Trở lại bài báo "Nguồn gốc đất của ai?": Đã rõ nguồn gốc đất

TRẦN HỮU 05/06/2015 09:15

Nguồn gốc đất đã có đủ bằng chứng rõ ràng, cụ thể về việc xác định ai là chủ quản lý, sử dụng, thế nhưng “quả bóng trách nhiệm” lại cứ lòng vòng.

Sau khi Báo Quảng Nam số ra ngày 8.5 đăng bài “Nguồn gốc đất của ai?”, các cơ quan chức năng của tỉnh khẳng định ông Hồ Cao Cường là chủ sử dụng 20ha đất xây dựng khu tái định cư thủy điện xã Trà Bui. Thế nhưng, Hội đồng bồi thường - hỗ trợ (BT-HT) tái định cư (TĐC) huyện Bắc Trà My vẫn đẩy “quả bóng trách nhiệm” lên cấp trên.

Lòng vòng trách nhiệm

Ông Huỳnh Ngọc Thiệu - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bắc Trà My, kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng BT-HT-TĐC dự án thủy điện Sông Tranh 2 huyện Bắc Trà My cho biết, từ năm 2014 đến nay, địa phương đã có 2 văn bản gửi Sở Tài nguyên - môi trường nhờ hướng dẫn, xác định lại nguồn gốc đất xây dựng khu TĐC thủy điện xã Trà Bui, trong đó có phần đất mà hộ ông Hồ Cao Cường khiếu nại. Theo ông Thiệu, để xác minh nguồn gốc 20ha đất mà ông Cường khiếu nại, ngày 22.5.2012, Hội đồng BT-HT-TĐC huyện có văn bản đề nghị UBND xã Trà Bui kiểm tra, xác định nguồn gốc đất này. Ngày 25.12.2012, Đảng ủy, HĐND, UBND cùng tất cả các ngành đoàn thể xã Trà Bui và các già làng, trưởng bản, ban dân chính thôn đã họp, kết luận 20ha nói trên là đất của hộ ông Hồ Cao Cường. Sau đó, hội đồng có văn bản nhờ Viện Quy hoạch (Sở Xây dựng Quảng Nam) xác định nguồn gốc và đơn vị này xác nhận là đất của hộ ông Hồ Cao Cường. Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Tranh cũng xác nhận là đất của hộ ông Cường. Theo UBND xã Trà Bui xác nhận trước đây, từ các kết quả xác nhận nguồn gốc trên, hội đồng cũng khẳng định 20ha đất xây dựng khu TĐC số 5 là của hộ ông Hồ Cao Cường do cha mẹ ông khai phá từ sau năm 1975.

Khu đất đã xây dựng khu tái định cư,  nhưng chưa được địa phương xác nhận trước đó ai quản lý, sử dụng. Ảnh: T.H
Khu đất đã xây dựng khu tái định cư, nhưng chưa được địa phương xác nhận trước đó ai quản lý, sử dụng. Ảnh: T.H

“Vậy, có đủ cơ sở pháp lý để áp giá đền bù cho hộ ông Cường nhưng tại sao huyện vẫn chưa tiến hành?”. Trả lời câu hỏi này, ông Thiệu cho rằng, nguyên nhân chính là Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Tranh bất nhất trong xác nhận nguồn gốc đất này. Năm 2008, Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Tranh có văn bản xác nhận nguồn gốc đất để làm cơ sở BT cho các hộ dân, trong đó có hộ ông Hồ Cao Cường và đơn vị này xác nhận rằng 20ha đất do Nhà nước quản lý. Thế nhưng, đến năm 2011, Hội đồng BT-HT-TĐC dự án thủy điện Sông Tranh 2 có nhờ Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Tranh xác minh nguồn gốc làm cơ sở BT lúc này đơn vị lại khẳng định 20ha đất trên là của hộ ông Hồ Cao Cường. “Sự bất nhất đó khiến hội đồng xét thấy chưa đủ cơ sở pháp lý để áp giá đền bù cho hộ ông Cường” - ông Thiệu nói. Còn theo ông Nguyễn Nhuần - Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, chủ đầu tư dự án thủy điện 3 có giấy tờ chứng minh không đủ cơ sở pháp lý BT cho ông Cường, vì trước đây UBND tỉnh đã có quyết định giao đất rừng (trong đó có phần diện tích đất mà ông Cường khiếu nại) cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Tranh. Sau đó, UBND tỉnh cho phép chủ đầu tư dự án thủy điện chặt một số cây rừng tự nhiên làm đất TĐC cho các hộ dân xã Trà Bui.

Tỉnh không thể làm thay huyện!

Ngày 26.5, trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam, ông Đoàn Tất Chẩn - Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Tranh khẳng định, quan điểm nhất quán của đơn vị như nội dung báo cáo năm 2011 là nguồn gốc đất của hộ ông Cường. Hội đồng BT-HT-TĐC huyện Bắc Trà My phải BT thiệt hại về đất cho hộ ông Cường theo quy định của pháp luật.

Câu hỏi đặt ra: Tại sao chính quyền xã Trà Bui và Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Tranh xác định rõ ràng đất của ông Cường nhưng các cơ quan chức năng, Hội đồng BT-HT-TĐC dự án thủy điện Sông Tranh 2 huyện Bắc Trà My vẫn còn “hoài nghi”? Nếu là đất do Nhà nước quản lý, UBND tỉnh đã có quyết định giao cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Tranh, thì tại sao phải nhờ chính quyền xã, chủ rừng xác minh? Ông Huỳnh Quốc Vinh - nguyên Trưởng thôn 4 xã Trà Bui, người có đất sản xuất gần đất nhà ông Cường khẳng định: “Tôi từng ký xác nhận đất của cha ông Cường, vì làm nương rẫy với nhau trong thời chiến tranh. Không riêng tôi, hầu hết người dân ở đây ai cũng biết diện tích đất ấy là của cha ông Cường đã gian nan khai phá”. Còn già làng Hồ Văn Nót (SN 1931) nói: “Khu đất TĐC số 5 bây giờ, trước đây là đất của cha ông Cường, kéo dài từ suối Bút đến suối Đo, già nói không sai”. Theo ông Hồ Văn Danh - Bí thư Đảng ủy xã Trà Bui, nguồn gốc đất của ông Cường rõ ràng, có xác nhận của chính quyền và người dân, phải BT sớm.

Ông Lưu Văn Ba - Giám đốc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất (Sở Tài nguyên - môi trường) cho biết, đơn vị đã chính thức có văn bản tham mưu lãnh đạo sở phúc đáp Công văn số 778/UBND-HĐ ngày 11.5.2015 của UBND huyện Bắc Trà My. Theo ông Ba, mặc dù xác nhận của  Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Tranh vào thời điểm năm 2008 và 2011 nội dung bất nhất nhưng qua xác minh, đã làm rõ nguồn gốc đất là của hộ ông Cường. Tại khu vực tiểu khu 736 và 737 có nhiều hộ sinh sống, làm ăn từ lâu đời, cuộc sống của họ từ lâu đã gắn liền với nương rẫy, đất đai gần như không có thủ tục pháp lý rất phổ biến ở các huyện miền núi. Trường hợp đất của ông Cường trước đây đã sử dụng ổn định, có nguồn gốc rõ ràng trước ngày UBND tỉnh giao cho Lâm trường Trà My quản lý nhưng khi giao đất cho Lâm trường Trà My, đất đai của ông Cường nằm xen kẽ trong các khu rừng phòng hộ chưa được Nhà nước xem xét giải quyết theo quy định của Luật Đất đai lúc bấy giờ, vì vậy chính quyền địa phương phải tiếp tục làm việc lại với Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Tranh để xem xét giải quyết BT cho hộ ông Cường. Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Trần Thanh Hà khẳng định, tỉnh không thể làm thay cho huyện được. “Chính quyền địa phương phải làm hết trách nhiệm của mình, không thể “đùn đẩy” lên tỉnh” - ông Hà nói.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trở lại bài báo "Nguồn gốc đất của ai?": Đã rõ nguồn gốc đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO