Đang kỳ nghỉ hè. Có người tự trào rằng, quãng thời gian này dường như chỉ có 2 “hoạt động” chính: đi họp lớp và… không đi họp lớp. Nhưng với không ít người đang tìm về bên thầy xưa bạn cũ, họ mang theo rất nhiều tâm trạng.
“Tao nên về họp lớp với mày không?”
Tôi vừa đọc được bài thơ do bạn bè chuyền tay nhau trong nhóm kín, của tác giả Nguyễn Thị Thanh Nga, ý thơ chân chất nhưng dạt dào tình bạn bè và có cả nỗi e dè thầm kín. Bài thơ 4 khổ, xin trích khổ đầu: “Tao nên về họp lớp với mày không?/ Dẫu quắt quay nhớ phượng hồng, áo trắng/ Nhưng tao nghèo, đời dầm mưa dãi nắng/ Đôi vé tàu về hết hẳn tháng lương!”...
Nhưng càng thú vị khi thấy tiếp sau đó đăng kèm một bài thơ như thể phản hồi, có ý thúc giục người bạn rằng “mày cứ về họp lớp với tao đi”. Bài thơ ghi tên một tác giả lạ lẫm, Kiều Trọng, chỉ xin trích đoạn giữa: “...Mày cứ về họp lớp với tao đi/ Với chúng mình, cái tình là trên hết/ Nghĩ gì nhiều để cho người thêm mệt/ Ai Nở, ai Phèo, ai Kiến... mặc kệ ai!”.
Có thể thấy, chính sự “đối nghịch” giữa quá khứ và hiện tại giúp mọi người nhận ra: thời gian lùi xa, lũ học trò xưa sắp sửa trở về trong vóc dáng chứng nhân của thuở hoa niên. Trong một lần thu xếp họp lớp, tôi tình cờ nhận ra chiếc áo pull đồng phục ít nhiều giúp xóa bớt “khoảng cách” có thể có giữa bè bạn.
Cũng dịp ấy, tôi lại tình cờ đọc được tâm tình của một người đang trở lại với mùa hè, diễn tả qua bài thơ “Chiều nay về họp lớp”, khuyết tên tác giả. Thử trích một đoạn: “…Nếu có thể, một bình hoa là đủ/ Trưng thật nhiều hình ảnh của ngày xưa/ Ráng nhớ hết tên những người bạn cũ/ Chuyện buồn vui thời ma quỷ cũng chừa”.
Ý thơ đôi chỗ còn dè dặt rào đón, “đừng biểu ngữ giăng cửa sau cửa trước”, “đừng có đợi bạn chìa tay mới bắt”, “đừng lớn tiếng về gia tài hoành tráng”…, vì “bạn bè xưa nhiều đứa vẫn bần hàn”.
Khi tôi dẫn đăng lại bài thơ này trên mạng xã hội, có người nhận ra đấy là bài thơ cũ của anh Hoài Thúc, một đồng nghiệp đồng hương từng công tác ở Đài truyền thanh huyện Thăng Bình, đã mất sớm.
Nhưng rồi, một bạn có nick-name “Thuc Tran” đã tương tác trên trang cá nhân của tôi, khẳng định đó chính là bài thơ của anh với tựa gốc “Chiều về họp lớp”. Tất nhiên, bài thơ đã bị sửa vài chỗ, nhất là câu cuối.
Thôi tím hoa sim, thôi vàng hoa thị
Nhưng không phải ai cũng kịp trở về, được trở về, muốn trở về. Hoặc về mà tâm tình xáo trộn.
Tôi tâm đắc với màu tím hoa sim và sắc vàng hoa thị trong truyện dài “Mắt biếc” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Ông đã để cho nhân vật Ngạn tự sự vào một ngày hè trở về thăm làng cũ trường xưa: “Tôi hiểu rằng từ nay chỉ có một mình tôi giữa bốn bề phượng vĩ. Hà Lan về làng nhưng lòng nó chẳng theo về. Lòng nó đã thôi tím hoa sim, thôi vàng hoa thị và có lẽ hình ảnh những phiên chợ đêm giăng mắc ánh đèn dọc quãng đời tuổi nhỏ cũng đã từ lâu thôi lấp lánh” (sđd, NXB Trẻ 2005, trang 190).
Tâm đắc, một phần vì truyện nói hộ lòng mình. Phần vì không gian nghệ thuật gần gũi, ở một vùng quê xứ Quảng. Vùng quê ấy, thuở học trò, tôi nhiều lần cùng nhóm bạn đạp xe lòng vòng những nơi mà nhân vật Ngạn và Hà Lan từng trú ngụ.
Đạp xe, để nghe sực nức mùi mít chín, thơm đến tận bây giờ. Để giờ đây, lại ngạc nhiên với trường liên tưởng và ký ức đằm sâu của nhà văn, khi ông nhắc nhớ về những tím hoa sim vàng hoa thị của Ngạn và Hà Lan, những thầy Phu thầy Cải cô Thung...
Tâm tình của Ngạn ắt hẳn dễ làm xao động những thế hệ học trò cũ. Nếu không, hãy để những trang văn tiếp tục nói hộ nỗi lòng, như cách mà một tác giả danh tiếng từng viết trước năm 1975. Rằng không lâu nữa sẽ hết mùa hè, đến tháng 9. Khi ấy, “loài ve sầu đã mồ yên mả đẹp” và cây cối “đang làm đám ma cho lá”. Nhà văn nghĩ về một đám ma vô tiền khoáng hậu, với lá rơi ban ngày, lá rụng ban đêm, lá ốm, lá úa, rồi lá chết…
Còn với những học trò cũ của nhiều thế hệ, liệu “chứng nhân” có kịp về để gặp lại chính mình thuở mùa hè hun hút trong quá khứ?
Kỷ vật thuở học trò
Có một sắc vàng hoa mướp trong thơ Hoàng Nhuận Cầm, cùng với “cây bàng hẹn hò chìa tay vẫy mãi” trong bài thơ ban đầu được tác giả đặt tựa là “Trường ơi, chào nhé”. Bài thơ ấy, giờ trở nên quá quen thuộc với các thế hệ học trò, “Chiếc lá đầu tiên”.
Chỉ không rõ thật rõ, lời chào thăm kia là chào lúc vừa trở về hay lúc rời đi…
Tháng 7 năm nay, mùa hè, lại đang thấy những cuộc trở về. Đã có nhiều người hào hứng mỗi khi nghe nhắc đến những cuộc gặp gỡ kiểu hội trường, hội khoa. Đã có hẳn câu ví von “họp lớp cấp 3, hội khoa cấp 4”.
Nhưng không chỉ vậy, các cấp lớp khác cũng đang vầy cuộc trở về, miễn là có nhu cầu và cơ hội. “Họp lớp” thậm chí đang mở ra những dịch vụ đi kèm, nào địa điểm, trang phục, hình ảnh…
Chủ shop “Tổ chức sự kiện họp lớp trọn gói chuyên nghiệp” còn soạn sẵn nhiều slogan để khách hàng lựa chọn: “Tuổi thơ ơi! Cho tôi nhìn lại”, “Sống mãi với thời gian”, “Trở về nơi khởi đầu của những ước mơ”…
Nơi khởi đầu của những ước mơ, nên tự dưng nhớ lại những trang lưu bút, những tờ báo tường, những dòng chữ nắn nót và muốn “trưng bày” những cảm xúc ấy. Như cách mà học giả Hoàng Xuân Hãn từng tổ chức “triển lãm” bức thư hoàng đế Quang Trung gửi La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp cùng với… những trang vở chép cua (cours, bài giảng) của người bạn thời trung học, Phạm Mậu Quân. Tình tiết này được ông Hồ Hữu Tường kể trong hồi ký “41 năm làm báo”.
Ước sao, chỉ với một vài trang vở và dăm ba dòng lưu bút thôi cũng đủ “cuốn” bạn bè ngồi cạnh nhau, đủ xóa nhòa những khác biệt, đủ mang mùa hè về với tuổi học trò...