Trôi với lục bình

NGUYỄN ĐIỆN NAM 30/09/2018 01:41

Lục bình, lộc bình, phù bình, bèo tây đều là tên của một loài cây ở Nam Mỹ du nhập vào nước ta từ năm 1905.

Hơn 80 năm sau qua miền tây Nam Bộ, một nhà thơ của xứ Quảng cảm tác về khúc ca phiêu dạt của khóm lục bình, tạc lại một hình ảnh khó quên:

“Ta,
lục bình vừa trôi vừa trổ bông
cỡi đầu sóng chở mùa xuân phiêu dạt”
(Đynh Trầm Ca - Phương Nam khúc ca phiêu dạt của khóm lục bình)

Mang thân phận “bèo dạt mây trôi” ấy đi cùng lục bình là bao nhiêu nỗi niềm không nói hết. Người đi xa thấy khóm lục bình mà nhớ cả bóng hình quê hương.

Lục bình có thể lặng lẽ vậy nhưng mới đây lại là căn cớ của câu chuyện khá ồn ào dư luận. Đó là khi tỉnh Tiền Giang phát động chiến dịch tiêu diệt lục bình. Theo ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão Tiền Giang cho biết, tỉnh này có hơn 1.200km kênh rạch bị lục bình bao phủ nên ngân sách chi tiền để diệt, ước hơn 8 tỷ đồng. Nếu lục bình đúng là gây hại đến mức phải diệt thì sao chỉ hai tháng sau, cũng ở Tiền Giang lại chi hơn 1,2 tỷ đồng để trồng lục bình ven sông nhằm phòng chống xói lở? Dư luận đặt ra nhiều nghi vấn, từ cách sử dụng đồng tiền của nhà nước (mà cũng là của dân) cũng như cả cách làm rất ư xà quần vì diệt rồi trồng, trồng rồi diệt. Lục bình chỉ biết trổ bông mà không biết nói, biết giải thích ra sao cho êm tai?

Chuyện trồng hay diệt lục bình không phải lần đầu mới có. Cũng báo chí đưa tin trước đây tỉnh Long An đã đề xuất mua hai cái máy vớt lục bình tới 5,5 tỷ đồng. Còn nhiều tỉnh khác thì vận động đoàn thanh niên vớt lục bình làm nghẽn sông rạch. Xa hơn nữa thì lại có nhiều hợp tác xã phát động trồng lục bình để làm phân xanh; nhiều cơ sở mua lục bình làm đồ mỹ nghệ. Nhiều nhà hàng ở miền Tây Nam Bộ còn dùng lục bình làm rau cho món lẩu mắm rất đặc trưng của vùng đất này. Hóa ra, thân phận lục bình vinh hay nhục, sang hay hèn đều do nơi trôi dạt đến có lợi hay hại, phần nữa do con người tạo ra.

Rời xa phương nam trở lại quê nhà xứ Quảng, về ngồi bên dòng Bàn Thạch - Tam Kỳ, lại nghe câu chuyện lục bình trôi dạt đến. Số là Tam Kỳ vừa thông con đường Điện Biên Phủ khá đẹp, nối bờ tây với bờ đông sông Bàn Thạch qua cây cầu mới. Để có cây cầu nối thông đường ấy phải tạm ngăn sông đóng cọc làm mố. Tuy nhiên dòng Bàn Thạch bị ngưng trệ suốt một thời gian dài, khiến bèo kết thành bè phủ kín. Nay cây cầu đã xong thì cũng nên mau chóng thông dòng cho sông để trả lại khung cảnh thơ mộng yên bình khi nhìn lục bình trôi trên sông như xưa. Ai đã từng ngồi bên sông nhìn những khóm lục bình trôi dạt theo thủy triều lên xuống sẽ thấy Tam Kỳ cũng có một khoảng trời xanh bình yên. Thiển nghĩ không cần tới mấy tỷ đồng để vớt bèo đâu, chỉ cần thanh niên thành phố tình nguyện ra tay là làm được. Vớt đi, còn để ít khóm thì lục bình sẽ lại sinh ra lãng đãng trên sông, góp cho cảnh sắc Tam Kỳ thêm đẹp!  

Trôi theo lục bình hãy nghĩ về những ích lợi cho môi trường.

Trôi theo lục bình cần những cảm xúc dường như có chút lãng mạn vậy.

NGUYỄN ĐIỆN NAM

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trôi với lục bình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO