Bồi thường thiệt hại cho người dân chưa thỏa đáng, chưa có phương án di dời mồ mả đi nơi khác, tận thu tài nguyên kết hợp cải tạo đồng ruộng không đúng quy định… là những sai phạm nghiêm trọng của Công ty CP Thương mại và xuất nhập khẩu Nam Châu (có nhà máy sản xuất gạch tuy nen đóng tại xã Quế Hiệp, Quế Sơn).
Một điểm khai thác đất sâu tại cánh đồng thôn Lộc Đại (xã Quế Hiệp) nhưng chưa hoàn thổ. |
Sau khi Báo Quảng Nam đăng bài “Khai thác đất tại xã Quế Hiệp, Quế Sơn: Dân ngăn cản vì chưa thỏa thuận đền bù” (số ra ngày 16.9), những ngày qua, chúng tôi tiếp tục nhận nhiều thông tin bức xúc của người dân về dự án tận thu khoáng sản trên danh nghĩa là cải tạo đồng ruộng.
Chưa di dời mồ mả
Vì quá bất bình, ông Võ Xuân Thanh - Bí thư Chi bộ thôn Lộc Đại (xã Quế Hiệp) đã đưa tôi đến hiện trường tận mắt chứng kiến khu vực ruộng đồng đã bị đào sâu xuống hơn 3m, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn chết đuối vào mùa mưa. Tại khu vực Đồng Gáo và Gò Ban (thuộc đội 3 của thôn Lộc Đại) có đến 3 điểm khai thác khác nhau, liền kề với ruộng sản xuất của người dân. Thậm chí, đất đã lấy sát các ngôi mộ đất, chỉ cần một trận mưa lớn là có thể sạt lở. Ông Thanh bức xúc: “Là lãnh đạo địa phương, tôi không thể nào chấp nhận cái kiểu làm ăn tùy tiện, bất chấp pháp luật của doanh nghiệp được. Mồ mả chưa di dời thì đã thi công gần sát; vận chuyển đất trên xe thì không dùng bạt bao phủ, gây hư hỏng đường sá, lại còn đem người đến gây gổ với dân. Dân cấm đường, không cho lấy đất là hoàn toàn chính đáng”. Mồ mả của tộc họ ông Trần Hữu Bàn (thôn Lộc Đại, xã Quế Hiệp) vẫn còn nguyên nhưng Công ty CP Thương mại và xuất nhập khẩu Nam Châu đã lấy đất sát các ngôi mộ. “Tôi đã nhận tiền bồi thường đất, hoa màu, cây cối được 37 triệu đồng, nhưng mồ mả ông bà, tổ tiên tôi, mấy ảnh lại bỏ quên không di dời đi nơi khác” - ông Bàn nói.
Trước đây, doanh nghiệp tự thỏa thuận bồi thường với dân, chỗ nào đã bồi thường xong, doanh nghiệp khai thác đến đó. Hỏi vì sao không chịu bồi thường, di dời mồ mả trước khi thi công, ông Nguyễn Hữu Phước (đại diện cho Công ty Công ty CP Thương mại và xuất nhập khẩu Nam Châu) phân trần, đơn vị sẵn sàng bồi thường và hỗ trợ chi phí di dời, nhưng địa điểm ở đâu thì chính quyền xã phải lo. Sở dĩ, công ty khai thác theo từng vị trí khác nhau là do người dân đã nhận tiền bồi thường rồi nhưng không chịu bàn giao mặt bằng. Còn ông Trần Anh Toàn – Phó Chủ tịch UBND xã Quế Hiệp xác nhận, hiện còn 7 ngôi mộ chưa di dời. Sai sót là trước đây phương án bồi thường của huyện phê duyệt thiếu… hạng mục mồ mả.
Yêu cầu tạm dừng lấy đất
Ngày 4.7.2013, UBND huyện Quế Sơn đã quyết định phê duyệt báo cáo kỹ thuật xây dựng công trình cải tạo đồng ruộng tại xã Quế Hiệp với mục đích nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất, đưa cơ giới vào đồng ruộng, thuận lợi cho việc canh tác và đi lại sản xuất của nhân dân. Tận thu khoảng 251.933m3 đất nguyên liệu gạch ngói với quy mô cải tạo 14ha, tạo nguồn thu cho ngân sách địa phương. Và cũng theo quyết định này, khi thi công tuyệt đối tuân thủ theo bản vẽ thiết kế và hồ sơ dự toán, thi công từng lô một, từng khu vực một, không làm tràn lan ảnh hưởng đến sản xuất chung quanh. Tuyệt đối không được lấy đất sâu quá cao trình thiết kế; bóc toàn bộ lớp đất phong hóa đổ về một góc, tiến hành lấy đất vận chuyển ra ngoài lô, san sửa tạo mặt bằng, sau đó trải đều mặt bằng lớp đất hữu cơ trong lô theo cốt quy hoạch. Thế nhưng, khác xa với các quy định, cam kết trên giấy tờ, doanh nghiệp này đã cố tình khai thác thực địa với độ sâu vượt mức cho phép. Khu vực lấy đất hầu như không có biển cảnh báo an toàn. Nhiều người dân cho biết, đồng ruộng giờ đã móc lấy đất vô tội vạ, biến thành những ao sâu hơn 4m, nước ứ đọng như ao hồ rất nguy hiểm. Bà Lê Thị Dậy, một người dân ở thôn Lộc Đại mới đây đã cứu sống được 4 học sinh thoát chết khi nghịch ngợm tắm trên những “cái bẫy” tử thần này.
Theo chính quyền xã Quế Hiệp, cái sai của doanh nghiệp là chậm khắc phục hoàn thổ, cải tạo các vị trí đã khai thác; tự ý đưa xe vào trong lấy đất khi chưa có ý kiến của địa phương. Việc sửa đường, đầu tư bi thoát nước như cam kết của doanh nghiệp đến nay vẫn chưa thực hiện. Bí thư Chi bộ thôn Lộc Đại - ông Võ Xuân Thanh cho rằng, nhìn vào hiện trạng, không ai nghĩ đây là dự án cải tạo đồng ruộng. Với cách khai thác kiểu tận thu khoáng sản này, nhiều người rất thắc mắc về tính minh bạch, phớt lờ các quy định của dự án. Trong khi đó, những việc làm sai trái của doanh nghiệp vẫn chưa được các ngành chức năng của huyện Quế Sơn và chính quyền xã Quế Hiệp kiểm tra, giám sát và ngăn chặn kịp thời. Vị trí thi công cải tạo đồng ruộng đến thời điểm này vẫn chưa cắm mốc, xác định ranh giới rõ ràng. “Chính quyền địa phương yêu cầu phía công ty tạm dừng toàn bộ việc lấy đất” – Phó Chủ tịch UBND xã Quế Hiệp - ông Trần Anh Toàn khẳng định.
TRẦN HỮU