Vốn vay ưu đãi của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đang trợ sức giúp người nông dân sản xuất thuận lợi, phát triển.
Kịp thời gỡ khó
Ông Nguyễn Út - Phó Chủ tịch Hội Nông dân Quảng Nam thông tin, trên lĩnh vực NN&PTNT, hiện nay dư nợ cho vay của Quỹ Hỗ trợ nông dân là 122,211 tỷ đồng với 1.465 hộ vay, Ngân hàng Chính sách xã hội Quảng Nam 1.768 tỷ đồng với 42.594 hộ vay, Agribank Quảng Nam 787,170 tỷ đồng với 8.473 hộ vay, LienVietPostBank Quảng Nam 70 tỷ đồng với 700 người vay vốn.
“Các nguồn vốn đang phát huy hiệu quả, giúp người vay có được thu nhập ổn định trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Vốn tín dụng ưu đãi đã giúp các nông hộ tập hợp thành tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, chuyên canh tạo sản phẩm hàng hóa đáp ứng nhu cầu của thị trường trong, ngoài tỉnh” - ông Út nói.
Tại Phú Ninh, ông Võ Thanh Anh - Chủ tịch Hội Nông dân huyện chia sẻ, triển khai chương trình tín dụng, Hội phối hợp với các ngân hàng để hỗ trợ nông dân trên địa bàn xây dựng các mô hình kinh tế. Hội còn tổ chức đào tạo nghề, tập huấn kỹ thuật, đưa người nông dân đi tham quan thực tế để sản xuất, chăn nuôi hiệu quả.
Ông Nguyễn Đình Khánh - Giám đốc LienVietPostBank Quảng Nam cho biết, nhờ phối hợp chặt chẽ với Hội Nông dân các cấp và có hệ thống giao dịch ngày càng mở rộng nên thuận lợi đưa vốn đến với hộ nông dân có nhu cầu.
Chủ động giúp nông dân tiếp cận vốn, ngân hàng thương mại đã tổ chức các chuỗi hội thảo đến từng thôn xóm; cán bộ ngân hàng chủ động hướng dẫn người dân cách làm hồ sơ, giải ngân để xây dựng mô hình chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh phù hợp. Người dân có thể vay vốn thế chấp bằng tài sản bảo đảm hoặc vay tín chấp nếu gặp khó khăn về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc tài sản bảo đảm.
“Chúng tôi tập trung đưa vốn, tạo động lực cho tam nông. Ngân hàng khẳng định vị thế của mình là một trong những tổ chức tín dụng đi tiên phong và thành công ở lĩnh vực này” - ông Khánh nói.
Vốn vay sinh lợi
Từ chính sách phù hợp và sự nỗ lực của các ngân hàng, nguồn vốn vay khi đến với người nông dân đã phát huy hiệu quả. Ông Nguyễn Hồng Hoa (thôn Bình Trúc, xã Bình Sa, Thăng Bình) chia sẻ, trước đây vì nguồn vốn ít ỏi nên gia đình chỉ canh tác một số loại rau ngắn ngày, lợi nhuận thấp.
Vụ rau tết năm nay, nhờ tiếp cận nguồn vốn vay 50 triệu đồng của Quỹ Hỗ trợ nông dân Quảng Nam, ông mở rộng quy mô sản xuất thêm 2.000m2 trồng các loại rau húng, hẹ, diếp cá, xà lách, dưa leo...
Ông Hoa hy vọng vụ rau quả tết này sẽ mang lại nguồn thu khá, giúp ông có điều kiện tiếp tục tăng quy mô sản xuất, canh tác thêm các loại rau quả mới, ứng dụng công nghệ tưới, tiêu nước hợp lý, đầu tư nhà lưới để chăm sóc, bảo quản tốt hơn, nhất là canh tác rau VietGAP.
Đầu năm 2021, gia đình ông Nguyễn Xuân Tin (thôn Hòa Bình, xã Tam Thái, Phú Ninh) vay 100 triệu đồng của LienVietPostBank Quảng Nam và 100 triệu đồng của Quỹ Hỗ trợ nông dân Quảng Nam để liên kết với một công ty ở thị xã Điện Bàn nuôi 11 con bò 3B theo phương thức doanh nghiệp cung ứng bò giống và thu mua bò khi đạt trọng lượng.
Ông Tin cho biết, sau 10 tháng nuôi, bò đạt 70kg, bán được 63 triệu đồng/con, lãi gần 15 triệu đồng/con. Thấy lợi nhuận khá, ông Tin đã vận động các hộ trên địa bàn thôn thành lập Chi hội nghề nghiệp chăn nuôi bò 3B Hòa Bình.
Dù mới thành lập nhưng 15 hội viên của chi hội đã cùng vay vốn của 2 tổ chức tín dụng nói trên, ký kết hợp đồng với doanh nghiệp, nhận bò giống, trồng cỏ chăn nuôi bò và sắp bán lứa đầu. Ông Tin đang tính toán tăng quy mô chăn nuôi bò 3B để thu lợi lớn hơn.
Ông Phạm Trọng - Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam cho biết, đang chỉ đạo các tổ chức tín dụng chú trọng hơn nữa về truyền thông sản phẩm tín dụng, quy trình nghiệp vụ, huy động vốn, đẩy mạnh vốn vào lĩnh vực NN&PTNT.
Các ngân hàng cần tăng cường cho vay hỗ trợ lãi suất cũng như tháo gỡ khó khăn phát sinh cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ trang trại đầu tư trực tiếp vào NN&PTNT; đa dạng hóa dịch vụ, sản phẩm tín dụng, đóng góp lớn vào thành tựu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; đẩy nhanh cung ứng sản phẩm tiện ích ứng dụng công nghệ mới phù hợp với nhu cầu của người dân, doanh nghiệp tại khu vực nông thôn.