Vì Covid-19, những chuyến đi chơi xa bây giờ xem chừng quá khó. Nhưng nếu muốn, vẫn có cách để bạn thăm thú và khám phá những vùng đất khác nơi mình sống. Thời buổi mọi thứ đều có thể “ship” tận nơi, trừ những chuyến đi, thì hãy tận dụng nó để thưởng thức đặc sản quê xứ.
“Tôi muốn về Trung Phước giữa mùa ngô”
Thanh trà Tiên Phước. Bưởi trụ Đại Bình. Cam vàng thơm lừng từ núi rừng Tây Giang... Những nông sản đặc trưng mỗi vùng đất, thi nhau sáng bừng trên các dòng thời gian facebook. Xin đừng nghĩ đến câu chuyện “giải cứu”, bởi nếu đi theo nếp nghĩ ấy, hẳn bạn đã tự tước mất xúc cảm của mình trước những sắc màu cây trái. Hãy để lòng mình lắng lại mà nghe câu chuyện vùng đất của những nông sản này. Vì tôi thật lòng khóe mắt rưng rưng khi nhìn thấy những trái bưởi trụ Đại Bình có mặt ngay ở phố thị - ở cái nơi mà mình từng ước giá một lần thấy được rau trái quê mình bày biện lên kệ này.
Bà Trần Như Lai - Giám đốc Siêu thị Co.opMart Tam Kỳ, người kết nối để đưa nông sản xứ Quảng lên kệ siêu thị, bảo rằng để người tiêu dùng ở thành phố thưởng thức được những mặt hàng do chính địa phương mình làm nên. Đó là ý hướng để mỗi ngày, siêu thị này càng dày hơn những thức hàng từ khắp vùng xứ Quảng.
Tôi nhớ về những ngày này mùa cũ, Đại Bình như bản tổng phổ màu của những họa sĩ chuyên nghiệp. Sắc vàng, sắc xanh, sắc trắng, nhuộm thêm cho nắng ươm vàng. Tháng ngày trôi trong những nhịp điệu yên ả. Sông Thu vẫn miên miết về phía biển. Đò khoan thai đưa người qua lại bến sông. Gương mặt người lái đò bình thản, đáp bến này bến kia, như chưa từng có những dồn đuổi của mưu sinh. Giữa trưa, nắng lấp lóa mặt sông. Đám trò nhỏ tan học, để lại tiếng tíu tít còn vọng ở bến Trung Phước, khi đò đã cập bãi Đại Bình. Chỉ có vài khoảnh khắc rộn rã vậy thôi, còn lại, dòng sông qua khúc bãi bờ này cứ bình lặng trôi theo những mùa cũ. “Tôi muốn về Trung Phước giữa mùa ngô/Thăm quê ngoại Đại Bình cam đỏ ối” (Tường Linh).
Trung Phước là cái tên làng hay đúng hơn là những ký ức thân thương về một quãng thời gian đã trải của đời người. Tôi có ký ức thân thương về những ngôi chợ cuộc đời. Trung Phước cũng là tên một ngôi chợ nơi đầu nguồn sông Thu, với thức hàng từ miền xuôi miền ngược đổ về. Dẫu chỉ là một ngôi chợ nhỏ bé - một thế giới từng nhỏ bé trong suy nghĩ, nhưng rồi thật rộng lớn trong ánh mắt khi tuổi đời trôi từng vệt dài theo bước thiên di.
Câu chuyện người ở xa
Câu chuyện nghề từ các làng quê, phần nào đó gieo lên trong trí tưởng nhiều người những niềm hy vọng. Bởi còn đó lửa nghề, là còn đó tất cả ký ức văn hóa sẽ được trao truyền, bằng cách này hay cách khác... Không dưng trên tường nhà facebook xuất hiện hình ảnh người dân quê mình đi nhúng bánh tráng đường. Rồi lũ lượt ký ức kéo nhau về. Là một đám trẻ nhỏ rồng rắn đò ngang từ bên này qua bên tê sông, đến lò làm đường giữa trưa nắng trờ nắng trật, chỉ để xin - chứ mô dám nói mua, một tô đường thừa. Hay lũ trẻ cầm theo một bao bánh tráng, để lựa lúc người lớn không để ý mà thảy vào lò. Và bị mắng. Rồi cười khúc khích.
Không dưng tôi nhớ tiếng chuông đồng từ bát đường đen hiện trên dòng thời gian của cô bạn. Ở quê, người ta chọn nồi đồng để nấu đường. Cũng lạ lùng thay. Lại lan man nghĩ đến một làng nghề ngay cung đường Bắc Nam. Làng vang tiếng chuông đồng giữa buổi khuya hôm, khi xe đường dài dừng lại trả khách. Bạn gửi cho tôi dòng tin ngay khi thấy lòng mình ngân rung theo những tiếng chiêng đồng của người làm nghề: “Trong bóng đổ dài của những chiều mùa hè, luôn có những hình dáng được thiên nhiên tái định dạng một cách vô cùng đẹp đẽ. Một thân cây dài tít tắp. Một tán lá với vô vàn lung linh bóng nắng tròn trịa rơi rớt. Một dáng người gầy cao với tà áo bay nhẹ. Một vạt tóc ngược sáng. Một vòng xe đạp lăn qua mặt đường nhựa xám đã được trộn lẫn với hàng ngàn dải màu li ti. Một mái rêu xanh ánh lên sợi vàng của lấm tấm bụi trong không gian kết dính lại…”. Bạn ở Nhật đã 5 năm. Mùa hè này ngay lúc tính toán đến chuyện trở về, lại đụng ngay cơn đại dịch. “Làm tròn phận sự của mình, trong yên lặng thôi… cũng đã là món quà quý lắm cho cuộc đời vốn quá ồn ã này rồi” - bạn nhắn, giữa lúc lòng mình đang trôi theo mấy cơn cớ quê nhà đang hiện hữu giữa phố thị.