Những năm qua, Hội Nông dân huyện Nông Sơn đã đồng hành với hội viên trong việc xây dựng các mô hình hỗ trợ giống cây, con, tạo điều kiện cho hội viên áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập.
Mô hình cây tiêu giống được hỗ trợ của ông Nguyễn Sắc, xã Quế Trung. Ảnh: P.PHƯƠNG |
Đồng hành với hội viên
Những năm qua, Hội Nông dân huyện Nông Sơn đã đồng hành với hội viên và bà con nông dân thông qua các mô hình hỗ trợ sinh kế giúp nhiều nông hộ có điều kiện cải thiện đời sống. Cụ thể, hội triển khai các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất về giống cây trồng, con vật nuôi, chủ động vận động nhiều nguồn lực xã hội hóa để mua giống cây trồng như bưởi trụ, tiêu Tiên Phước và heo Ê Đê để trao tặng cho nông dân có đất đai, có phương án sản xuất để làm ăn, cải thiện kinh tế và đời sống. Từ chương trình “Trao sinh kế cho dân”, đến nay, trên địa bàn huyện Nông Sơn có 5 mô hình hỗ trợ cây tiêu giống với 600 choái tiêu đang phát triển ổn định ở một số hộ dân có đất vườn đồi. Hội cũng hỗ trợ 5 mô hình nuôi gà ta thả vườn với 1.000 con giống. Năm 2017, hội tiếp tục hỗ trợ 5 vườn tiêu cho 5 hộ với quy mô 100 choái tiêu/hộ, hỗ trợ 4 mô hình trồng trụ lông cho 4 hộ dân (50 cây trụ/hộ). Năm 2018, hội tiếp tục hỗ trợ 4 mô hình trồng cây bưởi trụ cho 4 hộ dân trên địa bàn (50 gốc/mô hình), dự kiến tháng 12 này sẽ xuống giống.
Theo khảo sát, năm 2018, trong số 33 hộ nghèo được hội hỗ trợ sinh kế đã có 27 hộ thoát nghèo. Ngoài quỹ hỗ trợ cây giống, hội còn hỗ trợ qua kênh tín chấp cho nông dân vay vốn giảm nghèo từ nguồn vốn của Ngân hàng CSXH huyện” - ông Trần Nhượt - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nông Sơn cho biết. Theo ông Nhượt, tìm hiểu thông tin trên sách báo, ông cùng một số cán bộ Hội Nông dân huyện đề xuất với huyện rồi vận động kinh phí hỗ trợ, lặn lội đến tận vùng núi có con heo Ê Đê để tìm hiểu đặc tính, khả năng sinh trưởng và phát triển của vật nuôi, mua giống hỗ trợ nông dân. Ba hộ nuôi heo Ê Đê thành công đã hỗ trợ lại cho hội mỗi hộ 3 con heo giống để tiếp tục trao cho các hộ khác. Hiện, tổng đàn heo Ê Đê nhân ra toàn huyện được 20 con. “Chúng tôi cũng đang xây dựng đề tài “Ứng dụng công nghệ xây dựng mô hình nuôi heo Ê Đê hàng hóa thả dưới tán rừng trên địa bàn Nông Sơn”, trình UBND huyện Nông Sơn, Sở KH&CN lập hội đồng xét duyệt đề tài, cấp vốn thực hiện. Khi có vốn, chúng tôi tiếp tục mua heo giống, tiếp tục chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi đến người dân toàn huyện. Mục tiêu là đưa con heo đen Ê Đê trở thành thương hiệu của vùng đất Nông Sơn, giúp nông dân làm giàu từ đối tượng vật nuôi này” - ông Nhượt nói.
Mô hình sinh kế hiệu quả
Đến nay, từ nguồn hỗ trợ của Hội Nông dân huyện Nông Sơn, nhiều hộ nông dân đã có thêm nguồn sinh kế để phát triển kinh tế gia đình, ổn định đời sống. Hai năm nay, ông Nguyễn Sắc đã được Hội Nông dân huyện và Hội Nông dân xã Quế Trung hỗ trợ trồng 100 choái tiêu giống Tiên Phước trên 0,5ha vườn đồi còn lại. Ông Sắc và gia đình đã bón phân vi sinh và chăm sóc, tưới nước hợp lý nên cây tiêu phát triển tốt, tỷ lệ cây sống đạt khá cao. “Mảnh vườn này tôi trồng đủ các loại cây, mỗi thứ vài chục cây. Cây tiêu chỉ là cây để dành. Nếu cây sống tốt thì gia đình tôi có thêm một nguồn phụ thu để cải thiện kinh tế. Quan trọng là có được sự quan tâm của Hội Nông dân huyện và xã, chúng tôi rất vui mừng” - ông Sắc chia sẻ. Được biết, bản thân ông Sắc từng là hộ nghèo của xã Quế Trung, bằng nỗ lực trồng cây ăn quả, chăn nuôi, gia đình ông vươn lên thoát nghèo và có thu nhập tốt.
Phạm Đình Tư ở thôn Ninh Khánh 1, xã Quế Ninh, được Hội Nông dân huyện hỗ trợ giống heo đen Ê Đê để thoát nghèo. Ông Tư chia sẻ: “Sau thời gian nuôi, bầy heo giống đã sinh sản cả chục con, tôi đã trao lại hội 3 con giống để hội tiếp tục hỗ trợ cho số hộ khác. Tổng đàn heo đen hiện nay còn 6 con, tôi tiếp tục nuôi và nhân đàn. Nhìn chung, đây là giống heo phù hợp với đặc tính thả rông, ít bệnh, ăn tạp... cho hiệu quả kinh tế cao. Cũng vì do đặc tính thả rông nên người dân cần phải nuôi cách ly đàn heo, phải rào chắn lưới B40 để tránh ảnh hưởng lên kinh tế người khác trong thôn xóm. Ngoài nuôi heo đen, ông Tư còn nuôi trong chuồng mấy chục con heo siêu nạc, hàng trăm gà vịt lấy thịt, đào 2 ao nuôi cá nước ngọt, cho thu nhập mỗi năm 200 triệu đồng.
TR.NHAN - P.PHƯƠNG