Sa điện vào cho anh ngập ngừng: “Chừng nào anh về? Chẳng lẽ không còn điều gì cho anh nhớ luyến tiếc nữa sao?”. Rồi anh không còn nghe được tiếng điện thoại đầu kia nữa. Chỉ còn vọng lại những tiếng tút dài vô nghĩa.
Câu hỏi của Sa làm anh chợt nhận ra, những ngày qua anh đã vô tình sống trong những băn khoăn không dứt. Anh chưa quên, chưa từng quên điều gì cả. Tiếng gió va mạnh vào khung cửa sổ nghe như tiếng những mảnh vỡ. Cơn mưa cuối chiều ầm ập đổ xuống. Mưa ở thành phố này thường đến bất chợt. Anh ngồi nhìn những hạt mưa rơi vỡ ra thành muôn ngàn hạt nhỏ theo gió lơ lửng bay, sao mà thấm đẫm buồn đến thế.
Hai năm qua, anh ngập trong công việc đến tối mắt, mải miết đi làm, mải miết tăng ca, hốt hoảng lo bị đuổi việc, cắt lương. Anh và Du từng có lần đứng lặng im trước những lời trách mắng có nhiều phần cay nghiệt của sếp. Du thở dài bảo ừ thôi đành chấp nhận, họ trả lương cho mình. Cuộc sống vốn dĩ chẳng dễ dàng. Bao mối lo toan cuộc đời vướng níu trên vai. Bao nhiêu năm Du bon chen ở thành phố này, đắng cay trải đủ, tự bào mòn dần những thú vui giản đơn mà từng tưởng cần phải giữ lại cho mình, lâu cũng thành quen. Ngẫm lại được và mất cũng nhiều... Đêm nằm không sao dỗ dành được giấc ngủ, anh nghĩ về những lời Du nói. Tiếng thạch sùng búng vào đêm những thanh âm lạnh lẽo, lòng buồn sâu thẳm. Anh nhớ những ngày đầu mới tới đây, thường bị lạc đường hàng giờ liền giữa những ngã tư, ngã năm nhiều người xe chạy rối bời. Và những buổi chiều tan ca muộn, lầm lũi đi về giữa ánh đèn đường nhòe nhoẹt, mở căn phòng xa lạ chỉ còn thấy nỗi mệt nhoài cả tâm trí và thể xác. Anh đã nghĩ cô đơn ở thành phố có phải là cô đơn sợ hãi nhất?
Anh nhìn lại con đường mình đã đi, bao hy vọng, hồ hởi tốt đẹp của những ngày đầu đặt chân đến đây đã hoàn toàn biến mất. Có lúc càng đi càng thấy lún sâu dần, càng thấy con đường phía trước mơ hồ không có gì rõ ràng, sáng tỏ. Nhưng không nên thở than lâu về những điều như thế. Ai chẳng có nỗi khổ sở của riêng mình. Và dẫu có thế nào anh vẫn muốn tạo dựng cuộc sống ở đây, trong cái nhịp đập ồn ã này. Dẫu có mỏi mệt, dẫu có đua chen, dẫu có bám bụi dầu mỡ lem nhem, nhưng cuộc sống ở đây đã dạy cho anh nhiều điều và cơ hội.
Mẹ gọi điện vào lần nào cũng hỏi: “Công việc có cực lắm không con?”. Anh bình thản trả lời: “Cũng ổn mẹ ạ”. Đời mẹ vất vả nhiều rồi. Khuôn mặt mẹ in hằn những nếp nhăn tuổi tác và sự khó nhọc trong cuộc sống thường ngày. Anh không muốn mẹ phải vướng lòng thêm nhiều điều về anh nữa. Nhưng còn Sa, anh không biết có nên kể cho Sa tất cả những chuyện này không? Cuộc sống của Sa hẳn vẫn bình yên với những sớm mai đến lớp cùng những đứa trẻ, và cần mẫn vun trồng những khóm hoa thơm ngát trong vườn nhà. Sa giống mẹ anh, hiền lành và sống rất tận tâm. Đã hơn một lần Sa nói cùng anh, Sa chỉ cần sống yên an thôi là đủ…
Mẹ bất giác buông tiếng thở dài bảo phong thanh có người làng bên muốn đưa trầu cau đến hỏi Sa. Mẹ trách: “Có một lời thương mà bao năm nói cũng không lên lời...”. Anh nghe xong thấy cổ mình mắc nghẹn. Nỗi buồn đã nuốt hết mất lời của thằng con trai hai mươi bảy tuổi. Hết những chờ mong. Và nỗi buồn dồn nén lại xếp đá trong lòng anh nặng trĩu. Anh nhắm mắt mường tượng lại những hoài niệm. Những hình dung thật thân quen rõ nét, đánh thức tận cùng bao nỗi nhớ mong. Tuổi hai mươi anh biết thương thầm mối tình đầu. Nhưng đứng trước Sa anh mãi là đứa trẻ vụng về, khờ khạo. Anh đã im lặng. Rất lâu. Hôm anh nói với Sa: “Ngày mai anh đi”. Sa ngồi gần, thật gần, mái tóc dài mềm mại thơm mùi hương nhu vỏ bưởi trong vườn. Thứ hương thơm dìu dịu ấy đã vấn vít anh suốt bao năm tuổi trẻ. Anh tha thiết muốn hỏi: “Sa đợi anh được không?”. Nhưng Sa đã không tỏ ra buồn bã, hay giận dỗi gì. Lời Sa nhẹ tênh: “Vâng, em biết”. Điều muốn nói anh ghim chặt giữ lại ở trong lòng. Ngày xe xuôi dốc, anh thấy nước mắt mình chảy dài thành vệt, bám trên lớp kính mờ mờ đầy bụi đường đỏ. Sa không tới, nhen nhóm trong anh một nỗi thất vọng mơ hồ...
Anh đi rồi, Sa ở lại cần mẫn vun trồng những khóm hoa nhỏ trong vườn. Sa biết mình chẳng thể rời đi đâu được nữa. Sa sống cùng mẹ trong ngôi nhà neo giữ quá nhiều những mảng màu xanh rêu ký ức. Sa cũng yêu những ánh mắt xoe tròn, ngây thơ ngơ ngác của lũ trẻ. Chỉ nghĩ đến việc một ngày nào đó phải rời xa nơi này, Sa đã thấy lòng chật chội những chênh vênh, mất mát. Nhưng nơi này không phải là giấc mơ của anh...
Sa biết trút hết nỗi lòng với ai bây giờ dẫu chỉ là một câu nói. Sa thương anh từ ngày mẹ anh còn ghé qua nhà Sa lấy trầu cau bán vào những buổi chợ phiên. Mẹ anh bảo khách khen cau trầu nhà Sa thơm ngon lắm. Rồi mẹ anh cười đùa hay sau này Sa về làm con dâu của mẹ. Nhưng đó chỉ là câu chuyện những năm về trước. Giờ đâu còn mấy người ăn trầu cau nữa. Mẹ anh cũng đã chuyển sang bán hàng tạp hóa lâu rồi...
Hôm anh nói chuyện anh đi, cả hai ngồi bên bờ sông đầy hoa dại và những chùm lục bình tím trôi theo dòng nhức nhối. Sa không dám nhìn anh. Sa thấy mắt mình như có khói. Sa thiết tha muốn hỏi: “Vì Sa anh ở lại có được không?”. Nhưng ý nghĩ ấy vừa nhen nhóm trong lòng, Sa lại sợ biết đâu với anh Sa nào quan trọng vậy. Lời trở nên mắc cỡ. Và sau cùng ý nghĩ ấy đã trôi lạc mất trong một giọng hò buồn xao xác trên sông. Cả hai cứ thế ngồi lặng im, cho đến khi mặt sông đỏ thẫm. Tình đầu tha thiết. Nhưng có những thứ không phải muốn giữ là giữ được. Giống như những tia nắng xen giữa những ngón tay, ấm áp đấy nhưng nắm bắt là không thể.
