Trở lại vùng đất lửa - Kỳ 1: Hoa nở ở… chiến hào

Ghi chép của LÊ QUÂN - ALĂNG NGƯỚC 13/09/2017 10:34

Những địa danh cũ thời chống Mỹ, mà khi gọi lên, người trong cuộc còn rùng mình vì độ ác liệt. Là Kỳ Nghĩa, Kỳ Liên, Kỳ Thạnh, Kỳ Sanh, Kỳ Hà, Chu Lai… - nơi cái sống cái chết chỉ cách nhau gang tấc. Trên vành đai cũ, sau 50 năm trở lại, cây đã xanh trên những đất sỏi khô cằn. Nhưng ký ức chiến tranh, vẫn được nhắc nhớ để làm “tay vịn” cho nhiều cuộc phát triển sau này.

Ông Trương Đình Hòe - người du kích năm xưa kể với phóng viên chuyện thời đánh Mỹ, lúc ông tuổi vừa chớm đôi mươi. Ảnh: ĐĂNG QUÂN
Ông Trương Đình Hòe - người du kích năm xưa kể với phóng viên chuyện thời đánh Mỹ, lúc ông tuổi vừa chớm đôi mươi. Ảnh: ĐĂNG QUÂN

1. Từ đường nhựa rẽ vào đường bê tông, từ đường bê tông vào đường đất, những con đường xuyên qua cánh đồng lúa, rồi qua những hàng keo, cao su đi mãi về phía núi. Ông lão Trương Đình Hòe, người du kích dẫn đường cho Đại đội 2, Tiểu đoàn 70 Quảng Nam đi đánh trận đầu - cũng là trận thắng Mỹ đầu tiên trên chiến trường miền Nam - nay đã bước qua tuổi 70. Căn nhà dựng trên một ngọn đồi, mà sau lưng nó là nơi chứng kiến lễ xuất quân của Đại đội 2 anh hùng.

Lịch sử, qua những ký ức của người trong cuộc, bao giờ cũng vậy, “dư” ác liệt, “dư” những bão táp, “dư” sự anh hùng của đồng đội, đồng chí, nhưng lại “thiếu” hay “giấu” đi chuyện kể về mình. Mắt đã đục, gương mặt đầy vân dấu của tuổi tác, nhưng còn đó sự hăng say khi kể về những chuyện cũ - những ký ức chiến tranh vẫn thường hằng trong tâm trí ông lão. Những ngày kỷ niệm 50 năm Quảng Nam được Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tuyên dương danh hiệu “Quảng Nam Trung dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ” (1967-2017), người ta nhắc nhiều đến Núi Thành cùng câu chuyện của đêm 25 rạng sáng 26.5.1965. Đêm làm nên lịch sử của vùng đất. Cũng là thời khắc mà những cuộc đời trong thời đoạn ấy, ít nhiều gạt đi những mơ hồ về chuyện “đánh Mỹ được hay không”. Trong nhiều bài viết của mình, ông Hoàng Minh Thắng, khi ấy là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chính trị viên Tỉnh đội, cho rằng, sẽ là một trận đánh để trả lời cho câu hỏi “chúng ta có đánh được Mỹ không? và đánh thì có thắng được không?”.

Ngay chính trên nền đất này, Đại đội 2 Tiểu đoàn 70 Quảng Nam đã làm lễ xuất quân trong trận đầu đánh Mỹ. Ảnh: ĐĂNG QUÂN
Ngay chính trên nền đất này, Đại đội 2 Tiểu đoàn 70 Quảng Nam đã làm lễ xuất quân trong trận đầu đánh Mỹ. Ảnh: ĐĂNG QUÂN

Còn ông lão Trương Đình Hòe, du kích xã Kỳ Thạnh năm ấy (nay là xã Tam Thạnh, Núi Thành) thì lại không tỏ tường nhiều câu chuyện quân sự như vậy. Ông kể, năm 1965 đồng chí Nguyễn Duông là Bí thư chi bộ, Chính trị viên xã Kỳ Thạnh kêu mình và 2 đồng chí nữa được giao nhiệm vụ làm sao để mở và đảm bảo có một con đường bí mật từ Kỳ Thạnh đến Kỳ Sanh (nay là xã Tam Mỹ Tây, Núi Thành). Ông Hòe được chọn vì đã tham gia góp sức mình cho cuộc chiến chống Mỹ từ năm 1963, lúc ông mới 17 tuổi, qua hai năm rèn luyện đã xem như đủ độ cứng cáp. Để chuẩn bị cho nhiệm vụ dẫn đường, gần như trong suốt một tuần, ông Hòe cùng hai đồng đội vừa phải quan sát để đảm bảo cho con đường, vừa phải tìm cách để làm sao người đi tìm ra được dấu vết. “Mặc dù cả cái núi Diên Bông này, từ nhỏ đã thuộc làu vì đi chăn bò miết. Nhưng nhiệm vụ này liên quan chuyện sinh tử nên không thể không cẩn thận. Dù thiệt tình là hồi đó tui cũng không được biết mình dẫn đường cho ai, để làm gì” - ông Hòe nói. Mà thiệt như vậy. Sau buổi rạng sáng lúc đưa Đại đội 2 Tiểu đoàn 70 về lại con đường cũ với những chiếc cáng thương loang lổ vệt máu, thì người du kích mới biết rằng đã dẫn đường cho Đại đội 2 tiên phong đánh trận đầu với Mỹ.
2. Buổi trưa loanh quanh nơi núi Diên Bông, đồi C1, rồi cứ vậy, chúng tôi đi lại hành trình của “vành đai diệt Mỹ” từng một thời ác liệt, anh hùng. Kỳ Thạnh ngày ấy, bây giờ tách ra thành nhiều xã, và dĩ nhiên, thay đổi, phát triển. Ông lão Hòe nói, xóm của mình, gần như là xa xôi nhất của Tam Thạnh, là vùng trung du mà ngày xưa đường còn không có để đi. Dân vùng này, từ sau năm 1962 đã là vùng cách mạng. Những thửa ruộng, những cánh rừng, là nơi để người dân dọc núi Diên Bông dung dưỡng người cán bộ tìm về, nuôi lòng yêu nước ngày một dày dặn theo sự ác liệt của cuộc chiến. Những ngày bom pháo dồn dập đổ xuống - nơi Mỹ chọn làm căn cứ trung tâm này, cũng là những ngày mà người ở đây nói, nếu không làm cách mạng thì sao thoát khỏi cảnh chia ly. Và hàng chục du kích như ông Hòe đã chọn việc cầm súng, chọn làm người truyền tin… cho cách mạng.

Người đàn ông mà bây giờ vẫn còn vài mảnh đạn ghim trong người, vẫn giọng kể hào hứng về những ngày vùng này là nơi đi đầu đánh Mỹ. Đã có 3 chiếc máy bay Mỹ bị bắn rơi, hàng chục tên địch bị tiêu diệt… Một sự nghiệp lịch sử, mà có đến hàng nghìn người như ông Hòe, dù biết phải đánh đổi sinh mệnh mình, nhưng vẫn hào hứng vượt lên.

Núi Thành bây giờ, là trung tâm phát triển công nghiệp nhanh và mạnh nhất của Quảng Nam. Khu kinh tế mở Chu Lai cũng khởi đầu hình thành từ vùng đất cũ - vùng đất “dư” những anh hùng lẫn thương tổn, giờ được đánh giá là khu kinh tế thành công lớn của Việt Nam, đóng góp hơn 60% tổng thu ngân sách Quảng Nam. Kinh tế của địa phương đi đầu đánh Mỹ, chuyển dịch rõ rệt theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ông Ngô Đức An - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành nói thêm, các Khu công nghiệp Bắc Chu Lai, Khu công nghiệp và hậu cần cảng Tam Hiệp, Khu công nghiệp Tam Anh, Khu phi thuế quan cảng Kỳ Hà cũng là động lực phát triển; những dự án du lịch lớn tạo điều kiện thuận lợi để khai thác tốt hơn tiềm năng du lịch biển của địa phương.

Còn ở phía tây, những ngôi nhà ven sườn đồi cũ, nay cũng đã tường vôi, mái ngói. Vườn sau là đồi keo hay cây trái, vườn trước là giàn mướp, giàn bí hoa vàng leo phủ một khoảnh sân. Nhìn vào, và cảm nhận ở đó có sự sung túc. Không hẳn giàu có, nhưng là đời sống no đủ. Người “Dũng sĩ diệt Mỹ” Trương Đình Hòe hồi ấy, còn có một ký ức chiến tranh - thứ ký ức bây giờ đã thành hiện tại sâu đậm. Đó ký ức về người y tá năm xưa trong căn lều dựng chóng vánh ở “vành đai diệt Mỹ”, từng lau cho ông những vết máu rỉ ra khắp người, từng bồn chồn lo lắng về một vết thương khoét sâu trên thân ông. Và người y tá đó, hiện tại là vợ ông, người bà của nhiều đứa cháu. Ông bà kể, hai người gặp nhau trên những ngọn núi thấp nhưng dày đặc bóng cây, nơi đoàn quân đánh Mỹ từ địa phương đến tỉnh trú ẩn, chữa trị. Và họ đã yêu nhau khi giữ cho nhau sự sinh tử. Đôi mắt lá răm của bà nay đã hao gầy theo tháng năm thinh lặng, nhưng vẫn óng ánh trong đó, niềm hạnh phúc đủ đầy của buổi hòa bình.

Chúng tôi ra về trong niềm cảm phục với vùng đất anh hùng, những con người anh hùng. Lịch sử ghi nhận chuyện trận mạc từ những chiến công. Chúng tôi thâu vào lòng mình những hạnh phúc, say mê nhen nhóm trong bom đạn…

Những đóa hoa bé nhỏ ven đồi, đã nở trên chiến hào xưa.

Ghi chép của LÊ QUÂN - ALĂNG NGƯỚC

Kỳ 2:  Giữa làn đạn bom...
Một người chiến sĩ tuổi 17 ôm pháo lao vào nơi được xem là trang bị tối tân, hiện đại của quân đội Mỹ sau khi đổ bộ vào miền Nam. Trận đánh đầu với người trong cuộc, bao giờ, cũng đầy những xúc cảm.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trở lại vùng đất lửa - Kỳ 1: Hoa nở ở… chiến hào
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO