Trở mình lên phố

TRẦN HỮU PHÚC 27/04/2015 10:06

Vùng đông Tam Kỳ có lẽ đã vơi bớt nỗi buồn ngoại ô bởi không khí phố xá đã bắt đầu nhộn nhịp. Những công trình, dự án mọc lên trên nổng cát hoang sơ ngày nào đã kéo phố về gần hơn với biển.

Ngày xa xưa ấy, thoắt đã hơn 20 năm khi rời quê lên thành phố trọ học phổ thông, chúng tôi  được thầy cô, bạn bè gán cho cái tên thật lạ: “học trò vùng đông”. Mỗi lần đến trường, nhìn bánh xe dính đầy đất đỏ, nhiều người biết ngay đó là những “học sinh vùng đông” (gồm các xã Tam Phú, Tam Thanh, Tam Thăng của TP.Tam Kỳ) bởi đường sá lên phố lúc nào cũng nắng bụi mưa lầy. Tam Kỳ thời đó cũng chỉ là phố chợ đìu hiu.

Phố trong nẻo làng

Sau 10 năm “khoác áo” lên thành phố, với tầm nhìn hướng biển, mở đô thị về phía đông, những nổng cát hoang sơ đã được khai phá, mở đường kéo phố về gần với biển hơn. Hàng loạt cây cầu được xây dựng bắc qua sông Tam Kỳ, Bàn Thạch; khu phố mới An Hà - Quảng Phú hình thành; những dãy nhà nhếch nhác tạm bợ ngập úng ở các xã Tam Phú, Tam Thăng, Tam Thanh được sắp xếp xây dựng đẹp đẽ, văn minh hơn. Dọc trên đường Thanh Hóa, Lê Thánh Tông, đường ĐT616 và quanh các cây cầu, điện đường sáng rực cả đêm. Biển Hạ Thanh vào mùa hè tấp nập người đến. Bây giờ người ở quê ra đường cảm giác chạm chân đến phố ngay, không còn cảnh sợ sệt đi lại vào ban đêm nữa.

Rất nhiều người đến tham quan Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng.Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Rất nhiều người đến tham quan Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng.Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Con đường Lê Thánh Tông thênh thang như đại lộ, ai đã đi qua, dù có bận rộn cũng phải dừng lại dăm phút chiêm ngưỡng sự đồ sộ của công trình văn hóa mang tầm vóc quốc gia Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng tọa lạc trên núi Cấm, xã Tam Phú. Kề đó hơn 1km là “thành lũy” điệp trùng rừng cây cổ thụ giữa lòng phố, mà người dân địa phương quen gọi “Rừng cây Bác Hồ” - nơi mà thời chiến tranh Đảng bộ huyện Tam Kỳ cũ và các xã vùng đông thường xuyên tổ chức sinh hoạt Đảng, hiệu triệu các tầng lớp thanh niên phát động phong trào thi đua yêu nước. Từ đây, chạy thẳng ra cầu Nguyễn Văn Trỗi vài cây số vượt Bãi sậy Sông Đầm gặp ngay địa đạo Kỳ Anh (xã Tam Thăng), một trong 3 địa đạo được công nhận di tích lịch sử quốc gia của cả nước. Không biết do tình cờ hay cố ý đã tạo nên sự sắp đặt những công trình văn hóa, di tích lịch sử cách mạng cận kề nhau trên nổng cát vùng đông. Sau ngày công trình Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng khánh thành, nhiều du khách ở các tỉnh thành trong nước, kể cả khách quốc tế tò mò ghé thăm. Dịp lễ Ngày giải phóng quê hương Quảng Nam 24.3, có hàng chục nghìn lượt người đến tham quan. Dòng người đổ về đây tăng đột biến, đến nỗi ngành văn hóa cũng phải thốt lên: có lẽ đây là công trình thu hút nhiều người đến tham quan tiêu biểu nhất năm 2015! Có công trình văn hóa quốc gia giữa lòng dân cư, người ở quê dần dà thay đổi nếp sống, nếp nghĩ tích cực hơn và đang  mở các  điểm ăn uống, giải khát phục vụ cho du khách tham quan, cải thiện thêm thu nhập. Đêm đến, ánh đèn từ khu công trình tượng đài sáng rực, thu hút dòng người đổ về hóng mát, tập thể dục khiến nơi đây chẳng khác gì một công viên vui chơi giải trí lớn. Thầy giáo Nguyễn Thành Phát – Hiệu trưởng Trường THCS Lý Thường Kiệt (đóng ở xã Tam Phú) tự hào bảo rằng, khi quần thể Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng nằm cách trường không xa, cảm giác như học sinh hứng thú hơn với các môn lịch sử, địa lý. Các em rất hưởng ứng phong trào trồng cây, kiến nghị những buổi học ngoại khóa, tham quan trong khuôn viên tượng đài, rừng cây Bác Hồ hay địa đạo Kỳ Anh...  “Một vùng đất nhỏ hẹp lại hình thành chuỗi các công trình văn hóa lịch sử cách mạng đồ sộ thì không còn gì tuyệt vời hơn trong giáo dục truyền thống yêu nước đối với thế hệ học trò” - thầy Phát nói.

Các hoạt động hướng về biển đảo của thanh niên Tam Kỳ.
Các hoạt động hướng về biển đảo của thanh niên Tam Kỳ.

“Thua thiệt” của đất và người vùng đông phần nào được bù đắp bằng các công trình dân sinh, dự án phát triển công nghiệp. Hai cây cầu Kỳ Phú 1 và 2 đã đưa vào sử dụng, cầu Điện Biên Phủ nằm trong hạng mục đường “trục xoay” chính của TP.Tam Kỳ bắc qua sông Bàn Thạch sắp khởi công; hạ tầng Khu công nghiệp Tam Thăng đã, đang xây dựng, dự kiến thu hút 10 nghìn lao động vào làm việc cho các nhà máy, xí nghiệp sẽ “tiếp bước” cuộc hành trình phát triển đô thị về nông thôn vùng đông rõ nét hơn.

Đánh thức du lịch

Mở đô thị về vùng đông, Tam Kỳ đã khai thác, tận dụng triệt để lợi thế của biển, sông, hồ và đồi núi. Ý tưởng xây dựng một thành phố với không gian xanh nương theo cảnh quan tự nhiên dần trở thành hiện thực. Thiên nhiên kiến tạo cho Tam Kỳ bờ biển kéo dài, có cát vàng và nước trong xanh, cùng với đó là dòng Trường Giang hiền hòa, chạy song song với biển. Tuy chưa được thừa hưởng lớp trầm tích văn hóa như tháp Mỹ Sơn, phố cổ Hội An, nhưng Tam Kỳ vẫn hội tụ nhiều yếu tố để có thể khai phóng tiềm năng du lịch. Tại sao không phát triển du lịch qua vùng quê cách mạng, về các điểm di tích văn hóa? Tại sao biển Hạ Thanh vẫn còn quá hoang sơ? Người vùng đông có thể làm du lịch được không? Đây là những câu hỏi được chính quyền thành phố lưu tâm và từng bước tính toán lộ trình xây dựng tour du lịch gồm các điểm di tích Văn thánh Khổng miếu, địa đạo Kỳ Anh, Bảo tàng tỉnh, Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng, biển Tam Thanh, hồ Phú Ninh. Giai đoạn 2017 - 2018, sẽ kết nối để hình thành các điểm du lịch của Tam Kỳ với 2 Di sản văn hóa thế giới là Hội An và Mỹ Sơn cùng các điểm hấp dẫn khác thuộc huyện Điện Bàn, Tiên Phước... Ngoài ra, tính toán liên kết với TP.Đà Nẵng, Huế, Nha Trang…

Cầu Kỳ Phú 1 và 2 đưa vào sử dụng được xem như “xương sống” tạo cú hích phát triển vùng đông Tam Kỳ.Ảnh: HỮU PHÚC
Cầu Kỳ Phú 1 và 2 đưa vào sử dụng được xem như “xương sống” tạo cú hích phát triển vùng đông Tam Kỳ.Ảnh: HỮU PHÚC

Lợi thế của vùng đông là quy hoạch không gian rộng gần 6.000ha. Ở biển Tam Thanh, doanh nghiệp đang xúc tiến đầu tư hạ tầng cơ sở; nhiều nhà đầu tư đặt vấn đề phục hồi Bãi Sậy để phát triển du lịch sinh thái ở Sông Đầm (xã Tam Thăng). Ông Văn Anh Tuấn - Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ khẳng định, vùng đông tương lai sẽ là “đất sống” cho du lịch, nhưng phải làm theo cách riêng chứ không thể bắt chước như các địa phương khác. Chính quyền đang hợp tác với một trường đại học ở Mỹ để học hỏi kinh nghiệm về cách thức làm du lịch, sau sẽ mời các nhà đầu tư về. Cốt lõi của đồ án Quy hoạch chung TP.Tam Kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là phát triển thành phố theo hướng “thủ phủ xanh”, mở rộng đầu tư hạ tầng nhưng phải giữ bản sắc văn hóa làng quê hiện hữu, đô thị hóa dịch chuyển về nông thôn. Phát triển du lịch đồng thời kết hợp bảo vệ môi trường sinh thái; khai thác tối đa các công trình văn hóa, di tích lịch sử cách mạng theo hướng nhân văn và bền vững…

Theo ông Văn Anh Tuấn, vùng đông Tam Kỳ có nhiều thế mạnh để bảo tồn, phát huy các giá trị tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nhân văn, đa dạng các sản phẩm du lịch bản địa. Do vậy, việc liên kết vùng, hợp tác giữa các địa phương trong tỉnh để phát triển du lịch, dịch vụ là xu thế tất yếu… Vừa qua, UBND tỉnh tổ chức khảo sát các sản phẩm du lịch và bàn giải pháp phát triển du lịch TP.Tam Kỳ giai đoạn 2015 - 2020, với nguồn vốn xây dựng môi trường du lịch, đầu tư hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực ước 900 tỷ đồng. Đây là tiền đề để du lịch vùng đông đột phá.

Những ngày tháng 4 lịch sử này, dòng người đổ về viếng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh, tham quan Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng, rồi thong dong xuống Tam Thanh ngắm biển xanh với nắng vàng. Trên nổng cát vùng đông, đã bắt đầu cuộc trở mình mạnh mẽ!

TRẦN HỮU PHÚC

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trở mình lên phố
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO