Trọn nghĩa biên cương

ALĂNG NGƯỚC 19/05/2020 11:52

Học tập và làm theo gương Bác Hồ, luôn xem đồng bào biên giới như những người thân ruột thịt, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) đã cùng nhau góp sức xây nên một “lũy thép” vững chắc nơi địa đầu Tổ quốc. Suốt nhiều năm gắn bó, tình quân dân cứ ăm ắp vun đầy, như dòng A Vương biêng biếc một màu xanh thẳm non cao.

Gác lại niềm riêng, Đại úy Nguyễn Công Thuần (bên trái) cùng đồng đội miệt mài với nhiệm vụ tuần tra biên giới. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Gác lại niềm riêng, Đại úy Nguyễn Công Thuần (bên trái) cùng đồng đội miệt mài với nhiệm vụ tuần tra biên giới. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Vững “lá chắn” biên thùy

Dịch Covid-19 đã tạm vơi, nhưng chốt gác kiểm soát biên phòng vẫn hiện hữu trên các ngả đường biên giới. Gần 2 tháng nay, kể từ khi nhận nhiệm vụ tăng cường phòng chống dịch tuyến biên giới, Đại úy Nguyễn Công Thuần - Trợ lý Bảo vệ an ninh Quân đội (thuộc Phòng Chính trị BĐBP tỉnh) vẫn miệt mài cùng anh em bám trụ tại chốt kiểm soát giữa rừng. Thời điểm anh Thuần nhận lệnh tăng cường cho tuyến biên giới, người nhà báo tin, ở quê mẹ anh đang đau nặng, phải phẫu thuật. Nhưng, vì nhiệm vụ người lính, anh phải nén cảm xúc lòng mình. Những lúc dừng chân trên trên đường tuần tra, nơi nào “hứng” được sóng điện thoại, anh tranh thủ điện về hỏi thăm, động viên người thân thay mình chăm sóc mẹ, chờ ngày hết dịch.

“Phận làm con, lại công tác xa quê, khi hay tin người thân ốm đau cũng buồn lắm. Nhưng ở thời điểm cả nước đang chung tay chống dịch, mình chưa hoàn thành nhiệm vụ, làm sao có thể bỏ ngang mà về. Dù anh em ai cũng có chuyện riêng của gia đình, nhưng cứ có việc lại xin nghỉ phép, thì nhiệm vụ biết bao giờ cho xong” - Đại úy Nguyễn Công Thuần chia sẻ.

Gác tất cả niềm riêng, những ngày qua, Đại úy Nguyễn Công Thuần vẫn miệt mài cùng đồng đội tham gia tuần tra, kiểm soát tại các đường mòn, lối mở khu vực biên giới Tây Giang. Nơi chốt gác được dựng, nằm cách xa khu dân cư, vì thế, để đảm bảo các điều kiện ăn ở, sinh hoạt, các chiến sĩ phải tranh thủ thời gian nghỉ để mang từng xô nước từ con suối về phục vụ cuộc sống. Nhớ đợt chúng tôi lên chốt kiểm soát, Đại úy Nguyễn Công Thuần cùng vài chiến sĩ cũng vừa trở về sau chuyến tuần tra trong rừng sâu. Mồ hôi chưa kịp ráo, đã thấy các anh lục đục vào bếp nấu cơm, tưới rau, cho đàn gà, vịt ăn… mà không một lời than phiền.

Ở riết thành quen, Đại úy Nguyễn Công Thuần nói, anh em chiến sĩ đều tự tập cho mình thói quen tự phục vụ như một cách học theo gương Bác, để vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong cuộc sống. Không chỉ Đại úy Nguyễn Công Thuần, giữa lúc cao điểm chống dịch, rất nhiều cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh đã gác niềm riêng để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Họ đã cùng nhau dựng nên một “lá chắn” vững chắc nơi tuyến đầu chống dịch, đảm bảo an toàn cho vùng biên cương Tổ quốc.

Ăm ắp nghĩa tình

Tháng 5, biên giới hầm hập từng cơn gió nóng. Nhưng buổi trưa nào, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Nam Giang cũng thay phiên nhau vượt nửa cây số đường rừng để mang cơm đến cho cụ Hiên Nhiếr (ở thôn Đắc Ôốc, xã La Dê, Nam Giang). Cụ Nhiếr là một trong hai mẹ có hoàn cảnh neo đơn tại địa phương được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Nam Giang nhận nuôi dưỡng từ nhiều năm nay. Ngoài mang cơm, các chiến sĩ cũng thường xuyên đến quét dọn vệ sinh nhà cửa, giúp các mẹ sống tốt mỗi ngày.

Trung tá Đỗ Xuân Trinh - Trưởng đồn Biên phòng cửa khẩu Nam Giang cho hay, sau những giờ canh gác, tuần tra biên giới, các chiến sĩ thay phiên nhau nấu nướng, rồi mang cơm đến cho các mẹ. Công việc này diễn ra đều đặn mỗi ngày, trước bữa cơm trưa và chiều, giúp các mẹ có thêm điều kiện trong cuộc sống.

“Cả hai mẹ đều nằm trong diện người có công, già yếu, không nơi nương tựa. Nhiều năm qua, từ nguồn đóng góp của cán bộ, chiến sĩ đơn vị, chúng tôi đã thực hiện phần việc ý nghĩa nhận nuôi và chăm sóc 2 mẹ có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương. Hình ảnh những người lính trẻ, đều đặn mang cơm đến cho các mẹ đã trở nên quen thuộc với đồng bào biên giới” - Trung tá Đỗ Xuân Trinh nói. Năm ngoái, sau thời gian nhà cũ bị hư hỏng nặng, Đồn Biên phòng cửa khẩu Nam Giang phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức di dời và dựng lại căn nhà mới cho cụ Nhiếr ở nơi cao ráo, an toàn.

Thượng tá Hoàng Văn Mẫn - Chính ủy BĐBP tỉnh cho biết, những năm qua, cùng với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, BĐBP luôn đặc biệt quan tâm đến công tác hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào vùng biên trong phát triển kinh tế - xã hội, ổn định cuộc sống. Đó không chỉ là trách nhiệm, mà còn là dấu ấn riêng giữa tình quân dân biên giới được vun đắp suốt hàng chục năm gắn bó. Minh chứng cho điều đó, ngoài các chương trình thiện nguyện được kết nối hàng năm, các chiến sĩ biên phòng còn thực hiện nhiều mô hình có hiệu quả trong phát triển kinh tế, xây dựng nhà tình nghĩa, hỗ trợ các chương trình dạy học, khám chữa bệnh miễn phí… cho đồng bào biên giới.

“Trong số rất nhiều con em đồng bào được BĐBP nhận đỡ đầu, có nhiều em đã hoàn thành chương trình đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ, trở thành người cán bộ, chiến sĩ phục vụ trong lực lượng BĐBP trên địa bàn tỉnh” - Thượng tá Hoàng Văn Mẫn nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trọn nghĩa biên cương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO