(Xuân Giáp Ngọ) - Phó giáo sư - tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT, người ra đi từ mảnh đất khô cằn Quế Phong, Quế Sơn, đã dành trọn cuộc đời mình cho sự học. Sự học với bản thân ông hoặc cho xã hội đều chứa khát vọng về nền giáo dục công bằng cho tất cả mọi người.
Đi lên bằng đôi chân trần
Hà Nội những ngày đầu đông se lạnh. Hòa vào dòng người tất bật trên phố, tôi tìm đến nhà tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ trong một con hẻm nhỏ trên đường Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy. Ấn tượng đầu tiên khi gặp ông là chất giọng Quảng vẫn còn nguyên vẹn dù cho ông đã sống ở Hà Nội gần cả đời người. Giọng nói ấy, cộng với sự chân tình nơi ông khiến cho câu chuyện giữa những người đồng hương càng thêm cởi mở. Giọng ông mềm và xúc động khi nhắc nhớ chuyện xưa chốn quê nhà...
Phó giáo sư - tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ giao lưu trực tuyến cùng sinh viên. |
Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo đông con trên vùng đất đầy khắc nghiệt. Những con đường mưa bùn, nắng bụi, lối nhỏ quanh co, bờ ao ruộng lúa ở Quế Phong đã in mòn dấu chân trần của cậu học trò Trần Xuân Nhĩ. Hành trình của ông đến với con chữ là hành trình của tháng ngày đói cơm lạt muối và bỏng rát đôi bàn chân sớm tối đi về thuở trường làng rồi trường huyện. Những năm tiểu học, ông mang mo cau cơm độn bảy tám phần khoai sắn lội bộ chân đất từ Quế Phong xuống Quế Châu học chữ. Từ năm 1946 đến 1949, ông vẫn đi bộ từ Quế Phong vào tận Tam Kỳ trọ học trường Phan Châu Trinh - Cẩm Khê. Ông bảo, đó là những tháng ngày đầy gian khổ, cái đói, cái rét... luôn bày ra trước mắt. Nhưng cũng chính những ngày tháng ấy, được tiếp xúc, được thọ giáo các thầy giáo đầu đời, đã cho ông ít vốn liếng chữ nghĩa và niềm tin để có thể viết tiếp khát vọng của cuộc đời mình.
Sự học tưởng đã dang dở khi đầu năm 1950 Trần Xuân Nhĩ xin vào bộ đội theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Nhưng rồi, thể trạng yếu, đau ốm liên miên, ông đành phải trở về quê nhà làm thầy dạy chữ cho trẻ con trong làng. Không bao lâu sau, Trần Xuân Nhĩ lại quyết tâm đi học. Ngày ấy, cả Liên khu 5 chỉ có một trường cấp 3 Lê Khiết ở Quảng Ngãi. Vậy là ông tiếp tục hành trình tìm chữ bằng những ngày lội bộ từ Quế Phong vào Quảng Ngãi. Ông bảo, cứ ba tháng đi - về một lần, cõng gạo, khoai trên đôi vai gầy, vượt đồi, lội suối. Giấy học xong, đem ngâm vôi tẩy trắng, phơi khô rồi viết lại. Thế mà, ngày ấy, học chữ gì vào đầu chữ ấy, lại càng muốn được học nhiều hơn.
Năm 1954, Trần Xuân Nhĩ tham gia trong đoàn học sinh trường Lê Khiết tập kết ra miền Bắc. Bắt đầu từ đây, cuộc đời ông đã mở ra trang khác, có cơ hội tiếp cận những chân trời tri thức mới. Năm 1955, Trần Xuân Nhĩ nhập học trường Sư phạm Hà Nội, hai năm sau ông tốt nghiệp thủ khoa và được giữ lại trường, rồi được cử sang Liên Xô (cũ) học trường Lô-mô-nô-xốp. Đến năm 1965, ông trở thành một trong 70 tiến sĩ đầu tiên của Việt Nam tốt nghiệp ở ngôi trường danh giá này.
Hết lòng vì giáo dục
Từ năm 1981, tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ đảm đương chức vụ Thứ trưởng Bộ GDĐT, được giao phụ trách việc xây dựng các trường đại học, cao đẳng và dân tộc nội trú. Trên cương vị ấy, ông xúc tiến để nhiều trường đại học và cao đẳng ra đời. Trước đó, Trần Xuân Nhĩ từng có thời gian dài là người duy nhất cùng lúc làm hiệu trưởng của hai trường Cao đẳng Sư phạm Đà Nẵng và Đại học Quy Nhơn. Riêng với Quảng Nam, ông để lại dấu ấn của mình khi góp công thành lập trường Cao đẳng Sư phạm, nay là Đại học Quảng Nam và hàng loạt trường dân tộc nội trú ở các huyện miền núi.
Sự học của người Quảng, theo như cách nói của tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ, luôn đề cao cái mới, trọng nhân cách, học để làm chủ bản thân, để cống hiến trí tuệ cho đời hơn là học để gầy dựng công danh, sự nghiệp. Ông ca ngợi chủ trương mà cách đây hàng thế kỷ, vị chủ soái của Duy tân đất Quảng - cụ Phan Châu Trinh đã đề ra: “Chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh”. Và cho rằng, chủ trương ấy cho mãi tới bây giờ vẫn còn nguyên giá trị của một chiến lược giáo dục nhằm khai phóng những tiềm năng của con người thông qua sự học. |
Trong cuộc chuyện trò cùng tôi, ông dành nhiều thời gian để nói về sự học xứ Quảng. Sự học dù đến khá muộn ở mảnh đất khúc ruột miền Trung khắc nghiệt so với miền Bắc, nhưng lại nhanh chóng định danh với một “Học phong” đất Quảng, với những ông thầy vang tiếng, sánh ngang cùng những ông đồ xứ Nghệ, xứ Bắc. Sự học của người Quảng, theo như cách nói của tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ, luôn đề cao cái mới, trọng nhân cách, học để làm chủ bản thân, để cống hiến trí tuệ cho đời hơn là học để gầy dựng công danh, sự nghiệp. Ông ca ngợi chủ trương mà cách đây hàng thế kỷ, vị chủ soái của Duy tân đất Quảng - cụ Phan Châu Trinh đã đề ra: “Chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh”. Và cho rằng, chủ trương ấy cho mãi tới bây giờ vẫn còn nguyên giá trị của một chiến lược giáo dục nhằm khai phóng những tiềm năng của con người thông qua sự học. Tôi lại hỏi tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ rằng, ông nghĩ gì về sự học của thế hệ con cháu đất Quảng hôm nay? Ông trầm ngâm một lúc rồi thẳng thắn nói: “Quảng Nam cũng không thể nằm ngoài nền giáo dục chung cả nước. Bao giờ bỏ được lối học kiểu “tầm chương trích cú” mà học để trở thành người có chính kiến, hữu ích cho xã hội… thì sự học mới được thăng hoa”.
Đã nghỉ hưu gần hai mươi năm có lẻ, nhưng giờ đây, cuộc đời của Phó giáo sư - tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ vẫn dành cho giáo dục. Ông hăng hái tham gia gánh vác trọng trách ở Trung ương Hội khuyến học Việt Nam, Hiệp hội Các trường cao đẳng - đại học ngoài công lập, Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người… Vẫn những chuyến đi - về các vùng miền đất nước nắm bắt thông tin, góp sức mang đến một nền giáo dục bình đẳng cho mọi người, vẫn lắng nghe và sẵn sàng có ý kiến trên nhiều vấn đề nóng của giáo dục nước nhà mà gần đây là nhiều ý kiến phản biện có giá trị về đổi mới toàn diện nền giáo dục. Và, ông vẫn dành cho quê hương những tình cảm, sự dõi theo trong hành trình tìm kiếm tri thức của học trò xứ Quảng. Ông bảo rằng, bây giờ, tuổi như bọn mình coi như xong rồi, làm được gì cho bọn trẻ thì hãy cố hết sức mà làm.
NGỌC KẾT