Trợ giúp, chăm sóc người khuyết tật: Tình thương và trách nhiệm - Bài cuối: Cần sự chung tay

DIỄM LỆ - VINH ANH 18/04/2014 07:52

Đề án trợ giúp người khuyết tật (NKT) giai đoạn 2014 - 2020 của tỉnh đề ra những mục tiêu rất cụ thể. Tuy nhiên, thời gian qua, sự trợ giúp cụ thể chủ yếu đến từ các tổ chức, nhà tài trợ, nên việc thực hiện đề án có khả thi hay không phụ thuộc rất lớn vào sự chung tay của xã hội, sự vào cuộc của các cấp, ngành.

  • Trợ giúp, chăm sóc người khuyết tật: Tình thương và trách nhiệm - Bài 2: Hướng đi bền vững
  • Tình thương và trách nhiệm - Bài 1: Vượt lên chính mình

Sự trợ giúp còn hạn chế

Theo thống kê, Quảng Nam hiện có khoảng 40 nghìn NKT, nhưng chỉ có vài trăm NKT đã nhận được sự trợ giúp cụ thể từ các tổ chức, nhà tài trợ về phục hồi chức năng, giáo dục hòa nhập, đào tạo nghề, tạo việc làm hay ứng phó thiên tai. Sự trợ sức của Nhà nước mới chỉ dừng ở việc cấp giấy chứng nhận khuyết tật, cấp thẻ bảo hiểm y tế, chế độ trợ cấp hằng tháng, trợ giúp pháp lý một phần. Với điều kiện còn khó khăn, Quảng Nam chưa thể trợ giúp NKT triệt để, trong khi đó, sự vào cuộc của các địa phương còn quá chậm. Ông Nguyễn Huy - Trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐ-TB&XH) cho rằng, chỉ khi cấp huyện có Hội NKT như Đại Lộc, Núi Thành, Điện Bàn, Hiệp Đức, Quế Sơn, Duy Xuyên, Thăng Bình thì mới tranh thủ được nhiều dự án, sự trợ giúp. Nếu không, NKT khó có cơ hội tiếp cận những dự án hỗ trợ của các tổ chức xã hội trong khi chính quyền địa phương chưa thực sự vào cuộc mạnh mẽ.

Cần hơn nữa sự chung tay của các cấp, ngành và toàn xã hội trong công tác chăm sóc, hỗ trợ NKT.  TRONG ẢNH: Hỗ trợ trẻ khuyết tật phục hồi chức năng tại Làng Hòa Bình (Phú Ninh). Ảnh: LỆ ANH
Cần hơn nữa sự chung tay của các cấp, ngành và toàn xã hội trong công tác chăm sóc, hỗ trợ NKT. TRONG ẢNH: Hỗ trợ trẻ khuyết tật phục hồi chức năng tại Làng Hòa Bình (Phú Ninh). Ảnh: LỆ ANH

Còn nhớ cách đây không lâu, một cuộc đối thoại với NKT được tổ chức ở Điện Bàn. Nhưng khổ nỗi, NKT phải khó nhọc lên tận hội trường tầng 2 của một trụ sở để dự tọa đàm. Nguyên nhân chỉ vì Phòng LĐ-TB&XH huyện Điện Bàn không thể tìm được bất cứ một hội trường nào ở tầng trệt hoặc có lối đi dành cho NKT. Điều này khiến ông Huy phải xin lỗi NKT ngay tại buổi đối thoại. Có được bao nhiêu cơ quan, đơn vị hay công trình công cộng có lối đi dành riêng cho NKT? Chưa ai thống kê và trả lời câu hỏi, nhưng con số có lẽ không cần phải đếm trên đầu ngón tay. Cũng đã có một đơn vị tiên phong thực hiện, đó là Vĩnh Hưng Resort (TP.Hội An), nhưng không phải ai cũng có tâm huyết như Tổng quản lý Hà Nguyên Hãn của doanh nghiệp này. Hiện nay, tại Vĩnh Hưng Resort đã có quầy bar mà NKT có thể đến được bằng lối đi riêng. Và trong tháng 5, tháng 6 tới, Vĩnh Hưng Resort đã có kế hoạch xây mới 2 - 3 phòng, đồng thời cải tạo một số hạng mục dành cho NKT. Ông Hãn chia sẻ: “Trong kinh doanh lưu trú, mục tiêu quan trọng là công suất sử dụng phòng. Xây phòng riêng đặc thù, nếu không có khách là NKT thì phòng đó bỏ trống, sẽ mất hiệu quả kinh doanh. Tuy nhiên, nếu không thực hiện thì làm sao NKT có thể tiếp cận được với dịch vụ. Hơn nữa, định vị tương lai của Vĩnh Hưng là phải phục vụ khách hàng là NKT, bởi đó không chỉ là tạo lợi thế, khác biệt của doanh nghiệp mà còn là trách nhiệm, tính nhân văn trong kinh doanh”.

Để đề án khả thi

“Đề án trợ giúp NKT đã được ban hành nhưng sự vào cuộc của các cấp, ngành chưa đồng bộ. Nếu muốn hiện thực đề án hiệu quả, cần có sự chỉ đạo từ UBND tỉnh, kêu gọi sự vào cuộc của các ngành và địa phương, cộng đồng. Cần có mô hình để làm điểm, sau đó nhân rộng ra toàn xã hội”
Hứa Quốc Dũng - Chủ tịch Hội Người khuyết tật tỉnh

Năm 2015 đã cận kề, tuy nhiên các mục tiêu đề án trợ giúp NKT đặt ra cho giai đoạn 2014 - 2015 rất cao nên sẽ khó hoàn thành nếu không có sự tích cực vào cuộc của các cấp ngành, sự chung tay của toàn xã hội. Cụ thể như 70% NKT có khả năng lao động trong độ tuổi được hỗ trợ học nghề và tạo việc làm. Nhưng, theo con số ông Hứa Quốc Dũng - Chủ tịch Hội NKT tỉnh đưa ra thì không thể nào thực hiện được mục tiêu này, khi đến nay chỉ mới có khoảng 200 NKT đã được học nghề và có việc làm. Còn ông Nguyễn Huy - Trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐ-TB&XH) thì băn khoăn: “Kêu gọi doanh nghiệp quan tâm tuyển dụng NKT làm việc, nhưng cần xem lại chính ta đã làm được gì. Tôi chỉ ví dụ đơn giản, nếu mỗi phường, xã và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh nhận một NKT và bố trí công việc phù hợp, đã có thể giải quyết việc làm cho vài trăm NKT. Nhưng thực tế thì sao, NKT vẫn còn bị kỳ thị, chính cơ quan nhà nước cũng e ngại khi nhận NKT vào làm việc”. Hay như mục tiêu 100% công trình xây mới, 50% công trình cũ cải tạo có lối đi dành cho NKT tiếp cận và sử dụng sẽ không thể thành hiện thực. Bởi, đến thời điểm này rất hiếm thấy có những công trình như vậy. Và còn nhiều mục tiêu khác về văn hóa, thể dục thể thao, giao thông, phục hồi chức năng, tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin... đều cần phải được xem lại, nếu như không có sự vào cuộc mạnh mẽ của toàn xã hội.

Ông Nguyễn Huy liệt kê hàng loạt vấn đề như ngành y tế cũng đang xây dựng đề án phục hồi chức năng cho NKT nhưng đến nay vẫn chỉ còn là dự thảo, hay việc can thiệp sớm để phòng ngừa nguy cơ khuyết tật từ khi trẻ mới sinh chưa được thực hiện. Tương tự, ngành giao thông chưa vào cuộc hướng dẫn các phương tiện giao thông công cộng miễn giảm giá hay cung cách phục vụ NKT, ngành xây dựng chưa có hướng dẫn đối với những công trình xây mới phải có lối đi dành cho NKT theo bộ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Hay việc cấp giấy xác nhận khuyết tật giao cho cấp xã, phường, nhưng cấp này lại không đủ điều kiện xác định cho các đối tượng tâm thần; trẻ em khuyết tật chưa được quan tâm trong giáo dục chuyên biệt, nếu có chỉ là giáo dục hòa nhập và các em cũng chỉ học đến hết THCS... Với tinh thần chưa quyết liệt như thế, làm sao để hiện thực hóa đề án xem ra là một vấn đề nan giải.

DIỄM LỆ - VINH ANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trợ giúp, chăm sóc người khuyết tật: Tình thương và trách nhiệm - Bài cuối: Cần sự chung tay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO