Không chỉ trực tiếp tham gia hàng chục trận đánh lập chiến công vang dội trong kháng chiến chống Mỹ, cựu chiến binh Nguyễn Đình Tham (xã Điện Hòa, thị xã Điện Bàn) còn miệt mài rong ruổi khắp nơi trong thời bình để đưa các đồng đội còn nằm lại chiến trường về với gia đình, quê hương.
Nở hoa trong lòng địch
Nói về thời hoa lửa, những kỷ niệm của cựu chiến binh Nguyễn Đình Tham (thường gọi Hai Tham) gắn bó xuyên suốt với các trận đánh rực lửa, để đời trải qua nhiều khoảnh khắc vào sinh ra tử, đến nỗi ông phải cảm thán rằng còn trở về với cuộc sống thường ngày sau chiến tranh đã là một món quà kỳ diệu. Mười bảy tuổi, Hai Tham đã tìm đường đến với cách mạng, hai năm sau thì thoát ly, được tuyển chọn vào đơn vị đặc công H29 tỉnh đóng tại huyện Hiên (Tây Giang ngày nay). Đây thực sự là bước ngoặt lớn trong cuộc đời của Hai Tham, bởi sau thời gian khổ luyện, ông cùng đồng đội để lại nhiều dấu ấn khó phai trong đời binh nghiệp với hàng chục trận đánh lớn nhỏ trên chiến trường Quảng Đà.
Năm 1965, Tiểu đoàn Đặc công 489 chuyên trách căn cứ quân sự liên hợp Đà Nẵng được thành lập với sự tham gia của Hai Tham và nhiều đồng đội khác được chuyển về từ binh chủng đặc công H29. Nhiệm vụ Tiểu đoàn 489 là “thọc sâu đánh hiểm”, giáng những đòn chí mạng vào các cơ quan đầu não của địch ở Đà Nẵng, căn cứ quân sự lớn thứ hai của địch ở miền Nam nên trách nhiệm đặt lên vai Hai Tham cùng đồng đội vô cùng nặng nề. Chiến công đầu tiên mà Tiểu đoàn 489 lập được trên địa bàn Đà Nẵng diễn ra vào ngày 27.10.1965 khi tập kích sân bay Nước Mặn phá hủy 106 máy bay các loại, phá vỡ chiến thuật “trực thăng vận” của Mỹ. Ngay sau trận đầu xuất quân này, Hai Tham được phong danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ. Ngày 17.8.1966, Hai Tham cùng đồng đội lại khiến địch một phen khiếp sợ khi tiến hành tập kích tiêu diệt bãi xe cơ giới số 1 (khu vực đồi Sỏi, thôn Cẩm Bình, xã Hòa Thọ).
Với Hai Tham cùng đồng đội, những trận chiến vào sinh ra tử chẳng còn là chuyện xa lạ, nhưng trận đánh cao điểm 327 Phước Tường với mục đích phá hủy dàn tên lửa của Mỹ thực sự là chuyện không thể nào quên trong cuộc đời của ông. Ngày đó, quân đội Mỹ đem dàn tên lửa đất đối không này vào đặt ở Đà Nẵng để đề phòng quân đội ta đem tiêm kích Mig từ miền Bắc vào đánh phá. Nhận lệnh xóa sổ dàn tên lửa này từ cấp trên, câu hỏi hóc búa đặt ra với 12 chiến sĩ đặc công tinh nhuệ, trong đó có Hai Tham và cả cán bộ lãnh đạo, chỉ huy là: Tầm sát thương của tên lửa khi bị tiêu diệt? Bởi đây là lần đầu tiên ta tập kích phá hủy trận địa tên lửa. Chính vì lẽ đó, Hai Tham và 11 đồng đội trước giờ lên đường đã được cấp trên làm lễ truy điệu sống với 12 mộ huyệt được đào sẵn, bởi chẳng ai tin những chàng “cảm tử quân” ấy sẽ trở về. Hai Tham bồi hồi nhớ lại, lúc đó Tham mưu trưởng Mặt trận 4 Đinh Châu đã tự tay quàng những chiếc khăn đỏ thắm và nhắn nhủ với các chiến sĩ biệt động rằng: “Trên chiến trường miền Nam, chúng ta đã đánh nhiều trận, phá hủy nhiều máy bay, xe tăng, thiết giáp…, nhưng chỉ có tên lửa của địch là chưa bao giờ. Vì thế phải đặt quyết tâm cao nhất để xóa sổ trận địa tên lửa này”.
Sau 3 ngày hành quân ròng rã từ vùng cao xuống, các chiến sĩ ém quân thêm gần một ngày để chờ trời tối tiếp cận trận địa. Đêm 17 rạng ngày 18.5.1967, sau khi cắt được 5 lớp rào bảo vệ chiến thuật, Hai Tham cùng đồng đội đã xuất sắc xóa sổ hoàn toàn 6 dàn tên lửa với tổng cộng 18 quả, 50 lính Mỹ cùng sĩ quan kỹ thuật. Điều khá may mắn là các quả tên lửa khi bị phá hủy chỉ xịt khói mịt mù và xoay tròn liên tục giúp các chiến sĩ biệt động rút lui an toàn. Trong trận này, riêng Hai Tham đã sử dụng 3 khối bộc phá phá hủy hoàn toàn 3 dàn tên lửa.
Tổng cộng, sau các trận đánh đã 6 lần Hai Tham được phong tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ và 5 Huân chương Chiến công các loại.
Sẽ còn đi khi đồng đội chưa về
Được trở về với gia đình khi hòa bình lập lại là hạnh phúc lớn lao với Hai Tham, nhưng cùng với đó ông cũng thắt lòng khi không ít đồng đội của mình hy sinh nằm ở các chiến trường vẫn chưa tìm được phần mộ. Mãi đến năm 1990, khi đã nghỉ hưu ông mới có thể thực hiện được ước nguyện của mình là rong ruổi lại các trận địa năm xưa để dò tìm dấu vết đồng đội. Và với ông, mỗi cuộc tìm kiếm là một kỷ niệm, và ông nhớ nhất là lần tìm mộ liệt sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang Võ Như Hưng (quê phường Điện Nam Trung, thị xã Điện Bàn). Suốt 4 năm trời, cứ mỗi năm 2 lần ông Hai Tham cùng đồng đội Trần Kim Hùng đèo nhau trên xe máy ngược núi lên đèo Ôrây thuộc huyện Hiên (nay là Tây Giang) để tìm mộ liệt sĩ, nhưng phần vì lạc đường, phần vì sau nhiều năm địa hình đã thay đổi nên công cuộc tìm kiếm thất bại. Năm 1994, một lần ông Hai Tham về thăm bà Đặng Thị Khi - mẹ của liệt sĩ Võ Như Hưng, lúc bấy giờ đã gần 90 tuổi, mẹ run run nắm tay ông gửi gắm ước nguyện cuối cùng: “Gia đình mẹ có nhiều liệt sĩ nhưng đều đã được yên nghỉ đàng hoàng, chỉ riêng Hưng là nằm lại với núi rừng mà mẹ không đủ sức tìm được. Nếu con đã có tâm như vậy thì tìm trót cho mẹ với, mẹ sinh ra bồng nó trên tay thì bây giờ muốn được tự mình bế hài cốt nó để mai táng. Được như thế, mẹ có xuôi tay nhắm mắt cũng an lòng”. Ngay sau đó, Hai Tham hạ quyết tâm thực hiện một chuyến đi nữa để thỏa nguyện của mẹ liệt sĩ Võ Như Hưng. Lần này trời không phụ lòng người, ông đã tìm được phần mộ liệt sĩ Võ Như Hưng. Quá vui mừng, ông xuyên rừng mang hài cốt của liệt sĩ về Điện Bàn ngay trong đêm trong nước mắt nghẹn ngào của gia đình liệt sĩ.
Tuy vậy, vẫn có những trường hợp như của liệt sĩ Lý Hữu Dính (quê huyện Duy Xuyên) dù dò dẫm liên tục, quần thảo địa bàn từng chôn cất nhưng Hai Tham vẫn không tài nào tìm ra được hài cốt nên đành lỗi hẹn với đồng đội. Dù tuổi đã cao nhưng vừa qua ông vẫn trực tiếp đem hài cốt đồng đội mà mình quy tập được ra Nam Định, Hà Nam và Hải Phòng để trao trực tiếp cho thân nhân mai táng. Hiện nay, ông vẫn đau đáu với những manh mối của hai trường hợp khác trong đó có một người là bạn chiến đấu một thuở và hy vọng sẽ sớm xác minh được. Ông dí dỏm rằng, dường như các đồng đội cũng theo từng bước chân phù hộ cho ông có được sức khỏe dẻo dai để tiếp tục hành trình. Ông cũng lặp đi lặp lại câu nói: “Tôi sẽ vẫn còn đi khi đồng đội chưa về”.
QUỐC TUẤN