Báo Quảng Nam cuối tuần số ra ngày 6&7.11.2021 có đăng bài của tác giả Lê Thí với tiêu đề “Những “khẳng định” từ một ngôi từ đường”. Thông qua việc phản ánh quá trình hình thành ngôi từ đường hiện nay, tác giả đã giới thiệu, tôn vinh một dòng họ danh giá ở Hội An đã góp phần làm rạng danh đất và người Quảng Nam.
Đầu tháng 5.2022, Báo Quảng Nam nhận được thư của ông Nguyễn Tường Ninh, một hậu duệ của dòng tộc Nguyễn Tường (Hội An), hiện sống tại TP.Hồ Chí Minh. Trong thư, ông Nguyễn Tường Ninh khẳng định mình là “người quản lý, đại diện hợp pháp duy nhất cho ngôi nhà thờ tại địa chỉ 33 Lê Quý Đôn, TP.Hội An” mà tác giả Lê Thí đã giới thiệu trong bài viết; đồng thời cho rằng, bài báo viết về ngôi từ đường này có những chi tiết không chính xác.
Đó là: (i) Ngôi từ đường 33 Lê Quý Đôn vốn là nhà ở của Nguyễn Tường Phổ từ năm 1841; (ii) Đến năm 1937, nhà bị đổ nát đã được gia tộc trùng tu; (iii) Hiện nay ngôi từ đường là một ngôi nhà cổ.
Ông Nguyễn Tường Ninh thông tin: “Địa chỉ 33 Lê Quý Đôn, Hội An xưa kia (1841) không có căn cứ để xác định là nhà ở của cụ Nguyễn Tường Phổ; Việc mô tả quá trình của cơ sở này là không chính xác; Ngôi nhà hiện nay do ông xây dựng từ năm 2006, không phải là nhà cổ”.
Ông Nguyễn Tường Ninh khẳng định: “Thân nhân của dòng họ Nguyễn Tường là đúng như tác giả (bài báo viết); còn cơ sở vật chất (nhà đất) thì chỉ có cơ sở số 6/8 Nguyễn Thị Minh Khai là chính xác. Còn các cơ sở khác (kể cả 33 Lê Quý Đôn, Hội An) đều không có bề dày lịch sử như bài báo”.
Trong thư, ông Nguyễn Tường Ninh cũng trình bày khá chi tiết quá trình lịch sử hình thành ngôi từ đường của dòng tộc mình (kèm theo những chứng cứ cụ thể) và xác định: “Năm 2006, tôi (Nguyễn Tường Ninh-BQN) đại diện gia tộc xin giấy phép làm lại ngôi nhà hiện nay với quy mô lớn, có sự đóng góp tiền của nhiều bà con trong và ngoài nước. (….). Hiện nay, tôi là đại diện hợp pháp của ngôi nhà này”.
Trên cơ sở thư phản hồi của ông Nguyễn Tường Ninh, Báo Quảng Nam đã trao đổi lại với tác giả bài báo về tư liệu liên quan đến bài viết đã đăng trên báo Quảng Nam và được tác giả cho biết:
Trong quá trình thu thập tư liệu, tác giả đã nghiên cứu và sử dụng thông tin từ các bài báo đã công bố trên nhiều báo, tạp chí trước đây, gồm: bài báo “Đầu năm đi viếng nhà thờ tộc Nguyễn Tường” của Nguyễn Văn Xuân đăng trên Tạp chí Bách Khoa số 389 ngày 2.4.1973; bài “Bổ sung nhà thờ phái nhì tộc Nguyễn Tường vào Danh mục di tích lịch sử - văn hóa của thành phố Hội An” của tác giả Hoàng Phúc thuộc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An ngày 21.5.2019; bài “Chuyện ít biết về nhà thờ tộc Nguyễn Tường” của Mai Thành Dũng trên báo Đại Đoàn Kết ngày 5.11.2017.
Ngoài ra, tác giả cũng vài lần đi thực tế, về thăm ngôi từ đường tại Hội An, nhưng rất tiếc, không gặp được chủ nhân của ngôi nhà. Qua Báo Quảng Nam, tác giả Lê Thí gửi lời xin lỗi ông Nguyễn Tường Ninh cùng bạn đọc về những sai sót trong bài báo, khi những thông tin trích dẫn chưa được kiểm định tính xác thực.
Ngoài ra, tác giả Lê Thí cũng thông tin thêm, khi dùng cụm từ “những khẳng định” trong tiêu đề bài viết, tác giả không có ý “khẳng định” về lịch sử của ngôi nhà mà theo một ý khác: Ngôi nhà thờ phái nhì đã “khẳng định” tộc Nguyễn Tường là tộc họ danh giá hàng đầu ở Hội An và cũng là của Quảng Nam.
Sự “danh giá” của tộc họ được “truyền tử lưu tôn” từ cụ Binh Bộ Thượng thư Nguyễn Tường Vân, Phó bảng Nguyễn Tường Vĩnh và Tiến sĩ Nguyễn Tường Phổ qua đời cháu Nguyễn Tường Tiếp và qua thế hệ các cây bút tài danh một thời Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam… của nhóm Tự lực văn đoàn. Đó cũng là sự “khẳng định” các nhà văn của nhóm Tự lực văn đoàn là người QUẢNG NAM.
Báo Quảng Nam chân thành cảm ơn ông Nguyễn Tường Ninh về những thông tin quý giá, xác thực liên quan đến bài viết đã đăng trên báo Quảng Nam. Xin cáo lỗi với ông Nguyễn Tường Ninh, gia tộc Nguyễn Tường (Hội An) cùng bạn đọc.