Ngày 24.5, Báo Quảng Nam có bài “Vụ khiếu nại quyền khai thác rừng trồng ở Bình Minh (Thăng Bình): Ai là chủ nhân của rừng?”. Sau khi báo đăng, ông Hoàng Ngọc Triển (trú thôn Hà Bình, xã Bình Minh) tiếp tục có đơn gửi đến các cơ quan chức năng yêu cầu làm rõ bản chất đúng - sai của vụ việc.
Rắc rối
Trong đơn gửi Báo Quảng Nam lần hai, ông Hoàng Ngọc Triển trình bày: Vào năm 1988, UBND huyện Thăng Bình đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng rừng và đất rừng (bìa trắng) cho ông với diện tích sử dụng, quản lý là 0,3ha. Do diện tích chung quanh khu vực này còn bỏ hoang, ông tiếp tục khai hoang trồng cây. Năm 2002, chính quyền xã đồng ý với đề án phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại của ông với diện tích 4ha, nhưng dự án không đem lại kết quả như mong đợi. Theo ông Triển, trên diện tích hơn 4ha tại khu vực Tân An, xã Bình Minh, ông đã trồng hàng nghìn cây dương liễu, đào lộn hột, keo nhưng bị kẻ gian chặt hạ; còn lại gần 2.000 cây keo đang tuổi khai thác. Năm 2013, ông Triển xin khai thác số cây còn lại đã đến tuổi thu hoạch (keo trồng năm 2003), nhưng chính quyền xã Bình Minh không đồng ý cho khai thác, gây thiệt hại kinh tế cho ông. Ngày 28.3.2013, ông Triển đã khiếu nại về hành vi hành chính với UBND xã Bình Minh để giải quyết theo đúng trình tự quy định pháp luật.
Ông Triển với xấp đơn khiếu nại. |
Để tìm hiểu lý do từ chối không cho ông Triển khai thác rừng keo, phóng viên Báo Quảng Nam đã làm việc với ông Trương Công Bảy - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Minh. Ông Bảy cho biết, thời gian qua, địa phương có nhận đơn xin khai thác keo của ông Triển và 2 hộ dân khác cũng với số lượng cây trồng trên cùng diện tích đó. Toàn bộ cây trồng nằm trên đất xã Bình Dương nên không thể khẳng định quyền sở hữu rừng là của ai. Vì vậy, xã đã thành lập tổ xác nhận đơn thư của ông Triển. Ông Nguyễn Văn Hùng, cán bộ địa chính xã Bình Minh khẳng định, hai hộ khác đang tranh chấp quyền khai thác keo với ông Triển là ông Phan Ngọc Đại (nguyên Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thăng Bình) và ông Trương Công Minh (nguyên Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Minh). Ông Hùng thông tin, trước đây địa phương đã xác nhận cho những hộ có nhu cầu làm kinh tế vườn, kinh tế trang trại. Thấy đất bỏ hoang hóa, nên người dân đã lấn sang trồng rừng trên đất Bình Dương, giáp ranh với xã Bình Minh. “Hai hộ ông Đại, ông Minh không hề được cấp bìa trắng, hay bìa đỏ gì. Thế nhưng, trước đây, địa phương có ký xác nhận cho hai ông có đơn xin phát triển kinh tế trang trại. Phía Bình Dương xác nhận hai ông Đại, Minh có trồng cây trên đất của họ. Còn việc làm dự án kinh tế vườn, trang trại như ông Triển trên địa bàn xã nhan nhản nhiều lắm...” - ông Hùng nói.
Trao đổi với chúng tôi, ông Cao Thành Phiện - Chủ tịch UBND xã Bình Dương cho biết, địa phương không có giao đất cho ông Đại, ông Minh trồng rừng. Chúng tôi đang tích cực chỉ đạo bộ phận chuyên môn xác định vị trí, ranh giới rừng trồng đang tranh chấp trên thuộc địa giới của Bình Dương hay Bình Minh và đang chờ kết quả”. Đại diện lãnh đạo Phòng Tài nguyên - môi trường huyện Thăng Bình cho rằng, huyện không có văn bản, hồ sơ giao đất trồng rừng nào cho ông Đại, ông Minh. Việc xác nhận nguồn gốc rừng và đất rừng thì thuộc chức năng, thẩm quyền của hội đồng tư vấn đất đai cấp xã, cộng đồng dân cư.
Cần sớm xác định chủ nhân
Ông Triển cho rằng, trong Bản án số 03/2009/DSST, ngày 29.7.2009 của Tòa án nhân dân tỉnh về việc tranh chấp quyền sở hữu tài sản, ông Phan Ngọc Đại và Trương Công Minh đã thừa nhận ông Triển có trồng thêm số cây keo lá tràm. Thêm vào đó, năm 2007, Công ty TNHH Tân Bình (trụ sở đóng tại TP.Tam Kỳ) khi thi công đường dây điện đã ảnh hưởng đến cây trồng (nằm trong khu vực cây trồng hiện đang tranh chấp - PV) của ông Triển, đơn vị thi công này đã bồi thường tiền cho ông, và không có hộ dân nào tranh chấp cả. “Lúc đó, UBND xã Bình Minh cũng đã thừa nhận là cây dương liễu, keo là của tôi trồng nên đã thống nhất bồi thường, nhưng hiện nay lại không xác nhận cho tôi khai thác là điều hết sức vô lý” - ông Triển bức xúc. Giai đoạn 1999 - 2001, ông Triển được công nhận là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Theo ông Triển, từ trước đến nay, ông chỉ có loại đất trồng cây lâu năm. Nếu diện tích trên không do ông quản lý, sử dụng trồng cây thì sản xuất, kinh doanh cái gì, ở đâu để Hội Nông dân tỉnh tặng danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.
Tại bản án ngày 29.7.2009 của Tòa án nhân dân tỉnh, các ông Phan Ngọc Đại, Trương Công Minh khai được UBND xã Bình Minh giao đất và đo vẽ xác nhận năm 2002. Nhưng khi trả lời Báo Quảng Nam, Chủ tịch UBND xã Bình Minh Trần Công Minh lại cho rằng, vị trí rừng của 2 hộ dân này được UBND xã Bình Dương xác nhận quản lý, chăm sóc. Thêm nữa, UBND xã Bình Minh nói rừng trồng tranh chấp nằm trên đất Bình Dương, nhưng chính quyền xã Bình Dương khẳng định, chưa có câu trả lời chính thức về rừng trồng thuộc ranh giới nào.
HỮU PHÚC