Trở về đất mẹ - Kỳ cuối: Nước mắt trùng phùng

Phóng sự của THÀNH CÔNG - XUÂN THỌ 14/07/2017 09:41

Tin liên quan

  • KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH - LIỆT SĨ (27.7.1947- 27.7.2017)
  • Trở về đất mẹ - Kỳ 4: Cuộc hạnh ngộ đặc biệt
  • Trở về đất mẹ - Kỳ 3: Nghĩa cử từ trái tim
  • Trở về đất mẹ - Kỳ 2: Trên chuyến xe đêm
  • Trở về đất mẹ - Kỳ 1: Muôn nẻo... hồ sơ

Trải qua hành trình cả nghìn cây số, cuối cùng các liệt sĩ cũng đã về đến đất mẹ Quảng Nam. Khi chiếc xe dừng bánh trước Nghĩa trang liệt sĩ thị xã Điện Bàn, có một người đàn bà dường như không còn đủ sức lực để ùa tới vỡ òa như bao thân nhân liệt sĩ khác. Bà ngất trong nước mắt, vào đúng thời khắc gặp lại chồng, nhưng không phải là hình hài nguyên vẹn như hồi đưa tiễn cách đây 38 năm… Bà là Đặng Thị Rân (xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn), vợ liệt sĩ Đinh Văn Hương. Lẽ ra bà Rân tham gia cùng đoàn quy tập hài cốt liệt sĩ đợt này, nhưng trước hôm lên đường, bà bệnh nặng phải nhập viện, đành ủy thác mọi việc, nhờ Ban liên lạc Trung đoàn 96 Quảng Nam đưa hài cốt chồng về.

Đông đảo thân nhân, đồng đội đưa hài cốt liệt sĩ an táng vào lòng đất mẹ. Ảnh: T.C
Đông đảo thân nhân, đồng đội đưa hài cốt liệt sĩ an táng vào lòng đất mẹ. Ảnh: T.C

Khép lại những mỏi mòn

Sáng hôm sau, chúng tôi gặp lại bà Rân, cũng tại Nghĩa trang liệt sĩ thị xã Điện Bàn, khi chính quyền địa phương cùng Ban liên lạc Trung đoàn 96 Quảng Nam tổ chức lễ đón nhận, truy điệu và cải táng hài cốt liệt sĩ. Đứng bên chiếc quách của chồng, đôi mắt đỏ hoe nhưng nước mắt bà không còn để chảy nhiều như hôm trước, cũng không còn những lời than vãn, chỉ có tiếng lòng nấc nghẹn. Năm 1979, cô gái Đặng Thị Rân và chàng trai Đinh Văn Hương cưới nhau mới tròn nửa tháng thì phải xa cách, khi người chồng đi theo tiếng gọi thiêng liêng, làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia và ngăn cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam mở rộng. Đến tháng 12.1979 chiến sĩ Đinh Văn Hương hy sinh, dang dở lời hứa trở về. “Đó là những tháng năm buồn…” - bà Rân bỏ dở câu nói trong nấc nghẹn, rồi đưa tay phủi tàn nhang rơi trên quách chồng. Ngày liệt sĩ trở về, chỉ có bà là người thân duy nhất đón ông.

Bà Đặng Thị Rân (xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn), vợ liệt sĩ Đinh Văn Hương, xúc động khi đón hài cốt chồng về quê hương.  Ảnh: T.C
Bà Đặng Thị Rân (xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn), vợ liệt sĩ Đinh Văn Hương, xúc động khi đón hài cốt chồng về quê hương. Ảnh: T.C

