Trợ giúp viên pháp lý

LÊ NGUYỄN 19/11/2018 02:02

Quảng Nam hiện có 15 Trợ giúp viên pháp lý (TGVPL). Năm 2018, các TGVPL đã tham gia tố tụng hơn 250 vụ việc hình sự, dân sự, hành chính.

Trợ giúp pháp lý cho đồng bào miền núi. Ảnh: LÊ NGUYỄN
Trợ giúp pháp lý cho đồng bào miền núi. Ảnh: LÊ NGUYỄN

Vụ án thứ nhất:  “Mua bán trái phép chất ma túy” tại TP.Tam Kỳ

Lê Chí Tiên sinh năm 1999 trong một gia đình nghèo khó. Cha Tiên bị tật nguyền hàng ngày vẫn phải chống nạng đi bán vé số để kiếm tiền nuôi 3 con nhỏ ăn học; còn mẹ bỏ nhà đi lấy chồng khác từ khi Tiên mới 12 tháng tuổi. Tiên phạm tội “Mua bán trái phép chất ma túy”, khi mới 17 tuổi, 7 tháng, do bạn bè lôi kéo, rủ rê. Trong vụ án này, tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện VKSND tỉnh cho rằng, tòa án cấp sơ thẩm kết án và xử bị cáo 18 tháng tù về tội “Mua bán trái phép chất ma túy” theo quy định tại khoản 1, Điều 194 của BLHS 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009) là có căn cứ pháp luật và không nặng. Đồng thời đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) không chấp nhận kháng cáo của bị cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm về hình phạt.

Quan điểm bào chữa của TGVPL lại khác. TGVPL viện dẫn bị cáo khi thực hiện hành vi phạm tội là người dưới 18 tuổi, phạm tội lần đầu, thu lợi không lớn; khi phạm tội đã thành khẩn khai báo, ăn năn, hối cải. Sau khi xét xử sơ thẩm, gia đình bị cáo đã nộp xong số tiền do phạm tội mà có theo bản án sơ thẩm đã tuyên. Bị cáo phạm tội thuộc trường hợp “Gây thiệt hại không lớn” theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 46 BLHS năm 1999, vì vật bị cáo đã bán không phải là chất ma túy thường gặp. Đồng thời viện dẫn điều 91, BLHS 2015, sửa đổi 2017 quy định: “Việc xử lý người chưa thành niên phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm...”. Và Công ước quốc tế về quyền trẻ em cũng nêu rõ:  “Cần có sự cân nhắc, xem xét quyết định hình thức phạt, thủ tục tư pháp, tố tụng… tạo điều kiện cho trẻ em được học hành, phát triển trí tuệ, hòa nhập cộng đồng, giáo dục trở thành người có ích cho xã hội…”. TGVPL đề nghị HĐXX áp dụng điểm b, g, p khoản 1, khoản 2, Điều 46, Điều 47, Điều 69, Điều 60 BLHS 1999; khoản 3 Điều 54, Điều 91 BLHS 2015, để  xử dưới mức thấp nhất của hình phạt và cho hưởng án treo, cũng đủ sức răn đe và tạo điều kiện cho bị cáo có cơ hội sửa chữa những sai lầm.

Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm đã chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo Lê Chí Tiên và luận cứ đề nghị của TGVPL bào chữa cho Tiên, việc viện dẫn vị cáo khai là “Cỏ Mỹ” nhưng qua giám định không phải là chất ma túy thường gặp, điều này cho thấy chất mà Tiên mua bán không phải “Cỏ Mỹ”. Bởi vì “Cỏ Mỹ” đã có trong danh sách là chất ma túy, nên rõ ràng không phải là “Cỏ Mỹ’ nên không gây nghiện và gây tác hại không lớn; dẫn chiếu Công ước quốc tế về quyền trẻ em là phù hợp và có cơ sở, HĐXX chấp nhận sửa bản án sơ thẩm và xử phạt bị cáo 1 năm tù về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”, hình phạt thấp hơn và nhẹ hơn đề nghị của VKS 6 tháng.

Vụ án thứ hai: “Cố ý gây thương tích”

Luật Trợ giúp pháp lý được ban hành năm 2017, đặc biệt vai trò, tư cách của TGVPL lần đầu tiên được ghi nhận trong điều 72, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, đã đánh dấu sự phát triển trong chính sách của Đảng và đường lối xây dựng pháp luật của Nhà nước trong việc giúp đỡ pháp luật, hỗ trợ về mặt pháp lý để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người dân đặc biệt là người nghèo và đối tượng chính sách.

Hồ Văn Bang sinh ra trong một gia đình nghèo, đông anh em, không có công việc làm ổn định. Cha chết sớm, Bang và mẹ già làm lụng để lo cho các em ăn học. Bang có trình độ học vấn thấp nên không nhận thức được hậu quả do hành vi vi phạm của mình gây ra. Trong lúc có hơi men, thấy người khác xúc phạm nhóm bạn mình, đánh em trai mình, Bang đã tức thời không làm chủ được bản thân nên đã có hành vi gây thương tích cho bị hại.

Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện VKSND tỉnh cho rằng, mức án mà tòa án sơ thẩm đã tuyên là phù hợp nên đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng cáo của bị cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm về hình phạt. TGVPL đã tranh luận, đề nghị HĐXX xem xét hành vi của bị cáo Bang đã gây thương tích cho bị hại, bởi bị hại cũng có lỗi khi đánh Khang (em của Bang) nhưng không trúng, dẫn đến Bang gây thương tích cho bị hại.

Ngay sau phiên tòa sơ thẩm, gia đình bị cáo đã nộp tiền bồi thường cho bị hại và tiền án phí hình sự với số tiền 3.017.000 đồng, qua đó cũng thể hiện sự ăn năn, hối lỗi của bị cáo; bị cáo là người dân tộc thiểu số nhận thức pháp luật còn hạn chế, đề nghị HĐXX áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại Nghị quyết số 41/2017/QH14 với những nội dung liên quan có lợi cho bị cáo và quy định tại điểm b,s khoản 1, 2 Điều 51; khoản 1 Điều 54 BLHS 2015 để giảm nhẹ cho bị cáo một phần hình phạt. Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm TAND tỉnh Quảng Nam đã chấp nhận kháng cáo của bị cáo và đề nghị xem xét của TGVPL, chấp nhận sửa bản án sơ thẩm và xử phạt bị cáo Hồ Văn Bang, 9 tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích”, hình phạt nhẹ hơn, thấp hơn 3 tháng đối với phiên tòa cấp sơ thẩm đã tuyên.

Những vụ án hình sự nêu trên đã cho thấy, TGVPL tham gia bào chữa, bảo vệ cho các đối tượng được trợ giúp pháp lý (TGPL) là hết sức cần thiết đối với những người yếu thế trong xã hội khi họ vướng vào vòng lao lý. Khi người phạm tội vi phạm pháp luật thì sẽ bị trừng trị về hành vi phạm tội của mình gây ra. Nhưng để giúp họ nhận thức được điều sai trái của mình, biết ăn năn, hối cải, cũng cần có những người tư vấn, hỗ trợ pháp lý, giải thích pháp luật để hiểu rõ hơn về quyền và nghĩa vụ của họ, nhất là lúc họ bị quy kết là phạm tội. Vì thế, TGVPL là chỗ dựa tinh thần lớn nhất của họ, giúp các đối tượng trợ giúp pháp lý về mặt pháp luật.

LÊ NGUYỄN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trợ giúp viên pháp lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO