Trở lại vụ khai thác nhựa thông sai quy định: Giao rừng để... phá rừng

TRẦN HỮU 24/08/2015 08:56

Tại rừng phòng hộ Phú Ninh, không chỉ rừng thông nhựa bị khai thác sai quy định, mà rừng giao khoán cho người dân bảo vệ cũng bị tàn phá.

  • Khai thác vượt mức cho phép trên 11 ngàn cây nhựa thông
Một cây thông nhựa đang thời kỳ khai thác ở rừng phòng hộ Phú Ninh.
Một cây thông nhựa đang thời kỳ khai thác ở rừng phòng hộ Phú Ninh.

Phát hiện sai phạm nhưng làm ngơ

Những năm gần đây, cây thông nhựa caribê trong rừng phòng hộ Phú Ninh đã bị khai thác lén lút, tình trạng phá rừng phòng hộ để trồng keo của người dân đã được Báo Quảng Nam phản ảnh nhiều lần. Nhiều diện tích mà Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh đã giao khoán cho Công ty TNHH MTV Tiến Thiên Tân (có trụ sở đóng tại thôn Bích Trung, xã Tam Xuân 1, Núi Thành) chăm sóc, khai thác nhựa thông vẫn bị chặt phá trái phép để trồng keo. Ngày 12.8.2015, Công ty TNHH MTV Tiến Thiên Tân có văn bản (số 01/TT-KTT) gửi Sở NN&PTNT cùng các đơn vị liên quan yêu cầu kiểm tra diện tích và số lượng cây thực tế. Công ty này cho rằng, tháng 7.2013, đơn vị trúng thầu khai thác nhựa thông tại các tiểu khu 592 (xã Tam Xuân 2) và 599 (xã Tam Thạnh) với tổng diện tích 40,73ha trong thời hạn 6 năm. Nếu tính theo quy cách là lấy 28 lô (100m2/lô)/40,73ha nhân với số lượng cây theo thiết kế là không thực tế. Rừng thiết kế năm 2011, song  thực tế số lượng cây còn lại không như ban đầu. Công ty nhiều lần yêu cầu kiểm tra thực tế nhưng Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh không giải quyết. “Thực tế qua kiểm tra của chúng tôi, rừng bị lâm tặc chặt phá, lấn chiếm chỉ còn lại khoảng 30ha. Trong khi đó, Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh nhiều lần đến kiểm tra nhưng chẳng có ý kiến gì nên công ty chủ quan” - ông Trần Tiến, Giám đốc Công ty TNHH MTV Tiến Thiên Tân cho biết.

Trong thời gian doanh nghiệp triển khai lấy nhựa thông, Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh tổ chức 5 đợt kiểm tra, trong đó có 2 đợt phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Núi Thành, đều khẳng định công ty khai thác sai quy trình, không đúng với hồ sơ thiết kế nhưng đơn vị này vẫn không đề xuất, báo cáo hướng xử lý kịp thời, để doanh nghiệp khai thác nhựa vượt mức cho phép hơn 11 nghìn cây thông. Điều bất thường hơn, Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh đã bàn giao hiện trường khai thác nhựa thông cho Công ty TNHH MTV Tiến Thiên Tân trước khi có quyết định của Sở NN&PTNT (?). Về việc khi kiểm tra, phát hiện công ty sai phạm nhiều lần, nhưng không báo cáo lên cấp thẩm quyền xử lý, ông Nguyễn Xuân Phước - Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh giải thích: “Lúc kiểm tra, đơn vị chỉ mới phát hiện công ty sai phạm ít nên yêu cầu khắc phục tháo dỡ máng. Chức năng, thẩm quyền của đơn vị không thể xử lý được. Thiếu sót của chúng tôi là giám sát thiếu chặt chẽ và chủ quan không đề xuất, báo cáo sai phạm của công ty lấy nhựa sai quy trình”.

Tan hoang rừng giao khoán

Kiểm tra của ngành lâm nghiệp cho thấy, trong tổng số hơn 121ha rừng tự nhiên mà Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh giao khoán cho các nhóm hộ dân quản lý, bảo vệ và khoanh nuôi tái sinh tự nhiên chỉ còn có hơn 28ha. Vậy, còn hơn 92,5ha diện tích rừng tự nhiên nằm ở đâu? Theo điều tra của phóng viên, diện tích rừng bị phá đã được chủ rừng giao khoán cho các nhóm hộ trên địa bàn xã Tam Sơn (huyện Núi Thành). Như tại khoảnh 5, tiểu khu 596, có 12,39ha giao cho nhóm hộ ông Tô Đức Kiểm đã bị phá toàn bộ (trong đó có 11ha bị phá để trồng keo). Còn tại khoảnh 6, tiểu khu 596 có 82,36ha giao cho nhóm hộ ông Nguyễn Lương Đào thì có đến hơn 72ha bị phá để trồng keo. Tại tiểu khu này, hộ ông Kiểm còn được giao 5 lô với diện tích 38,77ha thì có hơn 20ha đã bị tàn phá để trồng keo. Theo quan sát, ngoài diện tích bị đốt, cũng có nhiều cây thông cổ thụ bị chết khô, hoặc bị cưa gãy ngang thân. Dưới tàn cây khô là những cây keo non mơn mởn. Quá trình tàn phá rừng tự nhiên kéo dài nhiều năm, bằng chứng là có diện tích keo trồng 2 - 4 tuổi. Tréo ngoe ở chỗ, hiện tại các diện tích rừng bị tàn phá vẫn đang thực hiện các hợp đồng quản lý, bảo vệ rừng và khoanh nuôi tái sinh tự nhiên. Nghĩa là tiền Nhà nước vẫn chi thường xuyên cho các hợp đồng bảo vệ rừng.

Rừng tự nhiên giao khoán cho người dân đã bị chặt phá để trồng keo.  TRONG ẢNH: Một khu vực trong rừng phòng hộ Phú Ninh bị san bằng chuẩn bị trồng rừng.
Rừng tự nhiên giao khoán cho người dân đã bị chặt phá để trồng keo. TRONG ẢNH: Một khu vực trong rừng phòng hộ Phú Ninh bị san bằng chuẩn bị trồng rừng.

Trước “điểm nóng” rừng thông bị phá, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh - ông Phan Tuấn vừa ký văn bản yêu cầu Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Núi Thành và Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh làm rõ một số nội dung có liên quan. Theo đó, yêu cầu Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh giải thích lý do bàn giao hiện trường khai thác nhựa thông trước khi có quyết định của Sở NN&PTNT? Hai ông Tô Đức Kiểm và Nguyễn Lương Đào đại diện cho 2 nhóm hộ thỏa mãn điều kiện gì mà được nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng và khoanh nuôi tái sinh tự nhiên? Theo ông Phan Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, đơn vị đã yêu cầu Hạt Kiểm lâm Núi Thành và Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh giải trình về việc giám sát, kiểm tra phát hiện sai phạm sao không xử lý hoặc báo cáo cấp thẩm quyền xử lý. Làm rõ việc 92,505ha rừng tự nhiên bị tàn phá là do ai thực hiện để xử lý nghiêm theo pháp luật.

Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam, ông Huỳnh Tấn Đức - Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, chính sở phát hiện sai phạm khai thác nhựa vượt mức số lượng rừng thông cho phép nên chỉ đạo các cơ quan vào cuộc chứ không phải Hạt Kiểm lâm huyện Núi Thành. Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh, Hạt Kiểm lâm Núi Thành chắc chắn có sai phạm trong buông lỏng quản lý, để doanh nghiệp khai thác vượt mức cho phép và để xảy ra tình trạng phá rừng dai dẳng. Mức độ sai phạm của các đơn vị này tới đâu thì phải chờ sự vào cuộc của ngành kiểm lâm; chậm nhất hết ngày 31.8, Chi cục Kiểm lâm tỉnh sẽ báo cáo kế hoạch xử lý. Báo Quảng Nam sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này.