Sa ngồi hàng giờ nhìn theo những áng mây màu bạc lặng lẽ trôi. Rời rạc. Đơn lẻ. Không biết cuối đường bay mây trôi về đâu hay tan thành những giọt nước. Trời bắt đầu vào thu. Gió từ dòng sông thổi vào lành lạnh đưa theo mùi ngô nếp nướng thơm lừng. Ở bến sông này, Sa đã có những chiều ngồi cùng anh, nghe anh say mê kể giấc mơ về thành phố, về việc muốn chinh phục những đỉnh cao. Anh nói thành phố không buồn như ở xứ mình đâu, nơi ấy là giấc mơ cho những người trẻ. Ánh mắt anh khi ấy thật sáng, tràn trề hy vọng. Sa nghe biết vậy. Ừ. Thì ai cũng có cái đích cần phấn đấu và những ước mơ cần vun vén mỗi ngày. Hãy để cho anh đi theo giấc mộng của riêng mình. Còn Sa ở lại, thầm giữ tình yêu có khi nào đã lạc vào một vũng sương mù. Nghĩ đến đó, không kìm được, Sa bật khóc. Ngày anh đi không nói một lời hứa hẹn. Sa biết nương tựa vào điều gì để chờ mong?
Chiều đã dần buông. Mây lùa xuống tận chân đồi và văng vẳng tiếng kêu của bầy chim di trú. Sa nhìn thấy rất rõ sự trống trải của lòng mình. Những dải khói màu lam đang bay lên trên vòm ống bếp. Sa lặng lẽ trở về ngồi xuống bên mẹ chuẩn bị bữa cơm chiều. Mẹ hỏi Sa lại ra bến sông có phải không. Mẹ áp tay Sa trong những ngón tay xương gầy mẹ bảo: “Thanh xuân con gái như màu xanh của lá. Xanh non mơn mởn rồi nhanh chóng tàn phai. Nhưng nếu không thương người ta thì đừng nhận trầu cau, tự gượng ép mình. Đừng để sau này con phải nuối tiếc”. Trên gương mặt đầy những nếp nhăn, mẹ nhìn Sa hiền hậu tựa hồ như một nét cười bao dung.
Từ trước đến nay mẹ chẳng bao giờ cấm cản anh điều gì. Ngày anh nói muốn vào thành phố xa xôi, mẹ lặng lẽ xếp đồ cho anh vào chiếc ba lô bạc nắng. Hai năm anh đi chỉ có những cuộc điện thoại về. Ngày ấy, anh đã nuôi ý định một ngày không xa sẽ đón mẹ vào đây. Anh cho rằng ý nghĩ muốn ở quê nhà của mẹ có thể thay đổi được. Nhưng khi mẹ bảo: “Nguyên ơi. Mẹ không bao giờ muốn rời mảnh đất này đi đâu nữa. Và còn Sa nữa. Sa thì sao... Về đây thôi...”. Anh ngồi thừ suy nghĩ. Anh có gì sau những ngày qua. Anh biết mình chẳng có gì cả. Những tháng ngày cuống cuồng trôi đi nơi này làm anh nhận ra mình chỉ là hạt cát nhỏ bé trôi giữa dòng đời mải miết. Anh từng nghĩ cố gắng để thành công? Nhưng thành công là gì? Hay chỉ là rượt đuổi hoài theo những điều viễn vông...
Thu rồi, anh nhớ nhà với những sớm mai khi hơi sương lành lạnh còn vương trên mặt đất, bầy chim sẻ đã ríu rít gọi nhau về đậu trên mái nhà phủ màu rêu xanh cũ kỹ. Chúng rỉa những hạt thóc sót lại từ những bó rơm nếp khô mẹ quăng lên để chờ bện chổi. Nhớ tiếng củi bạch đàn nổ lép bép giòn thơm trong chái bếp của mẹ. Nhớ những chiều yên ả ngồi cùng Sa bên bờ sông. Nhớ suối tóc dài mềm mại thơm hương nhu hương bưởi trong vườn... Và anh biết giờ mình chỉ cần những bình yên giản đơn như thế...