Bà Rân chỉ mới gượng dậy sau cơn ốm đột ngột vào sáng hôm trước. Ba mươi tám năm qua, bà thủy chung với tình yêu duy nhất. Là ông. Với bà, một ngày hay nửa tháng, đã là vợ chồng thì mãi mãi như vậy. Bà vẫn ở gần bên, và mỗi ngày đều qua lại chăm sóc cha chồng đang ở tuổi hơn 90. “À, cô có xin một đứa con nuôi” - bà bảo. Cô con gái nuôi ấy bây giờ đã 38 tuổi, bằng đúng số năm chồng bà lên đường đi làm nhiệm vụ và hy sinh. Khi nhận giấy báo tử của chồng, bà Rân bàn với cha chồng xin đứa con nuôi cho khuây khỏa nỗi niềm. “Ba mươi tám năm qua, đây là lần đâu tiên cô gặp lại chú?” - chúng tôi hỏi. Bà Rân khẽ gật đầu: “Nhưng là ở quê. Chứ trước đó cô có mấy lần vào thăm chú rồi, ở Nghĩa trang liệt sĩ TP.Hồ Chí Minh”. Từ trong những cuộc hạnh ngộ đầy nước mắt ấy, đến buổi trùng phùng cũng đầy nước mắt như hôm nay, những nhịp yêu thương với chồng vẫn đập, trong trái tim bà.

“Đất này, với tôi, luôn là nơi để trở về. Không phải lần đầu tiên, nhưng cứ mỗi dịp như thế này, vẫn cảm thấy thật vui, thật thanh thản như vừa hoàn thành một phần tâm nguyện mà tôi và đồng đội đã theo đuổi suốt thời gian qua. Mừng cho các anh em, khi từ nay về sau đã được yên nghỉ nơi quê hương mình”.(Cựu chiến binh Dương Trường)

Và hẳn là, trong mớ cảm xúc hỗn độn lăn dài theo nước mắt hôm nay, đã đong đầy những niềm hạnh phúc. Đoàn viên sau gần 40 năm xa cách, chẳng có ai đủ cứng rắn mà kìm lòng trước phút giây đặc biệt. Không chỉ bà Rân, đó cũng là cảm xúc chung của thân nhân các liệt sĩ vừa được đưa về. Với gia đình ông Trần Phúc (xã Điện Trung, thị xã Điện Bàn), ngày liệt sĩ Trần Văn Vỹ trở về, như khép lại chuỗi tháng năm mòn mỏi đợi chờ. Bao năm ngược xuôi tìm kiếm thông tin về em trai mình, nhưng cuộc đi cứ nối dài trong vô vọng. Những ngày nghe tin Ban liên lạc Trung đoàn 96 Quảng Nam đã tìm được và sẽ đưa hài cốt em trai về, với gia đình ông, là những ngày không ngủ. Tâm trạng thổn thức ấy theo ông suốt cả chuyến đi, cho đến tận ngày về. Vẫn là nước mắt, nhưng những giọt nước mắt đã rũ bỏ bao mỏi mòn mà gia đình nặng mang hàng chục năm dài…

Đi, để trở về…

Từ ngày 27.6 đến 2.7.2017, Ban liên lạc Trung đoàn 96 Quảng Nam phối hợp với Chi hội 5 Nghĩa tình đồng đội tại TP.Hồ Chí Minh tổ chức quy tập, đưa 64 hài cốt liệt sĩ quê Quảng Nam ở các nghĩa trang liệt sĩ Trà Võ (huyện Gò Dầu), Châu Thành - Tây Ninh, Tân Biên của tỉnh Tây Ninh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu, TP.Hồ Chí Minh trở về đất Quảng sau gần 40 năm xa cách. Trong đó, thị xã Điện Bàn có 18 liệt sĩ, Đại Lộc 17 liệt sĩ, Duy Xuyên 12 liệt sĩ, Hiệp Đức 8 liệt sĩ, Thăng Bình 5 liệt sĩ và huyện Tiên Phước 4 liệt sĩ.

Nghĩa trang hôm ấy đầy nắng. Nắng tháng 7 thắm như dòng máu của người lính đã hy sinh, và cả những người đang hiện diện. Suốt hành trình dài 5 ngày 4 đêm theo chân những người cựu chiến binh lặn lội vào chiến trường Tây Nam để mang hài cốt đồng đội trở về, chúng tôi luôn thấy nỗi đau đáu trên khuôn mặt họ. Có lẽ, tự thẳm sâu trong tâm trí họ, bất kỳ sự chậm trễ nào trong việc đưa hài cốt liệt sĩ về cũng đều có lỗi với hương hồn và gia đình đồng đội của mình. Tưởng rằng sự tàn khốc đến trần trụi nơi chiến trường gần 40 năm trước đã làm cô đặc nước mắt người cựu chiến binh. Nhưng không, chúng tôi đã bắt gặp khóe mắt ướt đẫm đỏ hoe của ông Võ Văn Dũng, cựu chiến binh của Trung đoàn 96 Sư đoàn 309. Ông Dũng đứng đấy, lặng lẽ dõi theo người thân đến bên cạnh chiếc quách chứa hài cốt đồng đội mình mà ông vừa góp sức đưa về. Hẳn là ông đang vui mừng khi thỏa ước nguyện của biết bao gia đình.

Nhưng cái cảm giác vui mừng ấy, nào đâu chỉ riêng ông Dũng, bởi nó còn đang chảy khắp huyết quản của những người trong Ban liên lạc Trung đoàn 96 Quảng Nam. Khi những chiếc quách cuối cùng được cải táng, Đại tá Nguyễn Quang Ngọc vẫn chưa nguôi niềm xúc động nhìn đồng đội nằm xuống đất mẹ yên bình. “Sau cuộc chiến, gần 30 năm trước, chúng tôi trở về trong vòng tay yêu thương của người thân, gia đình. Vậy mà hôm nay, có những người phải đến gần 40 năm mới trở lại nơi mình ra đi. Nhưng cuộc trở về này, biết sao cho nói hết những nỗi niềm, khi đồng đội chỉ còn chút hình hài trong tấm quách” - Đại tá Nguyễn Quang Ngọc ngậm ngùi nói.

Chúng tôi gặp lại cựu chiến binh Dương Trường tại Đại Lộc. Ông Trường, với nhiều thành viên Chi hội 5 cùng trở về Quảng Nam như một hành trình trọn vẹn đưa đồng đội về với quê hương. Không còn lo lắng chộn rộn như khoảnh khắc chờ đón các liệt sĩ ở chùa Tuệ Châu, trong ánh mắt còn vương niềm xúc động của họ, đã thấy lấp lánh nụ cười. Nghĩa đồng đội, tình đồng hương, và hơn hết, là tấm lòng hướng về những người mẹ, người vợ, người anh em của liệt sĩ đã khắc khoải đợi chờ gần 40 năm sau cuộc chiến. Lời giã biệt xứ Quảng, có lẽ, đã vẹn tròn trong hạnh phúc giản đơn của những đồng đội. “Đất này, với tôi, luôn là nơi để trở về. Không phải lần đầu tiên, nhưng cứ mỗi dịp như thế này, vẫn cảm thấy thật vui, thật thanh thản như vừa hoàn thành một phần tâm nguyện mà tôi và đồng đội đã theo đuổi suốt thời gian qua. Mừng cho các anh em, khi từ nay về sau đã được yên nghỉ nơi quê hương mình”. Cựu chiến binh Dương Trường nói trong nụ cười, vẫy tay chào tạm biệt…

Những giọt nước mắt trên quê hương, chưa bao giờ thoát khỏi dòng cảm xúc hạnh phúc và sướng vui, dù đó có thể là cuộc trùng phùng chưa trọn vẹn. Những người cha người mẹ, những người anh người chị, rồi từ đây sẽ mãi gần bên nhau, như chưa hề có cuộc chia ly của gần 40 năm trước. Còn với những cựu chiến binh, giọt nước mắt trên quê hương sẽ là động lực để họ tiếp tục cuộc hành trình đưa đồng đội trở về, như họ đã miệt mài những năm qua…

Phóng sự của THÀNH CÔNG - XUÂN THỌ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trở về đất mẹ - Kỳ cuối: Nước mắt trùng phùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO