Từ Đồng Nai xuôi xuống Bà Rịa Vũng Tàu, ngược lên Trà Võ, đến tận cùng biên giới Tân Biên, vẫn còn hàng vạn liệt sĩ ở lại trong những nghĩa trang mênh mông. Nhưng, nơi các anh nằm chưa bao giờ hoang lạnh.
|
![]() |
Một góc nghĩa trang Tân Biên (tỉnh Tây Ninh), nơi có gần 14.000 mộ liệt sĩ. Ảnh: THÀNH CÔNG |
Chúng tôi không khỏi choáng ngợp trước những nghĩa trang mênh mông ở Gò Dầu, Châu Thành, Tân Biên, nơi có hơn 2 vạn ngôi mộ liệt sĩ, những người con anh hùng ở khắp mọi miền Tổ quốc.
Vẫn là anh em, là đồng đội Trong chuyến đi, chúng tôi nghe kể câu chuyện vào cuối năm 2016, khi Ban liên lạc Trung đoàn 96 quy tập đưa 34 hài cốt liệt sĩ từ các nghĩa trang ở miền Nam trở về quê hương Quảng Nam. Hôm đó trúng đợt mưa lụt, đường về Nghĩa trang liệt sĩ huyện Duy Xuyên chìm trong biển nước. Cựu chiến binh Phạm Văn Tiến, người đi cùng đoàn từ Quảng Nam, lặn lội xin ca nô đưa hài cốt liệt sĩ vượt lũ. Đêm ấy, ông Tiến cùng đồng đội lội lụt đến nghĩa trang mang cơm cho gia đình thân nhân liệt sĩ, ngồi lại cùng đồng đội suốt đêm ròng chờ nước rút… Và trong chuyến đi lần này, chúng tôi gặp ông. Trên chuyến xe đưa hài cốt 16 liệt sĩ quê Quảng Nam nằm tại nghĩa trang Bình Dương trở về với đất mẹ, ông Tiến là người kết nối, lo liệu hồ sơ, thủ tục, giúp người thân cất bốc từng hài cốt. “Chúng tôi từng đồng hành trong những ngày bắt đầu cuộc chiến, nay lại đi chung trên một chuyến xe để trở về. Vẫn là anh em, là đồng đội, tôi chỉ may mắn hơn khi vẫn còn sống, vẫn nguyên vẹn trở về” - ông Tiến xúc động nói. |
“Ở riết, nghĩa trang cũng như… nhà” - anh Lê Trọng Thương, quản trang ở Nghĩa trang liệt sĩ Châu Thành - Tây Ninh (tỉnh Tây Ninh) nói và chỉ vào ao cá nhỏ, các con anh đang chơi đùa trong khuôn viên, như một điều xác tín. Những ngày hè, cả nhà anh ở lại hẳn nơi này, phần để tiện dọn dẹp khuôn viên nghĩa trang, phần để kịp đón tiếp những đoàn thân nhân từ phương xa đến thăm viếng, làm thủ tục di dời hài cốt liệt sĩ. Nghĩa trang có 4.862 ngôi mộ có hài cốt, việc coi sóc, nhang khói cho các liệt sĩ ở nơi này cũng đã ngốn hết thời gian của cả hai vợ chồng, dù chỉ có mình anh được… trả lương. Những lần bốc mộ, không ai khác, chính anh là người tận tay dỡ mộ, lấy hài cốt cho gia đình thân nhân, bất kể nắng mưa, ngày nghỉ. Anh chỉ nhận một ít tiền công để dành sửa sang lại những phần mộ đã bốc đi, và thêm nhang khói cho những liệt sĩ còn ở lại.
Nhang khói linh thiêng
Anh Trần Mạnh Hào, quản trang ở Nghĩa trang liệt sĩ Tân Biên (huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh) đưa chúng tôi đi qua từng hàng mộ. Đây là nghĩa trang lớn nhất tỉnh Tây Ninh, với gần 14.000 mộ liệt sĩ qua các cuộc kháng chiến. Rộng hơn 20ha, Nghĩa trang liệt sĩ Tân Biên chia thành nhiều khu nằm dọc theo đồi 82, bóng cây rợp mát từng khu mộ. Hơn mười năm, anh Hào gắn bó với nghĩa trang này, thuộc từng khu, từng dãy, chỉ mất chừng vài phút là tra được ngay vị trí của mộ liệt sĩ dựa vào họ tên, quê quán hay đơn vị. Hôm chúng tôi đến, anh Hào có mặt từ rất sớm, dẫn ra tận nơi mộ liệt sĩ Võ Ngọc Lắm, liên lạc nhờ người bốc mộ, rồi lặng lẽ đi thắp nhang cho dãy dài mộ liệt sĩ ở cùng khu. Mười bốn năm qua, anh đã ở lại nghĩa trang, chăm lo cho những phần mộ liệt sĩ với vô vàn công việc có tên và không tên, tận tình đón tiếp hàng nghìn thân nhân, đồng đội thăm viếng nơi này…
![]() |
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Hạnh (bên trái) và quản trang Lê Trọng Thương cất bốc hài cốt liệt sĩ ở Nghĩa trang liệt sĩ Châu Thành, Tây Ninh. Ảnh: THÀNH CÔNG |
Cơn mưa chiều dội ào ạt xuống nền đá Nghĩa trang liệt sĩ Trà Võ (huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh). Phía đền tưởng niệm, vẫn thấy nghi ngút khói bay lên, ánh lửa đỏ xuyên qua màn mưa đục. Nhang khói linh thiêng. Quản trang Hồ Văn Còn kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện di dời hài cốt của liệt sĩ Nguyễn Đức Thuần, quê ở Quảng Bình hai năm về trước, như một kỷ niệm sâu đậm của riêng mình. Nhiều năm trước, gia đình liệt sĩ Nguyễn Đức Thuần từng bí mật đào mộ để lấy hài cốt liệt sĩ về quê an táng. Ban ngày, họ dùng một viên gạch để đánh dấu vị trí, nhưng khi đêm đến, vô tình viên gạch ấy bị ai đó xê dịch. Thân nhân liệt sĩ đã lấy nhầm hài cốt một liệt sĩ khác về quê an táng và thờ cúng. Sau thì Ban quản trang cũng biết chuyện, nhưng thời ấy, không biết cách nào liên lạc. Cho đến khi với linh tính của một người mẹ, mẹ liệt sĩ Nguyễn Đức Thuần nhất quyết bắt người thân vào lại Nghĩa trang liệt sĩ Trà Võ để kiểm tra. Đúng như bà dự cảm, hài cốt liệt sĩ Thuần vẫn nằm đó. Lúc này thân nhân liệt sĩ mới làm thủ tục xin di dời. Vừa lúc này, thông tin từ Quảng Bình nhắn vào: mẹ liệt sĩ Thuần ở quê đang hấp hối. Gia đình liệt sĩ được phép di dời hài cốt, đi bằng máy bay về quê. Bà mẹ liệt sĩ, cuối cùng đã thực hiện được tâm nguyện của đời mình trước khi nhắm mắt. Quản trang Hồ Văn Còn, đêm ấy, lặng lẽ ra nơi phần mộ liệt sĩ Nguyễn Đức Thuần để thắp nhang, nguyện cầu cho anh linh của liệt sĩ và bà cụ yên nghỉ nơi quê nhà…
Đừng đo đếm nghĩa tình
“Tôi quá may mắn khi được trở về lành lặn từ chiến trường K. Chính máu xương đồng đội đã đổ xuống, cho chúng tôi được trở về. Mỗi lần đi, là một lần gặp lại anh em, chỉ mong sao đưa được anh em trở về với gia đình sau bao năm dài xa cách”. Cựu chiến binh Nguyễn Văn Hạnh |
Tuổi thanh xuân đã gửi lại bên kia biên giới, những người lính trở về, vẫn đau đáu một niềm mong khi xác thân đồng đội còn đâu đó trong những nơi xa cách vạn dặm với quê nhà. Chúng tôi đã có dịp gặp họ, những cựu binh vẫn miệt mài cùng các chuyến đi tìm kiếm hài cốt đồng đội. Ông Nguyễn Văn Hạnh (trú phường 14, quận Gò Vấp, TP.Hồ Chí Minh) là cựu binh Sư đoàn 307, đã tham gia hàng chục chuyến đi khắp tỉnh thành từ Tây Nguyên, Tây Nam Bộ sang Campuchia. Nghe tin Ban liên lạc Trung đoàn 96 Sư đoàn 309 tổ chức quy tập hài cốt liệt sĩ đưa về quê, ông Hạnh đón đoàn, trở thành người dẫn đường lên các nghĩa trang Tây Ninh, nơi xa nhất trong chuyến đi lần này. Tân Biên, Châu Thành, Trà Võ…, những địa chỉ ông đã quá quen, nhưng mỗi lần trở lại, vẫn một cảm xúc vẹn nguyên trong lòng người cựu binh già. “Tôi quá may mắn khi được trở về lành lặn từ chiến trường K. Chính máu xương đồng đội đã đổ xuống, cho chúng tôi được trở về. Mỗi lần đi là một lần gặp lại anh em, chỉ mong sao đưa được anh em trở về với gia đình sau bao năm dài xa cách” - ông Hạnh nói với chúng tôi. Từng là người lính, ông hiểu sự ác liệt của cuộc chiến, về lằn ranh sinh tử mong manh không ít lần đối diện, và cả nỗi đau mà những người lính như ông đã trải, ở Campuchia. Ông đi cùng người thân liệt sĩ, viết thay từng tờ thủ tục, rồi lại tận tay đón nhận hài cốt, đóng từng chiếc quách cẩn thận mang lên xe để đưa về. Không một công việc nào thiếu bàn tay ông, suốt hành trình chúng tôi cùng đi. Đêm ngồi ở cửa khẩu Xa Mát, chờ đến sáng để bốc mộ liệt sĩ, ông tâm sự với chúng tôi, rằng đừng đo đếm nghĩa tình. Bởi, chẳng điều gì có thể so sánh hay cắt nghĩa cho việc làm của ông, của những cựu binh cùng thời vẫn ngược xuôi theo những lần tìm kiếm, quy tập hài cốt đồng đội, như một nghĩa cử thiêng liêng mà trái tim luôn thôi thúc trong lồng ngực của mình…
Ông Hạnh ngồi trầm ngâm sau những chiếc quách được xếp ngay ngắn trên xe, mắt nhìn xa xăm vào đâu đó bên ngoài cửa kính. Người cựu binh già ấy, đã đứng lặng rất lâu trong nghĩa trang Tân Biên, trước hàng mộ của những người đồng đội. Chúng tôi nhìn thấy ông lau nước mắt, rất nhanh, trước khi quay lại đưa hài cốt liệt sĩ Võ Ngọc Lắm rời nghĩa trang. Có lẽ, trong khoảnh khắc ấy, người lính già đã kịp thầm thì một lời hẹn, với đồng đội chưa thể trở về, với những chuyến đi khác. Vẫn nhớ lời ông nói ở cửa khẩu Xa Mát đêm ấy: Đừng đo đếm nghĩa tình…
______
Kỳ 4: Cuộc hạnh ngộ đặc biệt
Phóng sự của THÀNH CÔNG - XUÂN THỌ