Giao rừng nhưng không kiểm tra thực địa

Để làm rõ trách nhiệm của chủ rừng, về bất cập trong công tác giao khoán rừng cho nhóm hộ dân, phóng viên Báo Quảng Nam có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Phước - Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh.

Ông Phước thừa nhận, có thiếu sót do chủ quan, do khâu giám sát doanh nghiệp khai thác nhựa chưa chặt chẽ. Tuy nhiên, theo quy định thì chính Công ty TNHH MTV Tiến Thiên Tân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật do khai thác nhựa thông không theo hồ sơ thiết kế được duyệt.

PV: Thưa ông, còn diện tích rừng được giao khoán cho người dân bảo vệ cũng bị phá, do đâu?

Ông Nguyễn Xuân Phước: Tôi khẳng định, rừng phòng hộ Phú Ninh bị xâm hại nhiều năm nay, chứ không phải đến bây giờ mới “nóng”. Người dân chiếm đất để trồng rừng là hoàn toàn có thật. Trong diện tích rừng tự nhiên đã giao có trồng keo. Nguyên nhân thứ nhất là các đối tượng phá rừng, chiếm đất lâm nghiệp để trồng keo sau khi giao khoán bảo vệ rừng mà các tổ giao khoán và quá trình nghiệm thu không phát hiện để báo cáo. Thứ hai, trong quá trình thiết kế lập hồ sơ giao khoán có sai sót, xác định diện tích hiện trạng rừng không chính xác. Đã có diện tích trồng keo trước khi giao khoán chứ không phải rừng tự nhiên. Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh nhiều lần báo cáo, truy quét, kể cả dùng biện pháp chặt, nhổ hàng chục héc ta cây trồng trái phép nhưng vẫn không ngăn chặn triệt để.

PV: Có chuyện giao khoán rừng chỉ là hình thức, hợp thức hóa để “móc tiền” của Nhà nước hay không, thưa ông?

Ông Nguyễn Xuân Phước: Trong số 11 nghìn héc ta rừng phòng hộ Phú Ninh, chúng tôi đã giao khoán cho 27 nhóm hộ dân (258 hộ dân) bảo vệ hơn 7.000ha rừng. Bình quân hàng năm chi trả mỗi héc ta rừng 200 nghìn đồng. Phần lớn nhóm hộ nhận khoán đều bảo vệ tốt rừng. Trưởng thôn là người đứng đầu nhận khoán theo hồ sơ thiết kế đã được Sở NN&PTNT phê duyệt, có biên bản họp thôn, thành lập tổ bảo vệ rừng… Tuy nhiên, có nhiều trường hợp đã nhận khoán nhưng rừng vẫn bị phá như trong nhóm hộ của ông Tô Đức Kiểm và Nguyễn Lương Đào (xã Tam Sơn). Giao khoán rừng cho dân bảo vệ là chủ trương đúng đắn, nhưng thực tế chúng ta vẫn chưa có biện pháp cứng rắn xử lý đối tượng phá rừng. Sở dĩ người dân nhận khoán bảo vệ vẫn phá rừng vì trong hợp đồng chế tài xử lý còn quá nhẹ, có cảm giác quyền lợi và trách nhiệm không gắn liền nhau.

PV: Doanh nghiệp lấy nhựa thông trái quy định từ kẽ hở của các ngành chức năng?

Ông Nguyễn Xuân Phước: Việc lấy nhựa thông làm ồn ào lên thời điểm này như… giọt nước tràn ly, chứ phá rừng phòng hộ Phú Ninh phức tạp nhiều năm rồi. Bản chất vụ việc công ty lấy nhựa sai quy cách là do tham lam, họ muốn thu hồi vốn nhanh. Thay vì lấy một mạch nhựa thông, họ đi lấy hai mạch, thậm chí khai thác nhựa cả cây không đủ lớn theo quy định.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trở lại vụ khai thác nhựa thông sai quy định: Giao rừng để... phá rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO