Trở lại bài báo "Về mộ phần vợ chồng nữ sĩ Xuân Hương ở Tam Kỳ: Phát hiện chấn động hay suy đoán thiếu căn cứ"

B.Q.N 17/04/2023 11:08

(QNO) -  Báo Quảng Nam nhận được văn bản “Đề nghị đăng bài hồi âm” của bà Nghiêm Thị Hằng (địa chỉ nhà số 8, ngõ 279 Giảng Võ, phường Cát Linh, quận Đống Đa, TP.Hà Nội) ngày 4/4/2023, về việc đề nghị đăng bài hồi âm của tác giả Nghiêm Thị Hằng đối với  bài báo có tiêu đề “Về mộ phần vợ chồng nữ sĩ Hồ Xuân Hương ở Tam Kỳ: Phát hiện chấn động hay những suy đoán thiếu căn cứ” của tác giả Phú Bình, đăng trên báo Quảng Nam điện tử ngày 10 và 11/01/2022 (2 kỳ). Báo Quảng Nam có ý kiến như sau:

 
Đây là hiện trạng bia mộ của ông Huỳnh Hoàn Nhân (ngôi mộ mà bà Phạm Thị Hằng suy đoán nhầm lẫn là mộ nữ sĩ Hồ Xuân Hương). Ảnh: PHÚ BÌNH

1. Bài báo “Về mộ phần vợ chồng nữ sĩ Hồ Xuân Hương ở Tam Kỳ: Phát hiện chấn động hay những suy đoán thiếu căn cứ” của tác giả Phú Bình gồm 2 kỳ. Trong đó:

- Kỳ I: Giới thiệu tóm tắt nội dung 3 bài báo đăng trên các báo, trang mạng, gồm: baovannghe.com.vn, vanchuongthanhphohochiminh.vn, cand.com.vn về những nghiên cứu của tác giả Nghiêm Thị Hằng liên quan đến mộ phần vợ chồng nữ sĩ Hồ Xuân Hương, được công bố trong cuốn sách “Giải mã bí ẩn nữ sĩ Hồ Xuân Hương” của tác giả Nghiêm Thị Hằng (NXB Hồng Đức, tháng 10/2021).

- Kỳ II: Cung cấp những thông tin hiện trạng (mô tả thực tế, việc thờ cúng, văn bia) của 3 ngôi mộ cổ tại TP.Tam Kỳ được phản ánh trong các bài báo nêu ở kỳ 1. Đối chiếu thông tin thực tế tại địa phương và nội dung các bài báo đã dẫn, tác giả Phú Bình nhận định: “Đây (tức là kết quả “giải mã” thông tin về các ngôi mộ cổ được nêu trong 3 bài báo đã dẫn - BQN) là những suy đoán thiếu căn cứ, có thể dẫn đến những nhầm lẫn đáng tiếc về hai ngôi mộ mang nhiều dấu tích văn hóa ở Tam Kỳ”.

Như vậy, bài báo của tác giả Phú Bình nhằm giới thiệu thông tin (từ các báo); phản ảnh hiện trạng và phản biện đối với nội dung "về mộ phần vợ chồng nữ sĩ Hồ Xuân Hương ở Tam Kỳ" trong các bài báo mà tác giả trích dẫn. Cho đến nay, Báo Quảng Nam chưa nhận được bất cứ ý kiến phản hồi nào của chính các tác giả được trích dẫn, cũng như các cơ quan báo chí, trang mạng đã công bố tác phẩm (3 bài báo nêu trên).

2. Bản thảo tác phẩm đề nghị đăng 2 kỳ của tác giả Nghiêm Thị Hằng gửi đến Báo Quảng Nam, ngoài một số thông tin không liên quan trực tiếp đến nội dung bài báo của tác giả Phú Bình (đã nêu), có một số nội dung chủ yếu sau:

- “Năm 2020, tôi (Nghiêm Thị Hằng - BQN) đã đăng ký bản quyền, công trình làm sáng tỏ thân thế nữ sĩ Hồ Xuân Hương từ phương pháp lập tử vi, lý giải. Năm 2021, tôi xuất bản cuốn khảo cứu “Giải mã bí ẩn Hồ Xuân Hương do NXB Hồng Đức ấn hành”.

- “Việc giải mã Mai Sơn Phủ chính là Trần Phúc Hiển và ông là người có bà vợ thiếp là “Xuân Hương, giỏi về văn chương và chính trị”, đã giúp tôi lần theo tập thơ Lưu Hương ký của nữ sĩ, có bài thơ “Hữu ước Mai Sơn phủ ký”. Trong bài thơ có 2 câu “Bên Am nhất trụ trông còn đấy/Ngọn nước Tam Kỳ chảy lại đâu?”, bài thơ được tôi giải mã Hồ Xuân Hương viết năm 1812 cho ông Trần Phúc Hiển khi đó là Tri phủ Tam Đái. Khi ấy nữ sĩ ở kinh thành Thăng Long - chùa Một Cột nhớ về “ngọn nước Tam Kỳ chảy lại đâu” là nhớ về Trần Phúc Hiển quê ở Tam Kỳ. Đó là thuật khảo thơ tìm sử, khảo sử tìm người” (…). Từ những căn cứ khoa học này, tôi đã đến Tam Kỳ, tìm dấu tích phần mộ nữ sĩ.”

- “Thông tin về các cô Trương Thị Diệp và Nguyễn Thị Thủy (hai nhân vật này tác giả Phú Bình nêu lại trong các bài báo được tác giả trích dẫn - BQN), được ghi từ trang 262 đến trang 289, sách “Giải mã bí ẩn nữ sĩ Hồ Xuân Hương”. Họ là những nhà ngoại cảm có uy tín, tôi đã cộng tác cùng họ trong 30 năm qua. Những thông tin họ đưa ra từ Bắc Ninh, Hà Nội và Thái Bình, ngày 31/12/2020 tôi đã vào TP.Tam Kỳ, xác minh kiểm chứng 3 ngôi mộ cổ, từ chỉ dẫn đến thực tế tại hiện trường, soi chiếu thấy phù hợp với dấu tích lịch sử”.

Với những thông tin căn bản nêu trên, tác giả Nghiêm Thị Hằng phản bác nhận định tác giả Phú Bình: “Đây là những suy đoán thiếu căn cứ, có thể dẫn đến những nhầm lẫn đáng tiếc về hai ngôi mộ mang nhiều dấu tích văn hóa ở TP.Tam Kỳ”; đồng thời khẳng định nghiên cứu của mình (Nghiêm Thị Hằng) đã công bố là có “căn cứ khoa học”.

Báo Quảng Nam không bình luận, phân tích, đánh giá về phương pháp nghiên cứu mà tác giả Nghiêm Thị Hằng đã sử dụng, khẳng định. Tuy nhiên, từ quan điểm của Tòa soạn và tôn chỉ, mục đích, nguyên tắc sử dụng tác phẩm, chúng tôi xét thấy nội dung bản thảo tác phẩm của tác giả Nghiêm Thị Hằng (đã nêu) không phù hợp với Báo Quảng Nam. Là cơ quan báo Đảng, Báo Quảng Nam không sử dụng, công bố bất cứ nghiên cứu nào dựa trên các phương pháp “lập tử vi, lý giải; thuật khảo thơ tìm sử; ngoại cảm” như tác giả Nghiêm Thị Hằng nêu trong bản thảo gửi đến Tòa soạn.

3. Báo Quảng Nam hoan nghênh và sẵn sàng giới thiệu những công trình, kết quả nghiên cứu về mọi vấn đề liên quan đến lịch sử vùng đất và con người Quảng Nam. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ đăng tải thông tin về các công trình nghiên cứu khi có bằng chứng khoa học xác đáng, hoặc đã được các cơ quan nghiên cứu khoa học thẩm định, khẳng định giá trị khoa học.  

Phiên âm và dịch nghĩa văn bia mộ ông Huỳnh Hoàn Nhân (phường An Sơn, TP.Tam Kỳ)

1/ Dòng chính giữa

Phiên âm: Đại Nam - Hiển khảo: Giang Hạ quận, Đệ Tam lang. Tự viết: Huỳnh Hoàn Nhân chi mộ [大 南 顯 考 江 夏 郡 弟 參 郞 字 曰 黃 完 人 之 墓]

Dịch nghĩa: Nước Đại Nam (hiệu bia từ thời Minh Mệnh về sau - ND). Đây là mộ Cha tôi, con trai thứ Ba của ông Nội tôi, người họ Huỳnh, có tên tự là Huỳnh Hoàn Nhân” (Giang Hạ quận chỉ họ Huỳnh - ND).

2/ Dòng bên phải - ở giữa bên phải bia

Phiên âm: Tuế thứ Canh Tuất, Trọng xuân nguyệt, Hạ hoán [歲 次 庚 戌 仲 春月下浣]

Dịch nghĩa: Bia này dựng vào năm Canh Tuất - 1850, tháng 2, vào tuần hạ hoán”. (Chú thích: biết được Canh Tuất ứng với năm 1850 vì chỉ có bia mộ từ giữa thời Minh Mệnh (1820-1840) trở về sau mới ghi hiệu Đại Nam; còn tuần “hạ hoán” chỉ thời gian mười ngày từ ngày 20 đến cuối tháng âm lịch - ND)

3/ Dòng bên tả - góc trái bên dưới bia

Phiên âm: Hiếu tử Văn Dục lập thạch [孝 子 文 欲 立 石]

Dịch nghĩa: Con trai hiếu, tên Văn Dục, khắc và dựng bia (lập thạch - chữ “lập” có nghĩa là cho khắc trên đá và dựng bia trên mộ - ND)

Phú Bình (chụp ảnh, phiên âm, dịch nghĩa)

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trở lại bài báo "Về mộ phần vợ chồng nữ sĩ Xuân Hương ở Tam Kỳ: Phát hiện chấn động hay suy đoán thiếu căn cứ"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO