Trọn nghĩa với đồng đội

GIANG BIÊN 16/10/2014 08:23

Gần 20 năm qua, cựu chiến binh Lê Thanh Yêm (tổ 1, thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình) lặn lội đến nghĩa trang liệt sĩ ở 18 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận để tìm hiểu những thông tin về các liệt sĩ. Công việc thầm lặng ấy của ông đã  giúp cho hơn 500 gia đình biết thông tin thân nhân của mình đang yên nghỉ tại các nghĩa trang.

Cựu chiến binh Lê Thanh Yêm kể chuyện cuộc đời mình. Ảnh: GI.BIÊN
Cựu chiến binh Lê Thanh Yêm kể chuyện cuộc đời mình. Ảnh: GI.BIÊN

Đi tìm đồng đội

Trò chuyện với chúng tôi, cựu chiến binh Lê Thanh Yêm (84 tuổi) cho biết thứ quý nhất của ông đó là hơn 20 cuốn sổ ghi tên liệt sĩ ở khắp các nghĩa trang của Quảng Nam. Lật những trang ghi chi tiết về thông tin liệt sĩ, ông Yêm dừng lại tên của liệt sĩ Trần Đình Kiên, quê ở Thừa Thiên Huế. Ông Yêm kể, ông và liệt sĩ Trần Đình Kiên cùng tham gia ở đội đặc công Thành đội Huế. Năm 1968, trong một trận đánh lớn, người bạn chiến đấu Trần Đình Kiên hy sinh. Chiến tranh khói lửa, không ai biết phần mộ liệt sĩ Trần Đình Kiên ở nơi nào. Đến khi hòa bình lập lại, vợ của liệt sĩ Kiên mới tìm đến ông Yêm nhờ tìm giúp phần mộ. Ròng rã 3 tháng trời, ông Lê Thanh Yêm cùng với người nhà của liệt sĩ Kiên đi khắp các nghĩa trang của  tỉnh Thừa Thiên Huế nhưng vẫn bặt âm vô tín. Cuối cùng, ông lặn lội đến tận núi Ngự Bình mới tìm được mộ của liệt sĩ Trần Đình Kiên. Ông Yêm tâm sự: “Đồng đội cùng chung chiến hào, có những người đã anh dũng hy sinh, có người mất đi một phần thân thể. Mình may mắn được đồng đội chở che nên tính mạng vẫn giữ được. Nên dù còn một hơi thở cuối cùng tôi cũng sẽ giúp cho các thân nhân có được thông tin về liệt sĩ”.

 Gần đây, ông Lê Thanh Yêm không trực tiếp xuống bưu điện huyện để gửi thư nữa, thay vào đó ông nhờ con cháu đánh máy vi tính tên, quê quán của liệt sĩ rồi gửi thẳng vào địa chỉ Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam số 8 Nguyễn Tri Phương quận Đống Đa, Hà Nội. Thông qua đó, những thông tin về mộ liệt sĩ được đăng tải trên chuyên mục “Thông tin về liệt sĩ” của Báo Quân đội nhân dân. Lần gần đây nhất, từ sự cung cấp của cựu chiến binh Lê Thanh Yêm, chuyên mục “Thông tin về liệt sĩ” đã đăng tải danh sách các liệt sĩ hy sinh đang yên nghỉ tại nghĩa trang xã Bình Đào và Bình Quý, huyện Thăng Bình.

Gần 20 năm qua, ông Yêm đi khắp các nghĩa trang của 18 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, tìm được thông tin hơn 500 mộ liệt sĩ và báo cho người thân. Công việc của ông là ghi chép đầy đủ thông tin về họ tên, ngày mất, quê quán của liệt sĩ, nhất là phần mộ lâu nay chưa có người thân đến thăm viếng. Tối về ông cặm cụi viết từng bức thư theo những gì đã ghi trên bia mộ gửi đến quê quán của các liệt sĩ. Trong những bức thư ông Yêm gửi đi đều ghi địa chỉ và số điện thoại của mình để thân nhân liệt sĩ có thể liên lạc. Những phần mộ mà ông sưu tầm đều là các chiến sĩ quê ở các tỉnh phía Bắc vào Nam chiến đấu. Trong suốt gần 20 năm lặn lội tìm thông tin liệt sĩ, người luôn dõi theo từng bước đi của ông chính là người vợ Lê Thị Quy. Trong cuộc trò chuyện, chúng tôi thật cảm động khi nhìn cảnh ông bà tay nắm chặt tay nhắc chuyện nghĩa tình. Bà Quy chia sẻ: “Mấy chục năm nay, dù nắng hay mưa, nơi gần thì ông đi xe đạp, ở xa ông nhờ mấy đứa con chở đi. Ông vắng nhà, một mình tôi phải chăm lo chuyện nhà cửa. Thật ra ban đầu tôi cũng không vừa ý, nhưng rồi khi thấy ông vui mừng vì tìm được địa chỉ liên lạc của thân nhân liệt sĩ, tôi cũng vui lây. Rồi nhiều lúc, thân nhân liệt sĩ ở tận các tỉnh phía Bắc tìm đến nhà chúng tôi hỏi thăm, tổ chức cất bốc mộ liệt sĩ, gia đình lại tất tả lo cơm nước, dù vất vả nhưng thấy vui trong lòng”.

Gương sáng

Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Yêm chia sẻ: “Niềm vinh dự lớn của cuộc đời tôi là đã gặp, được nghe Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói chuyện”. Ông kể, vào những ngày cuối tháng 8.1955, ông cùng đồng đội ở Tiểu đoàn 19, Trung đoàn 108 đang tập luyện đội ngũ chuẩn bị duyệt binh tại lễ kỷ niệm ngày Quốc khánh 2.9 thì Bác Hồ đến thăm. Bác bắt tay, ôm từng người, ân cần hỏi thăm cán bộ chiến sĩ, nhất là các chiến sĩ quê ở miền Nam. Hình ảnh đó vẫn còn in mãi trong ông về một vị lãnh tụ vĩ đại mà gần gũi. Và trong lần nghe Bác nói chuyện, ông đã nghe về cụm từ “ đồng chí, đồng đội” rất nhiều lần. Và chính vì hai chữ “ đồng đội”  đã trở thành động lực thôi thúc bước chân của ông đến từng nghĩa trang để tìm những thông tin về liệt sĩ.

Cựu chiến binh Lê Thanh Yêm sinh năm 1930 trong một gia đình cách mạng có đông anh chị em tại làng Ngọc Sơn, xã Bình Phục. Lớn lên, chứng kiến cảnh đất nước lầm than, chàng trai Lê Thanh Yêm hăng hái xung phong tòng quân cứu nước. Từ tháng 5.1946 đến năm 1947, ông tham gia du kích và làm liên lạc xã Thăng Triều (xã Bình Phục bây giờ). Tháng 10.1948, ông xung phong lên đường gia nhập vệ quốc quân vào Đại đội trinh sát 232 (Trung đoàn 108, Liên khu 5) làm nhiệm vụ trinh sát, nắm tình hình địch ở các chiến trường từ Quảng Nam đến Phú Yên. Tại Quảng Nam, ông Yêm đã tham gia đánh đồn Bà Rén, Cầu Chìm, Non Tượt… Tại nút giao thông đèo Hải Vân, đại đội của ông đã tiêu diệt 50 xe chở lương thực, đạn dược từ Huế vào Quảng Nam - Đà Nẵng. Tại chốt Bình Định lên An Khê, trung đoàn của ông đã tiêu diệt gần 100 xe địch, thu giữ nhiều vũ khí, đạn dược, lương thực.

Năm 1954, ông Yêm cùng đồng đội tập kết ra Bắc. Lúc này, ông giữ chức vụ trung đội trưởng, đến năm 1958 ông được phong hàm thiếu úy.  Năm 1960, ông được đưa đi học lục quân ở Tây Sơn. Lúc này ông kết hôn với bà Lê Thị Quy, là công nhân Nhà máy điện Hà Bắc. Đến năm 1964, ông Yêm về Nam chiến đấu đánh Mỹ thuộc đơn vị Đặc công Thành đội Huế của Bộ Quốc phòng. Trong một lần chiến đấu, ông bị thương nặng phải ra Bắc điều trị. Sau khi hòa bình lập lại, ông được cử đi học và về làm việc tại Phòng Thương nghiệp Thăng Bình. Đến năm 1982, ông nghỉ hưu nhưng vẫn tham gia công tác xã hội tại cựu chiến binh, người cao tuổi của thị trấn Hà Lam. Theo nhận xét của ông Nguyễn Tiến Dũng - Chủ tịch Hội Cựu chiến bình huyện Thăng Bình, tinh thần của cựu chiến binh Lê Thanh Yêm xứng đáng để các thế hệ kế cận, nhất là thế hệ trẻ học tập và noi gương.

GIANG BIÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trọn nghĩa với đồng đội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO