Trôi đi, già đi...

PHAN VĂN MINH 30/10/2016 13:52

Hai vợ chồng ông bạn tôi cùng về hưu một lượt. Sau gần bốn chục năm công cán, luân chuyển nhiều nơi, anh chị cũng có được một căn hộ nho nhỏ ở phố. Thông thường người ta sẽ định cư ở đó để ngày ngày ngắm phố ngắm phường cho đỡ quạnh hiu lúc tuổi xế chiều, anh chị lại đem bán quách rồi làm một cuộc “điền viên quy ẩn” theo kiểu các cụ ngày xưa.

Một ngôi nhà được cải sửa thành từ đường. Ảnh: P.V.M
Một ngôi nhà được cải sửa thành từ đường. Ảnh: P.V.M

Làng… từ đường

Bữa tới nhà chơi, thấy ngôi nhà rường ba gian hai chái của cha mẹ anh để lại mà tôi đã khá quen thuộc thời còn chung lớp chung trường, nay đã được sửa lại theo kiểu… “tân cổ giao duyên”. Khu vườn rộng mênh mông vốn um tùm với nhiều cây dại xen lẫn cây trồng cũng đã được quy hoạch lại ngăn nắp. Cùng chung khuôn viên với nhà anh là ngôi từ đường của chi phái với dáng vẻ tôn nghiêm bề thế. Anh bạn tôi bảo làng anh là… “làng từ đường”, bởi cứ vài ba khu vườn lại có một nhà thờ họ. Riêng tộc của anh đã có một nhà thờ tộc, 2 nhà thờ phái và 2 nhà thờ chi. Sắp tới sẽ còn 4 ngôi nhà cũ nữa cũng có khả năng thành nhà thờ, trong đó chắc chắn sẽ có nhà anh. Đã từ lâu, con cái lập gia đình riêng nếu không đi xa thì cũng xoay xở một lô đất mặt tiền để buôn bán. Những “căn nhà xưa” nằm sâu trong làng chỉ còn lại các cụ ông cụ bà sớm tối hủ hỉ với nhau. Đến lúc các cụ theo về với tổ tiên thì chúng được sửa sang lại làm nơi thờ tự. Trong làng này không chỉ tộc họ anh mà các tộc khác cũng vậy. Tộc Lê, tộc Doãn, tộc Nguyễn Công… đều đã có ít nhất một ngôi từ đường. Ở những nơi này chỉ đến những ngày giỗ chạp, tết nhứt thì con cháu mới tụ họp về dăm ba lần. Còn lại những ngày thường chỉ thấy cửa đóng then cài, vắng tanh. Từ phía sau con ngõ sâu thăm thẳm đi vào nhà, cái đầu tiên ta gặp là tam quan nhà thờ với bốn cây trụ cao sừng sững làm cho nơi “ẩn cư” của vợ chồng anh càng thêm vẻ u trầm.

Thực ra, làng anh bạn tôi không phải thuộc diện “vùng sâu vùng xa” mà chỉ cách thị trấn huyện lỵ một cánh đồng. Vụ mùa vừa thu hoạch xong, từng đàn trâu bò nhởn nhơ gặm cỏ non dọc bờ ruộng nhưng tuyệt không thấy bóng dáng mục đồng. Không còn nghe tiếng reo hò với các trò chơi dân gian như ngày xưa. Chăn dắt gia súc bây giờ là công việc của các thành viên cao tuổi. Dù giàu hay nghèo, hầu hết bọn trẻ đều được ưu tiên cho chuyện học hành và vui chơi. Cho nên trên cánh đồng bao la sau mùa gặt chỉ thấy lác đác bóng dáng các “mục lão” ngồi thu lu một mình… ngắm trời ngắm đất.

Dân số… trôi

Ngoài đồng đã vậy, vào sâu trong làng lại càng vắng vẻ hơn. Hỏi: “Con cháu đâu sao chẳng thấy đứa nào vậy? Trả lời: “Chúng nó kiếm đường đi hết, ở đây lấy chi ăn!”. Anh bạn tôi bảo phần lớn thanh niên trong làng bây giờ đều thế cả. Cách đây chừng vài chục năm thì chỉ đứa nào đỗ đại học, cao đẳng mới có điều kiện lìa quê ra phố, số học hành lỡ dở chỉ có đường “trụ bám” ở làng làm ruộng. Nay thì cả những đứa không bằng cấp chi cũng có xu hướng tha hương lập nghiệp. Ngoại trừ mấy ngày tết, bình thường trong làng chẳng còn mấy thanh niên, chỉ nhiều người già, trẻ em và hạng “sồn sồn”. Khi có người chết, cả đội âm công 24 người tình nguyện đến ghé vai làm phu đòn quá nửa ở độ tuổi U50, U60. Trong vòng 15 năm trở lại đây không mấy ngôi nhà mới được xây do con cái tách hộ, ra riêng mà chủ yếu là nhà cũ được nâng cấp, “lên đời”.

Nếu không có một số hộ từ nơi khác đến nhập cư, mở hàng quán dọc đường lớn thì dân số làng hầu như tăng không đáng kể. Ngôi trường tiểu học đầu làng hàng năm đều giảm số lượng. Ngày nay một cặp vợ chồng với độ tuổi trên dưới 45 đã không còn thấy con cái trong nhà. Ngay như gia đình anh, 80 năm trước, chính tại ngôi nhà này cha mẹ anh đã cưới nhau rồi sinh ra 8 người con mà anh là út. Cho đến nay, nếu tính tất tần tật các thế hệ cháu chắt trong đại gia đình thì dân số đã ngót cả trăm. Thế nhưng hiện sinh sống tại làng này vẫn chỉ nguyên một cặp: anh và vợ. Phần tăng của dân số làng đã “trôi” về các thành phố phương nam.

Dân số già

Thực trạng “dân càng ngày càng… già hơn” là tương lai tất yếu của mọi quốc gia. Theo ước tính, đến năm 2017, tỷ lệ người cao tuổi ở Việt Nam sẽ ở mức  10%. Tuy nhiên, cái sự “già” này lại được… ưu tiên cho khu vực nông thôn. Theo số liệu của Tổng cục thống kê giữa năm 2016, tỷ lệ người cao tuổi ở khu vực này là 72,9%, có nghĩa là cứ 100 cụ thì có tới 73 cụ sống ở làng. Nếu sống lâu là một trong ba điều mơ ước (Phúc - Lộc - Thọ) thì phải chăng người nhà quê đang hạnh phúc hơn dân thành thị? Nhưng người xưa lại bảo “Trẻ cậy cha, già cậy con”, nay những đứa con trai tráng đang dần dần biệt xứ tha phương thì các cụ biết lấy ai mà cậy? Tâm lý người già vốn đã cảm thấy cách biệt với thế hệ trẻ về mặt văn hóa, nay sẽ càng cô đơn hơn trong sự cách biệt về không gian.

Trong xu thế cơ cấu kinh tế đang chuyển dịch theo hướng công nghiệp và dịch vụ, lao động nông nghiệp sẽ ngày càng giảm tỷ trọng. Điều này là một dấu hiệu tích cực nhưng sẽ kéo theo sự phân hóa dân số ngày càng lớn giữa nông thôn và thành thị. Nếu không có những chính sách phát triển kinh tế phi nông nghiệp ngay trên địa bàn nông thôn thì làng quê sẽ ngày càng… già và buồn. Và trách nhiệm bảo tồn các giá trị văn hóa làng - chiếc nôi muôn đời của văn hóa Việt - chắc nay mai sẽ không còn người thừa kế.

PHAN VĂN MINH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trôi đi, già đi...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO