ 2014) và “Hành trình biến đổi” (bộ sách tranh dành cho thiếu nhi - NXB Kim Đồng 2014), Đỉnh khói, (truyện ngắn, NXB Hội Nhà văn),  “Con chim phụng cuối cùng” (Truyện ngắn, NXB Hội Nhà văn, 2017), Cửa sổ phía đông (truyện dài, NXB Trẻ 2018).

Nguyễn Thị Kim Hòa giành giải Nhất cuộc thi truyện ngắn tạp chí Văn nghệ Quân đội 2013-2014 với 3 truyện ngắn: “Hương thôn dã”, “Đỉnh khói” và “Thôi mùa cỏ cháy”, Giải Tư cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 lần thứ IV với truyện dài “Cửa sổ phía đông” năm 2019.

Truyện ngắn đầu tiên về chiến tranh của tôi, “Giấc mơ đá vỡ”, ra đời sau đúng một tuần. Tiếp theo sau đó là “Đỉnh khói”. Rồi “Thôi mùa cỏ cháy”, với đề tài hậu chiến. Cả ba truyện đều chọn bối cảnh là vùng đất quê tôi sống. Tôi nhận ra trên chính nơi mình sinh ra, còn biết bao nhiêu điều cần viết, bao nhiêu thứ phải kể. Càng tìm hiểu, đi sâu vào mảnh đất quê, tôi càng thấy mình như đứa trẻ bỡ ngỡ trước những ngả rẽ, những con đường trước giờ chưa thấy được.

Đó là lý do tôi luôn biết ơn Văn nghệ Quân đội, những người đã giúp tôi hiểu rõ: Tôi có thể sống hết đời văn trên đất Ninh Thuận quê mình.

* Còn “Con chim phụng cuối cùng” lại là câu chuyện khác về lịch sử. Bằng cách nào chị đến được với câu chuyện lịch sử vốn rất khó tiếp cận, đặc biệt là với một người còn rất trẻ như chị?

Nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa: Như đã nói ở trên, tôi quan tâm đề tài lịch sử từ lúc bắt đầu ý định dự thi truyện ngắn Văn nghệ Quân đội. Tập truyện ngắn “Con chim phụng cuối cùng” là vệt nối dài từ mối quan tâm ấy. Cũng may mắn khi các ý tưởng truyện trong tập cứ đến với tôi theo kiểu một cái cây phân nhánh liên tục. Đang tìm hiểu về một nhân vật, một giai đoạn lịch sử nào đó thì lại phát hiện thêm một nhân vật, một sự kiện nữa có thể dựng thành truyện.

9 nhân vật phụ nữ, 9 thân phận má hồng trong sóng cả lịch sử “trôi” đến với tôi theo cách đó. Mạo hiểm, tôi tái hiện họ bằng suy nghĩ của riêng mình.

Lịch sử thường được coi là đề tài khó nhằn với người viết trẻ. Nhưng tôi nghĩ, không dám thử sức sẽ không bao giờ người trẻ biết mình đang ở đâu và có thể làm gì.

* Bây giờ thì có cả một tập những câu chuyện lịch sử trong tập truyện ngắn “Con chim phụng cuối cùng”. Được biết, chị còn viết cả tản văn, truyện dài,… từ viết cho thiếu nhi đến người lớn,  vẫn tham gia và đoạt giải trong cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi hai mươi lần thứ sáu vừa rồi với cuốn “Cửa sổ phía đông”. Nói thêm điều gì đó về cuốn sách này?

Nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa: Tôi ít viết truyện dài. Nếu viết dài, tôi thường thích viết cho thiếu nhi hơn người lớn. Nên “Cửa sổ phía đông” tới giờ này vẫn là quyển sách dài hơi nhất của tôi. Tôi viết “Cửa sổ phía đông” mất một năm. Hoàn thành bản thảo trước giờ kết thúc cuộc thi của Nhà xuất bản Trẻ đúng… 2 tiếng. Gởi vốn chỉ để kiểm tra xem mình có thể viết được truyện dài không. May mà có giải. Nên chắc thêm tự tin sau này… viết tiếp.

“Cửa sổ phía đông” chủ tâm viết cho cuộc thi nên nhân vật khá trẻ. Câu chuyện cũng có nhiều tình tiết hiện đại, trinh thám như hội chứng rối loạn trí nhớ, bệnh tâm lý, cái chết bí ẩn của một cô gái,… và cả yếu tố giả tưởng như công nghệ xóa ký ức...

Với cái nền hỗn độn ấy và  cách kể…. hơi bị chán (như nhiều độc giả thân thiết hay đùa), tôi tin rằng khi theo được đến trang cuối cùng, người đọc sẽ thấy được câu chuyện tôi muốn gửi gắm. Trong nỗi đau hậu chiến, mùi khói độc từ cuộc chiến đã qua vẫn luôn lởn vởn trên từng mảnh đất, mỗi nóc nhà.

Sau những truyện ngắn từng dự thi Văn nghệ Quân đội, tôi muốn thể hiện đề tài chiến tranh ở một cách khác. Hiện đại và gần gũi với bạn đọc trẻ hơn.

* Tôi biết, dù rất bận với công việc hàng ngày của mình nhưng chị vẫn dành nhiều thời gian cho công việc sáng tác, dự án chị đang làm là những gì? Nói thêm điều gì đó về mối quan hệ giữa cuộc sống hiện nay và công việc viết văn?

Nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa: Tôi dự định năm nay sẽ dành nhiều thời gian hơn cho mảng thiếu nhi. Hy vọng sẽ có thêm tập sách nhỏ xinh nữa cho các bé. Nhất là cho các học trò nhỏ của tôi.

Tôi có một lớp học nhỏ ở nhà. Mọi người hay gọi đùa tôi là cô giáo làng.

Tôi hạnh phúc vì được gọi như thế. Hạnh phúc như lúc tôi biết: Tôi có thể viết văn!

* Cảm ơn nhà văn về cuộc trò chuyện này.

LÊ TRÂM (thực hiện)

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trò chuyện cùng Nguyễn Thị Kim Hòa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO