Trợ giúp pháp lý hướng về đối tượng yếu thế

HẰNG VÂN - LÊ NGUYỄN 23/08/2022 07:50

Qua 25 năm thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Quảng Nam đã khẳng định vai trò quan trọng để mọi đối tượng yếu thế trong xã hội được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp…

Truyền thông về TGPL tại xã Trà Dơn, huyện Nam Trà My. Ảnh: Vân Nguyễn
Truyền thông về TGPL tại xã Trà Dơn, huyện Nam Trà My. Ảnh: Vân Nguyễn

Những ngày đầu

Một cán bộ ở Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) tỉnh nhớ lại, khi mới thành lập, những người làm công tác TGPL chủ yếu tư vấn và tuyên truyền pháp luật, TGPL lưu động, sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt câu lạc bộ… Việc tham gia tố tụng chủ yếu nhờ vào đội ngũ luật sư cộng tác viên (nay gọi là luật sư thực hiện TGPL).

Từ những mâu thuẫn nhỏ đến những tranh chấp, khởi kiện trong cộng đồng, thông qua tổ hòa giải ở cơ sở, câu lạc bộ TGPL ở các xã rồi đến chính quyền địa phương tiếp nhận giải quyết. Có những vụ việc thuộc đối tượng TGPL được chuyển đến trung tâm để tư vấn trực tiếp hoặc được trả lời bằng văn bản.

Trung tâm TGPL Quảng Nam hiện có 6 chi nhánh tại 6 huyện, thị xã, thành phố, 2 phòng nghiệp vụ, 30 biên chế, 15 trợ giúp viên pháp lý, 14 luật sư thực hiện TGPL, 2 tổ chức hành nghề luật sư tham gia thực hiện TGPL. Từ năm 1999 đến nay, trung tâm đã thực hiện TGPL gần 26 nghìn vụ việc thuộc các lĩnh vực hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình, hành chính hộ tịch và các lĩnh vực khác cho gần 26 nghìn người, trong đó có gần 7.500 người nghèo, hơn 8.400 người có công cách mạng, gần 7.200 người đối tượng chính sách. Về hình thức TGPL đã thực hiện tư vấn 3.522 vụ việc; đại diện, bảo vệ 964 vụ việc; bào chữa 2.144 vụ việc; TGPL lưu động 305 đợt với 19.323 vụ việc.

Rồi đến những chuyến tổ chức TGPL lưu động ở xã và các thôn nóc trên địa bàn tỉnh. Cán bộ TGPL thường xuyên đi cơ sở, đến vùng sâu, vùng xa để hiểu được cuộc sống của người dân.

Bà con thiếu thốn về vật chất, trình độ nhận thức pháp luật hạn chế, nghèo thông tin; có những gia đình đã sinh 5 - 7 đứa con mà chưa đứa trẻ nào được đăng ký khai sinh; có người tham gia cách mạng, có công với nước nhưng chưa được hưởng chế độ…

Tổ chức TGPL ra đời, trợ giúp những trường hợp như vậy, đã đáp ứng được lòng mong mỏi của người dân. Những người làm công tác TGPL hiểu rằng, người dân rất cần được tư vấn, hướng dẫn về thủ tục hành chính, định hướng phương pháp giải quyết từng vụ việc cụ thể ở cơ sở.

Vẫn còn nhiều trăn trở của đội ngũ TGPL để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân trong khi công tác TGPL đứng trước nhiều khó khăn, thách thức như: một thời gian dài nhiều mô hình hoạt động TGPL chưa thật sự phù hợp, dàn trải, hiệu quả thấp, như câu lạc bộ TGPL, sinh hoạt chuyên đề, TGPL lưu động…; kinh phí từ các chương trình mục tiêu cũng gián đoạn, dự án thưa dần, các chế độ chính sách đãi ngộ cho đội ngũ TGPL còn rất khiêm tốn, cơ sở vật chất chưa đáp ứng, chưa có sức thu hút để đội ngũ trẻ, nhất là nam giới yên tâm gắn bó lâu dài với nghề… Tuy vậy, công tác TGPL có bước phát triển đúng hướng, đúng với bản chất là cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí.

Thành quả

Ban đầu, ít người biết đến TGPL do đây là công việc mới mẻ, nhưng giờ đây hoạt động TGPL ngày càng thay đổi rõ rệt, chính sách TGPL đã đi vào cuộc sống người dân. Các vụ việc tư vấn, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, các đối tượng được TGPL tìm đến đề nghị trợ giúp ngày càng nhiều.

Trung tâm TGPL tỉnh chú trọng thực hiện tốt các chương trình để làm phong phú thêm hoạt động TGPL tại địa phương như chương trình giảm nghèo, hỗ trợ vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp hoặc điển hình; tham gia các hoạt động tư vấn pháp luật, tặng nhà tình nghĩa, tặng sách pháp luật, tặng tờ gấp pháp luật, trao máy vi tính hỗ trợ xã đảo, tặng quà đối tượng TGPL có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…

Công tác TGPL được khẳng định với vai trò quan trọng để mọi đối tượng yếu thế trong xã hội được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp một cách tốt nhất. Từ Đề án đổi mới công tác TGPL giai đoạn 2015 - 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 1.6.2015, đến nay Trung tâm TGPL lồng ghép thực hiện chính sách TGPL với thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Đại diện Trung tâm TGPL tỉnh cho biết, qua hoạt động thực tiễn TGPL đã khẳng định được vị trí, vai trò của công tác này trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí, giúp cho đối tượng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, góp phần lập lại trật tự kỷ cương pháp luật, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân.

Hoạt động của TGPL đã tham gia thực hiện các chính sách giảm nghèo, chính sách dân tộc, chính sách đối với người khuyết tật, trẻ em, đền ơn đáp nghĩa, đảm bảo công bằng xã hội, cùng các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết vụ việc được khách quan, chính xác, kịp thời, góp phần tạo được sự ổn định chính trị, trật tự xã hội ở các địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trợ giúp pháp lý hướng về đối tượng yếu thế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO