Trợ sức hộ nghèo

DIỄM LỆ 22/10/2018 03:26

Hội LHPN huyện Núi Thành đã bền bỉ giúp hội viên thoát nghèo bền vững.

Với sự vào cuộc của Hội LHPN huyện và quyết tâm của bản thân, chị Nguyễn Thị Liên đã thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Ảnh: D.L
Với sự vào cuộc của Hội LHPN huyện và quyết tâm của bản thân, chị Nguyễn Thị Liên đã thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Ảnh: D.L

Vươn lên từ cùng cực cái nghèo

Bây giờ đến thăm chị Nguyễn Thị Liên (khối 3, thị trấn Núi Thành, huyện Núi Thành), những người từng quen biết không ai dám nghĩ chị đã có được căn nhà vững chãi cùng công việc buôn bán nhỏ. Cách đây 10 năm, khi chồng mất đi vì bệnh tật, chị Liên phải làm đủ việc, lúc đi rửa ly tách cho quán cà phê, lúc đi nhặt phế liệu bán kiếm miếng cơm cho con. Căn nhà chị ở lúc ấy là một cái chòi trên miếng đất nhỏ nằm trong con hẻm mà lối đi chỉ vừa cho một người qua. Những ngày lễ tết chị Liên phải làm gấp đôi, gấp ba ngày thường để có thêm chút đỉnh cho con ăn bữa cơm tươm tất hơn. Chị Liên không dám mơ đến cái ngày con được một bữa no, chứ đừng nói chi đến thoát nghèo. Hoàn cảnh của chị đã được Chi hội Phụ nữ thị trấn Núi Thành quan tâm khảo sát và chọn đưa vào danh sách hộ nghèo được hỗ trợ theo mô hình “Hộ gắn hộ” từ năm 2015. Vì chị Liên không có nghề nghiệp, lại không có vốn liếng, cũng không có mặt bằng buôn bán, nên Hội LHPN huyện Núi Thành phải tính toán sinh kế sao cho phù hợp nhất với chị. Sau khi tìm hiểu mọi lẽ, bà Võ Thị Kim Hoa - Chủ tịch Hội LHPN huyện Núi Thành lấy danh nghĩa của hội và bản thân cam kết với gia đình bên chồng của chị Liên rằng nếu họ cho miếng đất nằm ở mặt tiền phía trước căn nhà chị Liên đang ở thì chị sẽ lo làm ăn để nuôi con chứ không mua bán mảnh đất này. Năm lần bảy lượt kiên trì vận động, cuối cùng mẹ chồng chị Liên cũng đồng ý cho miếng đất, mở hướng sinh kế cho con dâu.

Sau khi có đất, với sự giúp sức của chị em phụ nữ, bà con láng giềng khối phố 3 và chính quyền thị trấn, chị Liên dựng được căn nhà khoảng 80 triệu đồng. Có mặt bằng, dựa vào nguyện vọng của chị Liên, Chi hội Phụ nữ thị trấn Núi Thành hỗ trợ xe nước mía, tủ bán cà phê, bàn ghế. Rồi bà Võ Thị Kim Hoa lại cùng với Chi hội Phụ nữ thị trấn vận động người dân trong khối phố, vận động hội đoàn thể, chính quyền thị trấn ủng hộ bằng cách đến uống cà phê, nước mía ủng hộ chị Liên. Chị Liên tâm sự: “Tôi mừng đến rơi nước mắt, tôi đã quyết tâm làm ăn, không dám phụ lòng của rất nhiều người đã giúp tôi. Đến nay cuộc sống tạm ổn, con trai lớn đi bộ đội về đã có việc làm, con gái đang học đại học năm thứ hai. Đầu năm 2017 tôi đăng ký thoát nghèo bền vững và cuối năm đã thoát nghèo. Nếu không có sự giúp đỡ từ năm này qua năm khác của chị em trong hội phụ nữ các cấp, chắc tôi không có được ngày hôm nay, các con tôi cũng không thể nên người”.

Chủ tịch Hội LHPN huyện Núi Thành - Võ Thị Kim Hoa (giữa) thăm, động viên hộ phụ nữ nghèo vươn lên trong cuộc sống. Ảnh: D.L
Chủ tịch Hội LHPN huyện Núi Thành - Võ Thị Kim Hoa (giữa) thăm, động viên hộ phụ nữ nghèo vươn lên trong cuộc sống. Ảnh: D.L

“Hộ gắn hộ” phát huy tính cộng đồng

Mô hình “Hộ gắn hộ” được các cấp hội phụ nữ huyện Núi Thành triển khai từ năm 2013 là tâm huyết của Chủ tịch Hội LHPN huyện - Võ Thị Kim Hoa. Là cán bộ đi lên từ cơ sở, trưởng thành từ các phong trào hội đoàn thể, bà Kim Hoa luôn tâm niệm phải làm một cái gì đó thiết thực giúp đỡ phụ nữ nghèo là chủ hộ. “Phụ nữ đơn thân là những người nghèo có quá nhiều khó khăn trong cuộc sống. Một mình họ bươn chải sẽ khó thoát được cái nghèo. Phần vì họ chưa biết cách làm ăn, hoặc giả họ có nghĩ ra cách làm gì đó thì cũng không có điều kiện để thực hiện. Thế nên rất cần sự vào cuộc của cộng đồng, theo cách những hộ có điều kiện giúp hộ nghèo khó hơn. Giúp ở đây không chỉ là tiền bạc hay vật chất, mà có thể là giúp công, giúp tiêu thụ sản phẩm do hộ nghèo làm ra..., hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện của mỗi người dân trong khu dân cư mà hộ nghèo sinh sống” - bà Hoa tâm sự.

Mô hình “Hộ gắn hộ” được Hội LHPN huyện Núi Thành triển khai điểm năm 2013 tại thôn Phú Khê Tây (xã Tam Xuân 2). Nhận thấy mô hình này phát huy hiệu quả và có tính bền vững nhờ cộng đồng, hội đã triển khai nhân rộng tại 17 xã, thị trấn trên địa bàn. Những hộ nghèo tham gia mô hình được chọn lựa khá kỹ từ các chi hội cơ sở, trong đó trước hết phải có quyết tâm thoát nghèo bền vững. Nếu phụ nữ có trong tay nghề nghiệp thì được hỗ trợ phương tiện sản xuất tương ứng; phụ nữ không có nghề nhưng còn trẻ sẽ được hỗ trợ sinh kế để bán buôn nhỏ lẻ; phụ nữ không có nghề lại lớn tuổi thì được Hội LHPN huyện giới thiệu, cam kết với một số gia đình nhận họ đến giữ trẻ hoặc giúp việc nhà... Đến nay, mô hình “Hộ gắn hộ” của Hội LHPN huyện Núi Thành đã giúp 72 hộ nghèo có phụ nữ là chủ hộ hoặc lao động chính, trong đó có 38 hộ đã thoát nghèo bền vững.

DIỄM LỆ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trợ sức hộ nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO