Trở lại Bàu Bính

Ghi chép của ĐẶNG TRƯƠNG 30/04/2018 08:47

Trong cuốn “Dặm trường gian truân” gồm những bút ký viết về mảnh đất Thăng Bình trong chiến tranh xuất bản năm 2014, nhà văn Hồ Duy Lệ, người từng một thời làm báo ở chiến trường Quảng Nam - Quảng Đà đã dành cho “căn cứ lõm” Bàu Bính - Bình Dương (Thăng Bình) những cảm xúc rất đặc biệt. Ông gọi Bàu Bính là “Căn cứ không có rào vi”. Một căn cứ ngang dọc không tới vài cây số vuông mà thường xuyên chứa tới sáu bảy trăm, có khi cả nghìn người trụ vững trước các cuộc tấn công của nhiều trung đoàn, sư đoàn địch. Để rồi cũng từ đất này lực lượng của ta xuất phát tiến công, đánh sâu vào lòng địch. Một căn cứ như thế, nếu không được che chở, bao bọc giữa lòng dân trung kiên cách mạng thì làm sao có thể tồn tại?...

Vùng cát trắng Bình Dương (Thăng Bình) hơn 50 năm trước. Ảnh tư liệu
Vùng cát trắng Bình Dương (Thăng Bình) hơn 50 năm trước. Ảnh tư liệu

1. Giữa những ngày tháng ba đầy nắng và gió miên man từ dòng Trường Giang, tôi theo chân nhà văn Hồ Duy Lệ về vùng cát Bình Dương để thăm lại “căn cứ lõm” Bàu Bính, nơi mà ông đã dành nhiều trang văn đầy hào sảng trong các bút ký của mình để ngợi ca về lòng quả cảm, tinh thần bám trụ kiên cường của người dân vùng cát trắng này. Đón chúng tôi trong căn nhà khang trang vừa xây lại từ nền căn nhà cũ hồi chiến tranh, anh Nguyễn Đình Trúc cán bộ xã Bình Dương, con trai ông giáo Thế - một người mà ngay đầu chuyến đi nhà văn Hồ Duy Lệ luôn nhắc đến với một tình cảm trân trọng hết mực - đã không cầm được xúc động khi kể chuyện về cụ thân sinh. Nhà ông giáo Thế, một gia đình khá giả mấy đời ở ngay trong lòng Bàu Bính. Nguyên gốc căn nhà này là nhà ngói ba gian, cột gỗ vững chắc từ thời ông nội ông giáo để lại. Bom đạn chiến tranh đã phá tan ngôi nhà. Lúc bấy giờ, một gia đình như thế có thể lựa chọn cách an toàn rời làng ra đi tìm nơi khác sinh sống. Nhưng, là một người cảm tình đặc biệt với cách mạng, ông giáo Thế đã quyết định ở lại và biến nơi đây thành cơ sở che giấu cán bộ và các lực lượng trụ bám căn cứ Bàu Bính. Tận dụng gạch đá và gỗ của căn nhà bị bom đánh sập, ông giáo Thế và du kích Bình Dương đào căn hầm kiên cố làm trụ sở chỉ huy cho cả vùng căn cứ...

Ngày ấy, từ các vùng căn cứ, người ta nhìn về Bình Dương là nhìn cây Dương thần. Cây Dương thần còn thì Bàu Bính còn, Bình Dương và vùng đông còn trụ vững. Cây Dương thần vẫn còn đó, và giờ đây lại tiếp tục làm nhân chứng cho cuộc đổi thay ở vùng đất cát này.

Dấu tích căn hầm này đã bị thời gian, gió bụi xóa nhòa, nhưng theo  anh Trúc, từ chỗ cây xoài án ngữ nơi miệng hầm ta có thể phóng tầm mắt bao quát cả vùng “căn cứ lõm” Bàu Bính nằm trên địa bàn thôn 4 và một phần thôn 5 xã Bình Dương. Ngày trước, địa hình khu vực này chủ yếu là gò, thổ cao 1 - 1,5m, cây cối thưa thớt; xen lẫn là các bàu nước với tổng diện tích chỉ khoảng 2 cây số vuông. Phía bắc giáp các xã Duy Hải, Duy Nghĩa của huyện Duy Xuyên, phía tây là sông Trường Giang có phòng tuyến bố trí nhiều bãi mìn, phía đông giáp với biển và phía nam là miên man cát trắng gồm những xã bị cày ủi tan hoang…

Nhà văn Hồ Duy Lệ bảo với tôi, gia đình ông giáo Thế là một trong những “hạt nhân” của tinh thần trụ bám kiên cường ở mảnh đất Bình Dương anh hùng. Qua lời nhà văn, tôi hiểu, trong những năm chiến tranh ác liệt ấy, vai trò của quần chúng cảm tình cách mạng là vô cùng quan trọng, không có họ, có lẽ, một Bàu Bính - được xem là “xã hội chủ nghĩa thu nhỏ” trong chiến tranh sẽ khó bề tồn tại ở một nơi chỉ trơ trọi cát và cát giữa ba bên bốn bề đồn bót.

2. Tôi gặp bà Trịnh Thị Huyền - nguyên Bí thư xã Bình Dương thời kỳ ác liệt nhất, người phụ nữ từng có một quãng đời sôi nổi khác thường nay có cuộc sống âm thầm không chồng con nơi xóm chài nhỏ Bình Dương. Thời gian, tuổi tác và những vết thương chiến tranh đã khiến người phụ nữ này suy kiệt hẳn so với những người cùng lứa. Bà vẫn nhận ra nhà văn Hồ Duy Lệ ngay sau cái nắm tay thật chặt và không quên nhắc nhớ nhiều câu chuyện hết sức cảm động và đau thương về lòng dân, sự hy sinh ở Bàu Bính của một thời chiến tranh chưa xa mà bà đã kể cho ông trong những chuyến về vùng cát tìm tư liệu viết ký. Những năm ấy, địch đánh phá ác liệt nhưng không quét được dân khỏi Bàu Bính. Bà Huyền là đảng viên bí mật kiên quyết trụ lại, bà con thương người phụ nữ son trẻ cùng trụ lại đấu tranh bảo vệ lẫn nhau... Những người đối mặt từng phút, từng giờ với cái chết như bà Huyền giờ cũng không cắt nghĩa nổi vì sao ngày xưa dân mình gan dạ và kiên cường đến thế...

Ông Phan Thanh Toán - nguyên Bí thư Huyện ủy Thăng Bình giai đoạn 1973 - 1975 là người gắn bó với Bàu Bính từ những ngày căn cứ mới được xây dựng, khi trực tiếp chỉ đạo bám trụ và chiến đấu ở căn cứ lõm. Cho mãi đến tận bây giờ đã về nghỉ ngơi tuổi già nơi quê cát Bình Dương, ông Toán vẫn không thể cắt nghĩa được tại sao con người Bình Dương giản dị, bình thường, sống trên cát khô cằn bỏng rát như thế lại có thể gánh vác sự nghiệp to lớn và anh hùng đến vậy... Những người sống, chiến đấu ở “căn cứ lõm” Bàu Bính ngày đó như lời ông Toán, còn phải chịu đựng những khoảnh khắc tàn khốc của chiến tranh khi chứng kiến những vụ giết người hàng loạt do bom, pháo của giặc; chứng kiến những cái chết tức tưởi của người thân, hàng xóm, kể cả người già, phụ nữ và trẻ em. Bất chấp mọi âm mưu, thủ đoạn đánh phá của quân đội Sài Gòn và Mỹ, Nam Hàn, nhân dân vẫn không hề nao núng, không một ai đầu hàng, theo giặc. Mọi người đều giữ được quyết tâm sắt đá “một tấc không đi, một ly không rời”, kiên cường, dũng cảm, còn sống còn chiến đấu, còn sống còn đi theo cách mạng.

3. Chuyến trở lại Bàu Bính lần này, chúng tôi còn được gặp ông Tám Trá, tức Ngô Văn Trá - phụ trách đội phẫu vùng đông, là người mạnh dạn, sáng tạo mổ hàng trăm ca giữa bom đạn mà không có ca nào nhiễm trùng. Bỏ dao kéo là cầm súng trực tiếp chiến đấu. Đối với ông Ngô Văn Trá và mỗi người dân, cán bộ, du kích... từng một thời bám trụ ở Bàu Bính thì con sông Trường Giang - đoạn qua Bình Dương có một vai trò rất quan trọng. Mọi liên lạc, lương thực, thực phẩm, thuốc men, lực lượng... muốn đến được Bàu Bính đều phải qua đoạn sông này. Trường Giang trở thành cầu nối an toàn từ căn cứ qua Xuyên Tân rồi đi các vùng căn cứ khác. Địch không thể nào kiểm soát được tình hình, bởi lúc bấy giờ Bàu Bính đã hình thành nên thế trận rất kỳ lạ: có Bàu Bính tại chỗ, Bàu Bính trong lòng địch và Bàu Bính ở các nơi khác... làm hậu phương vững chắc cho lực lượng bám trụ.

Bây giờ, nhìn từ trên cao Bàu Bính - Bình Dương đã trải một màu xanh miên man trên cát. Người ta không còn phân biệt được đâu là cây Dương thần từng một thời làm biểu tượng về sức sống mãnh liệt của “căn cứ lõm” Bàu Bính. Ngày ấy, từ các vùng căn cứ, người ta nhìn về Bình Dương là nhìn cây Dương thần, Dương thần còn thì Bàu Bính còn, Bình Dương và vùng đông còn trụ vững. Cây Dương thần vẫn còn đó, và giờ đây lại tiếp tục làm nhân chứng cho cuộc đổi thay ở vùng đất cát này. Con đường bê tông rộng lớn bọc từ Bàu Bính, chạy quanh Bình Dương qua Duy Hải như sợi dây huyết mạch của sự thông thương. Chúng tôi bắt gặp đàn dê thong thả gặm cỏ trên đồi, cạnh cây Dương thần, bắt gặp cảnh công nhân Bình Dương tan ca từ các nhà máy, xí nghiệp đang mọc lên trên cát tỏa về các hướng, và xa một chút nữa là Khu phức hợp du lịch nghỉ dưỡng Vinpearl Nam Hội An đang dần hình thành đã tạo nên một diện mạo khác biệt cho vùng đất Bình Dương.

Chiến tranh đã đi qua hơn 40 năm, màu xanh đã trở lại trên vùng cát trắng Bình Dương. Chúng tôi gặp anh Nguyễn Văn Đức, người thoát chết trên đôi tay lạnh ngắt của mẹ trong một căn hầm giữa lòng Bàu Bính khi địch mở trận càn cuối cùng vào căn cứ. Giờ đây, anh Đức cùng bao người dân Bàu Bính lại tiếp tục gieo mầm xanh trên đất cát quê hương mình, mặc cho ký ức đau thương vẫn trở đi trở lại trong từng giấc mơ của anh... Bàu Bính - một bài ca bất diệt về lòng dân trong chiến tranh cách mạng. Và Bàu Bính - một biểu tượng sáng ngời về tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của bao lớp người. Từ Bàu Bính, chúng ta càng thấm thía lời dạy của Bác Hồ: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

Ghi chép của ĐẶNG TRƯƠNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trở lại Bàu Bính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO