Eo Gió - mảnh đất định cư của 97 hộ dân thuộc thôn Long Sơn xã Tam Dân (nay là xã Tam Đại) 40 năm trước, để nhường chỗ cho công trình đại thủy nông Phú Ninh. Từ mảnh đất hun hút gió ngàn, nhưng với quyết tâm “có sức người sỏi đá cũng thành cơm”, những công dân lòng hồ đã có một cuộc sống đủ đầy hơn.
Một thời gian khó
Tháng 3.1977, công trình đại thủy nông Phú Ninh được khởi công xây dựng và 97 hộ dân thôn Long Sơn, xã Tam Đại sốt sắng rời làng, nhường chỗ cho lòng hồ Phú Ninh dâng nước. Làm nhiệm vụ trưởng đoàn di dân ngày ấy, Trưởng thôn Thái Viết Siêu cùng một số người đi khảo sát nhiều nơi và cuối cùng đến Eo Gió. Tại đây, đoàn được các anh bộ đội làm kinh tế cho biết vùng này có thể an cư, lập nghiệp. Sau đó, đoàn cán bộ lãnh đạo xã Tam Dân lúc đó do Bí thư Đảng ủy xã Trần Minh Yên làm trưởng đoàn đã đặt vấn đề với lãnh đạo xã Tam Phước lúc đó. Hưởng ứng chủ trương di dân để xây hồ Phú Ninh, Đảng ủy, UBND xã Tam Phước đã thống nhất ngay và tạo điều kiện để bà con định cư lâu dài. Sau khi phát rẫy, cắm mốc phân lô, đại diện các gia đình bốc số thứ tự. Thế rồi 97 nóc nhà tranh tre tạm bợ được lập lên. Họ được cấp 6 tháng ăn với chăn đắp, với số dân lúc bấy giờ vỏn vẹn khoảng 317 người và ông Thái Viết Siêu được tín nhiệm làm trưởng thôn.
Thôn Eo Gió hôm nay. Ảnh: VĂN CÔNG |
Eo Gió - mảnh đất nằm 2 bên tỉnh lộ 615 nối huyện Phú Ninh và căn cứ địa Sơn-Cẩm-Hà của Tiên Phước, vùng đất hun hút gió ngàn nhưng những công dân lòng hồ ngày ấy vẫn kiên trì quyết tâm bám trụ. Năm nay, đã 75 tuổi khi nhắc đến ký ức về cuộc di cư ngày ấy, ông Thái Viết Siêu không giấu được niềm tự hào về người dân lòng hồ của mình: “Dân lòng hồ chúng tôi không ngại khó khăn, gian khổ, ngày xưa chiến tranh gian khổ là thế nhưng người dân vẫn không ngán, giải phóng rồi, vì dòng nước Phú Ninh, ngán chi những cái khó khăn trước mắt này”…
Cuộc sống của người dân Eo Gió luôn đối mặt với những khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Đất trồng lúa thì chua phèn, đất rừng thì sỏi đá, đường sá đi lại khó khăn, thiếu ăn thiếu mặc là chuyện thường ngày, con cái cũng không có điều kiện được học hành, nhà nào có con học cấp 3 là cố gắng lắm… “Ngày mới lên đây, mỗi ngày một bữa cơm cũng đủ mừng rồi còn lại ăn sắn cho qua ngày, người dân trong thôn chủ yếu sống bằng nghề đốn củi đốt than bán chứ không có nghề nghiệp ổn định” - ông Thái Viết Siêu kể.
Khó khăn lớn nhất của người dân nơi đây chính là nước sinh hoạt. Nhường đất cho cả tỉnh có nước nhưng nước với họ lại gần như là điều xa xỉ. Mùa khô hạn chỉ đủ dùng cho nấu nướng, nước sinh hoạt, tắm giặt phải hạn chế tối đa. Năm 2010, UBND tỉnh hỗ trợ cho 10 giếng khoan để phục vụ nước tưới và sinh hoạt nhưng chủ yếu cũng dùng cho sinh hoạt, việc nước tưới cho hoa màu đành phải trông chờ vào nước trời. Để giải quyết vấn đề nước tưới, năm nào người dân cũng phải đắp đập bổi chặn dòng các con suối nhỏ. Nhưng đến mùa mưa thì bao công sức ấy trôi theo dòng nước. Rồi đến mùa nắng, hoa màu héo khô. Mãi cuối năm 2015, UBND xã Tam Lộc đầu tư 30 triệu đồng kiên cố đập Eo Gió để đảm bảo nguồn nước tưới khoảng 10ha đất nông nghiệp trên địa bàn thôn…
Làng quê nông thôn mới
Thôn Eo Gió bây giờ đã đổi thay với những ngôi nhà khang trang, những con đường bê tông uốn lượn dọc các triền núi. Có được thành quả đó là nhờ chủ trương xây dựng nông thôn mới và quyết tâm vượt khó vươn lên của nhân dân nơi đây. Bí thư chi bộ thôn Nguyễn Văn Quận cho hay: “Tại Eo Gió, nhà nhà bắt tay làm kinh tế, người người vượt khó vươn lên. Ai cũng vui mừng khi nhà cửa khang trang, con cái học hành thành đạt. Nhiều hộ được giao đất trồng rừng mang lại hiệu quả kinh tế rất khá. Nhiều hộ được mùa gừng, nghệ, môn, trồng keo lá tràm cộng với những dành dụm khác đã xây được nhà kiên cố, trị giá hàng trăm triệu đồng, sắm sửa tiện nghi sinh hoạt tương đối đầy đủ”.
Trong cuộc chiến chống đói nghèo, người dân thôn Eo Gió đã lập nên kỳ tích khi biết phát huy thế mạnh điều kiện tự nhiên để vươn lên. Bà Ngô Thị Sinh (năm nay 60 tuổi) cho hay, nhiều năm trước gia đình bà phải từng ngày vật lộn mưu sinh. Sau đó có chủ trương về giao đất trồng rừng, mỗi năm trừ các chi phí thu cũng được từ 20 đến 30 triệu đồng. Đồng thời bà mạnh dạn vay vốn mua 3 con bò cái giống, gia đình tận dụng sào đất màu để trồng cỏ. Giờ đây cuộc sống gia đình bà Sinh đã khấm khá, thoát cảnh nghèo túng.
Tương tự bà Sinh, nhiều gia đình trong thôn cũng mạnh dạn chuyển đổi cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao, kết hợp với phát triển kinh gia trại và trồng rừng. Toàn thôn hiện có 165 hộ, 752 nhân khẩu trong đó có 40 hộ kinh tế khá thu nhập hàng năm 100 - 200 triệu đồng, các hộ còn lại có mức sống trung bình, không còn thiếu đói như ngày trước; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 20 triệu đồng/năm. Là gương điển hình trong phát triển kinh tế của thôn, ông Huỳnh Ngọc Xuân chia sẻ: “Để có được cơ ngơi như hôm nay, gia đình tôi kết hợp sản xuất các loại cây, con cho giá trị kinh tế cao. Ban đầu nuôi gà thịt cho mức thu nhập khoảng 70 triệu đồng/năm, sau đó phát triển mô hình trồng cỏ nuôi bò cho thu nhập khoảng 50 triệu đồng/năm. Chúng tôi còn trồng khoảng 300 choái tiêu, cho thu nhập khoảng 40 triệu đồng/năm. Hiện mô hình kinh tế kết hợp của gia đình rất ổn định và đang được các hộ dân trong thôn nhân rộng”.
VĂN CÔNG