(QNO) - Đó là một trong những thông tin được nêu ra tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 13 (khóa XXII), diễn ra sáng nay 17/10.
Trong chương trình hội nghị, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Thị Thu Lan trình bày báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI gắn với Nghị quyết số 11 ngày 25/4/2017 của Tỉnh ủy về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.
Trong những năm qua, các cấp, ngành, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn toàn tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 29 đạt những kết quả quan trọng.
Hệ thống trường lớp cấp học mầm non, phổ thông và giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp được quy hoạch, sắp xếp, đầu tư phát triển.
Quảng Nam tiếp tục dẫn đầu các tỉnh duyên hải miền Trung về công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 547 trường học đạt chuẩn (chiếm tỷ lệ 75,9%); trong đó, mầm non có 179 trường, tiểu học 186 trường, THCS 158 trường, THPT 24 trường.
Công tác định hướng, phân luồng sau THCS được các trường quan tâm. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngày càng tăng. Cụ thể, năm 2015 tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là 0,7%; đến năm 2022 là 6,7% (năm 2020 đạt 10,4%).
Theo báo cáo, hiện nay sự nghiệp giáo dục - đào tạo của tỉnh có 22.407 biên chế, tăng 1.508 biên chế so với năm 2015; toàn ngành có 9 tiến sĩ, 427 thạc sĩ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29 gắn với Nghị quyết số 11 của Tỉnh ủy còn nhiều hạn chế.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện của cấp ủy, chính quyền ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thường xuyên, sâu sát; có nơi buông lỏng lãnh đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát dẫn đến một số cán bộ bị kỷ luật.
Việc tổ chức thực hiện phân cấp quản lý giáo dục hiện nay chưa thật hiệu quả và chưa có sự thống nhất giữa các địa phương; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ và kỹ năng tay nghề còn thấp.
Chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông có chuyển biến tích cực nhưng chưa đồng đều giữa các địa phương, khu vực. Chất lượng giáo dục đại học, cao đẳng, giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa theo kịp với yêu cầu nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực của tỉnh.
Cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị dạy học của nhiều cơ sở giáo dục, đào tạo còn hạn chế, nhất là các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ở các huyện miền núi… Nguồn lực đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo nhiều năm chưa đạt tỷ lệ 20% tổng chi ngân sách tỉnh.
Đáng chú ý, một trong những hạn chế được nêu ra là, tại Trường Đại học Quảng Nam, tỷ lệ tiến sĩ/sinh viên còn thấp. Trong khi đó, giai đoạn 2015 - 2022, có nhiều cán bộ, giảng viên (9 tiến sĩ và 103 thạc sĩ) của trường nghỉ hưu, chuyển công tác, thôi việc.
Cụ thể, nghỉ hưu đúng tuổi 2 tiến sĩ, 8 thạc sĩ; nghỉ hưu theo Nghị định số 68 có 2 tiến sĩ, 13 thạc sĩ; thôi việc ngay theo Nghị định số 68 có 3 thạc sĩ; thuyên chuyển công tác 3 tiến sĩ, 14 thạc sĩ; chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc 2 tiến sĩ, 65 thạc sĩ.
Hiện nay, Trường Đại học Quảng Nam có 180 cán bộ, viên chức; trong đó có 1 phó giáo sư, 15 tiến sĩ, 93 thạc sĩ. Trong 10 năm qua, trường tuyển sinh 23.501 sinh viên, trong đó có 481 lượt sinh viên Lào; tỷ lệ sinh viên có việc làm sau đào tạo từ 64% - 84,5%.
Ngoài ra, ngành, nghề đào tạo tại Trường Đại học Quảng Nam chưa đa dạng. Chưa đủ nguồn nhân lực và điều kiện cần thiết để mở thêm các mã ngành mà xã hội có nhu cầu cao.
Trong những năm gần đây, số lượng tuyển sinh chính quy không đạt chỉ tiêu được giao. Công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ còn bất cập. Mối quan hệ hợp tác với một số doanh nghiệp sử dụng lao động của trường có lúc chưa thật chặt chẽ, hiệu quả chưa cao…
5/59 chỉ tiêu Nghị quyết số 11 khó đạt
Theo báo cáo, có 5/29 chỉ tiêu Nghị quyết số 11 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo tỉnh Quảng Nam đề ra đến năm 2025 khó đạt. Cụ thể là, quy mô tuyển sinh đào tạo cao đẳng, trung cấp của tỉnh đạt 10.000 người/năm và tăng tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo.
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đào tạo lao động cho các chương trình, dự án trọng điểm và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh khoảng 50.000 người.
Chỉ tiêu thứ 3 là Trường Đại học Quảng Nam thực hiện tự chủ hoàn toàn về tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính; nhiệm vụ đào tạo sau đại học theo nhu cầu thị trường (đối với Trường Đại học Quảng Nam).
Thứ 4 là nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các trung tâm giáo dục thường xuyên, học tập cộng đồng trên địa bàn tỉnh.
Thứ 5 là phát triển mạnh phong trào học tập thường xuyên, suốt đời tại các cơ quan, đơn vị, địa phương và các khu dân cư (có chương trình, kế hoạch giáo dục, đào tạo hiệu quả chưa cao; có trường hợp chậm triển khai thực hiện).