Trò chuyện với người 105 tuổi: "Ông muốn một cái... ống điếu!"

MỘC MIÊN 31/01/2014 22:36

(Xuân Giáp Ngọ) - Anh thương binh Trà Quang Hảnh, nhà ngay chợ Hà Nha của Đại Lãnh. Tôi ngồi với anh, nói chuyện về Đại tướng Võ Nguyên Giáp bách tuế. Anh cười: “Ông nội anh  hơn Đại tướng hai tuổi”. “Thiệt không?”. “Không giỡn”.

Đúng là không giỡn. Ông tên Trà Lợi, làng Đại An, xã Đại Lãnh, Đại Lộc. Rời chiếc giường hơi khó nhọc, ông chống gậy đến bên bàn. Gương mặt nhỏ, hơi dài, tai không to và dài, nghĩa là kinh nghiệm dân gian về cái gọi sự thọ cao, áp vào đây là không đúng. “Ông nhớ năm sinh không?”. “Có, ông sinh 1909”. “Ông nhớ tháng mô không?”. “Tháng 6, nóng nực mà”. Ông là con út trong một gia đình khá giả. “Ông già của ông mất năm ổng 32 tuổi. Ông nhớ lần đó ông già đi đốn hai cây huỳnh đàn về dựng nhà, lội qua suối xong ổng nói tau đốn hai  cây ni xong, là chết. Y như rứa. Mấy hôm sau ổng đi đám ma, về té ngã đụng cạnh bàn, chết luôn. Mấy ông anh cũng không thọ lắm, không ai thọ hơn 80 tuổi”. “Ông đau ốm chi không?”. “Không, đo huyết áp rồi, bình thường”. “Căn cước ông còn không?”. “Mất rồi con, chạy giặc thấy ông cố tổ, giấy má mô giữ lại được”. Người nhà đem Chứng minh nhân dân ra, trên đó ghi ông sinh ngày 8.6.1909.

Từ trái sang: Bà Bình (con gái), ông Lợi và bà Ngữ. Đứng sau là chị Lung. Ảnh:  Mộc Miên
Từ trái sang: Bà Bình (con gái), ông Lợi và bà Ngữ. Đứng sau là chị Lung. Ảnh: Mộc Miên

Ông có 7 người con. “Số ông nuôi con khổ lắm” - ông chậm rãi, nhắc  câu này đến mấy lần. Giọng người già đã yếu nghe càng buồn hơn, như cố tải hết nỗi niềm của bậc sinh thành: “Cứ đẻ con là nhà cháy, con đau, trâu chết. Giờ còn đứa con gái út”. Bà Trà Thị Bình là con gái ông, nay 70 tuổi, nhà ở  gần đó, chạy sang: “Bác đang ru đứa cháu nội ngủ”. “Đội hình” cháu gọi ông là cố, tổ, tôi không kịp thống kê. Như anh Hảnh, cháu nội đời áp út, nay cũng 55 tuổi rồi. Anh Hảnh kể, hồi còn khỏe, cứ đến tết là ông “chạy sô” đi cúng, hết việc làng đến nhà bà con, bởi ông biết quốc ngữ lẫn chữ Nho. “Học hết yếu lược, 3 đứa học thi đậu 2 đứa, ông đậu nên làng miễn cho chuyện canh gác”. Ông nói và nhắc bạn học đã thành người thiên cổ lâu lắc rồi. “Ông còn nhớ  mặt chữ không?”. “Nhớ chứ”. Tôi đẩy cái thẻ hội viên người cao tuổi ghi tên ông đến trước mặt. Ông chậm rãi đọc chính xác. “Ông nhớ chữ Nho viết tên Lợi là răng không?”. “Nhớ, nhưng tay yếu, cầm viết ghi không rõ đâu, chữ Nho trật một nét là khác liền”. Tôi viết chữ Lợi bằng chữ Nho. “Phải chữ ni không?”. “Phải. Khi chữ Nho cấm thì qua chữ quốc ngữ, nhưng bà mẹ ông cấm nói học làm chi nữa, nên không được học nhiều đâu”.

Ông nói rành rọt, nghe không cần nhắc lại lần hai, lại nói ba năm trở lại đây mắt đau yếu nên không làm được gì nhiều. “Ổng nói rứa chứ, hễ ngó không có ai canh là trốn ra vườn làm liền. Thằng Hảnh lấy cưa đục cất, bị ổng chửi rân lên” - con  dâu ông là bà Trương Thị Ngữ góp chuyện. “Làm được thì làm, mắc mớ chi nghỉ” - ông lên tiếng.

“Ông hay uống rượu không?”. “Không, vui lắm thì uống một ly thôi”. Ông nói ngay. Tôi nói: “Uổng, uống phải nhiều, say mới đã”. “Không được, tốt lành chi ba thứ đó. Ăn cũng rứa, chết sớm là do ăn kiểu “tiến lên”, chứ ông ngày 3 nữa, mỗi bữa một chén cơm canh là đủ”. Người nhà ông nói ông ăn chủ yếu là rau, khoai lang, chuối, thịt cá có thì ăn chút ít, không thì thôi, nhưng không có rau là la liền, lại cực kỳ kỹ lưỡng, dặn miết “đồ Trung Quốc là không ăn nghe”. Món khoái khẩu là bánh tráng thịt heo, bắp rang, rau muống. “Mới nghỉ xước mía đây thôi”. Bà Bình kể và cười to. Răng ông chỉ rụng mới hai chiếc. Ông hướng về tôi và cười: “Răng lạ nghe con, hồi nhỏ té một lần đau gần chết, chừ té miết lại không hề chi”.
Chị Lung cháu dâu ông kể, lúc bà còn sống có kể rằng vì chỉ đẻ được đứa con trai (cha anh Hảnh), bà muốn thêm con trai, bèn bắt ông có con với một bà mô đó. Ông không chịu, rằng con riêng con chung rắc rối lắm. Nói miết, ông đi, lát sau quay về, bà hỏi xong chưa, ông nói xong rồi. Bà bảo, ông mà nói láo tôi kiểm tra đó nghe. Ông cằn nhằn, đã nói là xong. Bà đó đẻ được đứa con gái. Ông nói, thôi nghe, bà bắt tôi đi, chừ thì khỏi nghe. “Năm đó vừa cướp chính quyền xong”. Ông nhớ lại và cười móm mém. “Nhà bà nớ bên kia sông, qua dốc là tới”. Thật bất ngờ, vừa lúc đó cô con gái ngoài giá thú mà được phép kia, xuất hiện. Bà này cũng ở trong xóm, cùng tuổi với bà Bình.

Cháu gọi ông là chú, là bác ruột, chết hết rồi. Cả làng này, ông là “tiên chỉ”.   Tôi nói: “Chúc ông sống thọ vài năm nữa”. “Ông chưa chết đâu, đợi đến năm mô  chết mà con cháu làm ăn tốt thì chết, chứ chừ trời chưa cho chết đâu”. “Sống thọ và chết sớm, cái mô sướng hơn ông?”. “Sống thọ sướng hơn chứ, coi sự đời ra răng chứ”. “Chừ ông muốn chi không?”. Ngẫm nghĩ một lát, ông nói: “Hồi trẻ muốn nhiều, chừ thì ông chỉ muốn một cái… ống điếu để hút thuốc chơi”. Cả nhà cười ầm lên.

Anh Hảnh nói rằng, ông có điều rất lạ, ai làm nhà mới, đám cưới, là ông đến vui vẻ chúc mừng, bày vẽ sao làm cho đúng, nói đó là niềm vui, phải vui với họ, bất luận con cháu trong nhà hay không. Thanh niên, đoàn thể hội hè, là ông đến góp tiền, nói mình phải làm gương cho bà con. Tính ông lại rất hài hước. Có cảm  giác ông không hờn giận, oán trách ai.

Tôi nhớ có lần đi đám tang mẹ của người bạn, bà thọ 86 tuổi. Bạn nói thế hệ trước sống thọ hơn chúng ta, ngoài ăn uống, môi trường sạch, thì họ có bí quyết mà ta không có, đó là suy nghĩ… sạch, tức là không tham sân si oán hận, những cụm từ càng ngày càng dày lên ở xã hội và con người hiện đại, khiến họ quay cuồng điên đảo trong tham cầu hỉ nộ ái ố. Khi tâm đã không yên, thì tất  trí loạn, tổn thọ là cái chắc.

MỘC MIÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trò chuyện với người 105 tuổi: "Ông muốn một cái... ống điếu!"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO