Sau khi Báo Quảng Nam số ra ngày 9.9 đăng bài “Gây khó cho phụ huynh” của tác giả Thảo Dân, phản ánh việc quy định mặc đồng phục của trường Tiểu học Nguyễn Công Sáu (Đại Lộc) gây khó khăn đối với phụ huynh, bà Lê Thị Thanh Vy - Hiệu trường nhà trường, đã phản hồi về bài viết qua email Tòa soạn. Để rộng đường dư luận, Tòa soạn trích đăng ý kiến của bà Lê Thị Thanh Vy, đồng thời trao đổi lại một số vấn đề.
Trong văn bản phản hồi, bà Lê Thị Thanh Vy khẳng định: Nhà trường không hề làm khó cho phụ huynh, vì việc triển khai quy định mặc đồng phục của học sinh dựa theo Thông tư 26/2009/TT-BGDĐT ngày 30.9.2009 của Bộ GD-ĐT. Để có cơ sở quy định việc mặc đồng phục, nhà trường đã thực hiện theo lộ trình: bàn bạc trong các cuộc họp liên tịch, liên tịch mở rộng, họp với ban đại diện cha mẹ học sinh và tất cả đều được 100% ý kiến tán thành. Theo đó, nhà trường chỉ vận động thay đổi dần, chứ không bắt buộc; phụ huynh nào kinh tế khó khăn, học sinh vẫn có thể mặc quần áo cũ đến trường... Trong suốt quá trình triển khai việc đồng phục học sinh, nhà trường không hề nhận được đơn hoặc thông tin phản hồi của phụ huynh là nhà trường gây khó cho phụ huynh. Bà Vy cũng thông tin thêm: Hiệu trưởng không thể làm việc theo ý của cá nhân, mà phải dựa trên kế hoạch đề ra có sự nhất trí của hội đồng nhà trường cùng cha mẹ học sinh, nên không đồng tình với ý kiến “Nếu mỗi hiệu trưởng đều quy định đồng phục theo ý của mình thì phụ huynh chúng tôi chịu sao cho thấu” đã nêu trong bài.
Về ý kiến nêu trên, Tòa soạn trao đổi lại như sau:
1. Trong bài “Gây khó cho phụ huynh”, Tòa soạn và tác giả không hề phủ nhận việc thay đổi đồng phục của nhà trường là có lộ trình. Bài báo cũng không hề bình luận là lộ trình ấy được áp dụng đã phù hợp/đúng thời điểm hay chưa mà chỉ nêu vấn đề/hiện tượng thông qua ý kiến của một số phụ huynh học sinh. Việc nhà trường không nhận được ý kiến phản hồi nào từ phía phụ huynh học sinh chung quanh việc thay đổi đồng phục chưa hẳn là vì tất cả đều đồng tình. Bởi lẽ, phản biện thông qua kênh thông tin đại chúng đang là một lựa chọn ưu tiên của xã hội và vấn đề thay đổi đồng phục chỉ mới là một trong nhiều vấn đề của trường Tiểu học Nguyễn Công Sáu mà chúng tôi nhận được từ phụ huynh.
2. Nếu đúng như ý kiến phản hồi của bà Vy, rằng phụ huynh nào kinh tế khó khăn chưa may được quần áo mới cho con em mình, học sinh vẫn có thể mặc quần áo cũ đến trường. Như vậy, không thể gọi đấy là đồng phục. Vì những học sinh có điều kiện thì mặc áo trắng, những em không có điều kiện, mặc áo xanh, trông rất lộn xộn. Ngoài ra, cũng cần thấy rằng, việc nhà trường cho phép những học sinh khó khăn, không đủ điều kiện may đồng phục mới, được phép mặc đồng phục cũ đến trường là một cách làm phản giáo dục. Bởi lẽ, khi đó những em học sinh gia đình khó khăn sẽ khó tránh khỏi mặc cảm, tủi thân vì sự thua thiệt, không bằng bạn bằng bè, ảnh hưởng xấu đến tâm sinh lý lứa tuổi.
3. Bài báo chỉ nêu vấn đề chứ không hề cho rằng nhà trường đã ép buộc phụ huynh phải may đồng phục ở một cơ sở đã được “chỉ định” và cũng không bình luận gì thêm. Tuy nhiên, dù sao đi nữa thì đây vẫn là một thông tin nhạy cảm, bởi một khi đứng ra “giới thiệu” cơ sở may đo cho phụ huynh học sinh, nhà trường đã làm một việc nằm ngoài chức năng/nhiệm vụ của mình và hẳn nhiên, việc làm này không khỏi khiến dư luận đặt câu hỏi.
4. Về ý kiến “Nếu mỗi hiệu trưởng đều quy định đồng phục theo ý của mình thì phụ huynh chúng tôi chịu sao cho thấu”, có thể thấy đây là một suy luận đương nhiên. Vì dù hội đồng nhà trường và hội cha mẹ học sinh thống nhất, nhưng hiệu trưởng vẫn là người chịu trách nhiệm chính, vì mọi chủ trương dù của tập thể, nhưng người đứng đầu vẫn phải chịu trách nhiệm khi quyết định thực hiện.
TÒA SOẠN