Trở lực phát triển đô thị vùng đông Thăng Bình

QUỐC TUẤN 23/12/2021 06:18

Sở hữu bờ biển rất dài cùng không gian rộng lớn, thuận lợi cho việc phát triển đô thị nhưng vùng đông huyện Thăng Bình hai năm qua hầu như “dậm chân tại chỗ” bởi chậm quy hoạch và hầu hết dự án đều triển khai ì ạch.

Đường Võ Chí Công đoạn qua vùng đông huyện Thăng Bình. Ảnh: Q.T
Đường Võ Chí Công đoạn qua vùng đông huyện Thăng Bình. Ảnh: Q.T

Triển khai ì ạch

Đô thị Bình Minh là một điểm nhấn lớn trong chiến lược phát triển vùng đông Thăng Bình. Vừa qua huyện đã lập, trình UBND tỉnh, Sở Xây dựng thẩm định quy hoạch chung đô thị Bình Minh giai đoạn đến năm 2030 và năm 2045 nhưng chưa được phê duyệt.

Theo kế hoạch thì năm 2020 Bình Minh phải đạt chuẩn đô thị loại V nhưng không đạt, sau đó mục tiêu này được đề ra trong năm 2021, nhưng đến nay cũng không xong.

Ông Phan Công Vỹ - Bí thư Huyện ủy Thăng Bình cho biết, vệt ven biển 25km của huyện trước đây dự án vào đầu tư rất nhiều nhưng hiện tại hầu như vẫn như “tờ giấy trắng”.

“Khi các quy hoạch chưa được phê duyệt thì rất khó quản lý trong khi nhiều dự án được cấp phép triển khai nhưng không thực hiện khiến địa phương rất chật vật trong việc giữ hiện trạng. Có dự án cứ vài năm lại xin điều chỉnh quy hoạch chi tiết nhưng không chịu triển khai” - ông Vỹ nói.

Trong tháng 12.2021, UBND tỉnh đã chấm dứt hoạt động hai dự án rất lớn ở khu vực ven biển Thăng Bình. Theo đó, ban hành các quyết định thu hồi, hủy bỏ quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 khu nghỉ dưỡng phức hợp quốc tế An Thịnh - PPC (tại xã Bình Minh) và dự án khu phức hợp dịch vụ nghỉ dưỡng Bình Dương (tại xã Bình Dương).

Thông tin từ UBND huyện Thăng Bình, gần 200ha thuộc dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An thuộc địa phận huyện Thăng Bình cũng đang triển khai rất ì ạch. Dự án thành phố giáo dục quốc tế dù đã có mặt bằng nhưng chưa thi công.

Việc quy hoạch khu công nghiệp công nghệ cao cũng chưa triển khai. Ngoài ra, trong dự án sắp xếp dân cư vùng ven biển Quảng Nam có những dự án đã hình thành cách đây hơn chục năm như dự án tái định cư ven biển Bình Dương (229ha), tái định cư ven sông Bình Dương (278ha), nhưng chậm điều chỉnh cho phù hợp.

Cần tầm nhìn dài hạn

Ông Bùi Anh Tuấn - Trưởng phòng Quy hoạch (Sở Xây dựng) cho rằng, vùng đông của Thăng Bình nằm trong địa phận của 2 đơn vị quản lý quy hoạch. Từ quốc lộ 14E trở về phía Nam thuộc địa bàn Khu kinh tế mở Chu Lai còn quốc lộ 14E mới đến giáp huyện Duy Xuyên nằm trong hồ sơ quy hoạch chung khu chức năng do tỉnh lập.

Dù đón nhiều dự án đầu tư lớn nhưng đến nay tại Thăng Bình mới chỉ có Vinpearl Nam Hội An đi vào hoạt động. Ảnh: Q.T
Dù đón nhiều dự án đầu tư lớn nhưng đến nay tại Thăng Bình mới chỉ có Vinpearl Nam Hội An đi vào hoạt động. Ảnh: Q.T

Toàn bộ khu ven sông, ven biển biến động từng ngày. Nếu định hình quy hoạch vùng huyện không tạo ra “biên” để cho những quy hoạch theo sau thì sau này sẽ trở thành trở lực cho việc thu hút đầu tư và thẩm định hồ sơ quy hoạch chung vùng đông Duy Xuyên - Thăng Bình.

Theo đại diện Sở Kế hoạch và đầu tư, thời gian đến Thăng Bình nên chọn các khu vực lớn, vài trăm héc ta trở lên để quy hoạch hạ tầng đầy đủ thì mới có đô thị trong tương lai đủ lớn, phù hợp với xu thế bởi nếu quy hoạch nhiều khu đô thị dưới 10ha hoặc vài chục héc ta sẽ rất manh mún, khó khớp nối hạ tầng.

Để khắc phục tình trạng này, ông Võ Văn Hùng - Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho hay, trong giai đoạn tới khi dịch bệnh ổn định và các quy hoạch được phê duyệt, huyện sẽ xúc tiến kêu gọi các nhà đầu tư có tiềm lực, triển khai những dự án có tính khả thi cao.

“Một số dự án trên địa bàn vừa bị thu hồi, đơn cử như dự án khu phức hợp dịch vụ nghỉ dưỡng Bình Dương (183ha) đã được tỉnh thống nhất sẽ không giải phóng mặt bằng 18ha khu vực có dân cư dày đặc. Ngoài ra, điều kiện kêu gọi đầu tư sắp tới là chủ đầu tư phải có trách nhiệm chỉnh trang bài bản đường sá, hệ thống thoát nước… thay vì chỉ làm qua loa như trước đây” - ông Hùng nói.

Thăng Bình cần quản lý chặt chẽ quy hoạch và chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa

Chiều 21.12, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh do Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Văn Dũng chủ trì có buổi giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác quy hoạch từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành tại huyện Thăng Bình.

Báo cáo tại buổi làm việc, lãnh đạo huyện Thăng Bình cho biết, khó khăn trong quá trình thực hiện quy hoạch hiện nay nằm ở việc nhiều quy hoạch có thời gian chờ kéo dài dẫn đến các số liệu đầu vào thường không còn giá trị khi có kết quả.

Bên cạnh đó, đồ án quy hoạch chi tiết có tính chất thương mại thì không được sử dụng kinh phí từ ngân sách, trong khi không có tính chất pháp lý cho việc tài trợ quy hoạch dẫn đến khó khăn trong việc lập các dự án có tính chất thương mại và kêu gọi đầu tư.

Huyện Thăng Bình mong muốn tỉnh sớm phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng huyện Thăng Bình giai đoạn đến năm 2030 và Quy hoạch chung Bình Minh giai đoạn đến năm 2030 và năm 2045.

Đồng chí Lê Văn Dũng ghi nhận các kiến nghị của lãnh đạo huyện Thăng Bình, đồng thời cho rằng, thủ tục về lập quy hoạch hiện còn quá rườm rà; mối quan hệ giữa Luật Quy hoạch với một số luật khác còn chồng chéo, khó thực hiện; nguồn lực thực hiện quy hoạch công tư đều gặp khó, cần cơ chế rõ ràng nên đoàn giám sát sẽ nghiên cứu đề xuất với các bộ, ngành trung ương cho hợp lý.

Đồng chí Lê Văn Dũng lưu ý huyện Thăng Bình phải chặt chẽ trong việc quản lý quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ ven biển cho việc phát triển đô thị giai đoạn tới.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trở lực phát triển đô thị vùng đông Thăng Bình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO