Phần lớn những người hùng làm nên chiến thắng Núi Thành của 50 năm trước bây giờ đã về với đất mẹ, may mắn còn sót lại ông – người chỉ huy trực tiếp và can đảm nhảy vào hang ổ tiêu diệt nhiều tên địch, làm rạng danh vùng đất “đi đầu diệt Mỹ”.
Vết thương bên ngực trái Đại tá Kim Anh luôn tái phát khi trái gió trở trời. Ảnh: TRẦN HỮU |
Tháng 5, trời nóng như đổ lửa, tôi leo lên Tượng đài chiến thắng Núi Thành, đóng trên ngọn đồi núi cao thuộc xã Tam Nghĩa. Gió từ biển thổi lên làm mát dịu “vùng đất lửa”. Mấy anh cán bộ xã Tam Nghĩa lắc đầu không thể nào chỉ cho tôi một nhân chứng lịch sử nào của địa phương trong trận chiến của 50 năm trước. May mắn, ông Đoàn Xuân Quang - Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Núi Thành hồ hởi mách với tôi rằng, phải tìm gặp ngay Đại tá Trần Kim Anh...
Thời khắc lịch sử
Nằm trong con hẻm đường Trần Hưng Đạo (TP.Tam Kỳ), ngôi nhà cấp 4 của Đại tá Trần Kim Anh vừa được đồng đội hỗ trợ, xây dựng khá tươm tất. Bước qua tuổi 88, bị vết thương bên ngực trái hành hạ, hai mắt ông lại mù lòa nên di chuyển khó nhọc. Hơn 5 năm nay, vợ ông - bà Đoàn Thị Thanh Tuyết dù mắc nhiều chứng bệnh của người già nhưng hàng ngày vẫn chăm sóc ông. Gợi lại những ngày cuối tháng 5, đại tá nhớ rõ mồn một từng mốc son lịch sử, say sưa kể về cuộc chiến. Ngày 17.5.1965, quân Mỹ đưa quân lên chốt ở điểm cao Núi Thành, trên 2 ngọn đồi 49 và 50 để dễ dàng dòm ngó, kiểm soát căn cứ không quân Chu Lai, cảng Kỳ Hà, quốc lộ 1 từ An Tân đến Dốc Sỏi. Lính Mỹ đào đất sỏi tạo nên những chiến hào sâu đến ngực và rào dây thép gai bùng nhùng. Tại căn cứ Chu Lai, chúng đưa vào 5 tiểu đoàn lính thủy đánh bộ, một tiểu đoàn công binh, một tiểu đoàn pháo 105 ly, một đại đội pháo 155 ly, hai đại đội xe bọc thép, 5 phi đoàn máy bay lên thẳng, một phi đoàn máy bay phản lực tiêm kích. Đại tá Trần Kim Anh nhớ lại: “Lính Mỹ nằm một chỗ dưới hầm. Các hầm đào sâu của địch đã bị quân giải phóng quan sát, bò đến tận nơi. Trước khi nổ súng, tôi và các đồng đội đã phá hàng rào dây thép gai bí mật nắm tình hình địch; chúng suốt ngày nhai kẹo cao su lắp bắp”.
“Chiến thắng Núi Thành là hồi kèn xung trận của quân và dân ta trong cuộc đụng đầu lịch sử, là hồi chuông báo hiệu sự phá sản của chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ trên chiến trường miền Nam. Đây là một chiến thắng đầu tiên của bộ đội địa phương diệt gọn một đại đội quân viễn chinh Mỹ” (Đồng chí Hoàng Minh Thắng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân) |
Đồng chí Võ Thành Năm - Đại đội trưởng Đại đội 2 của Tiểu đoàn 70 được giao chỉ huy trận đánh, các mũi tiến công bí mật tiếp cận mục tiêu. Đơn vị được đồng chí Hoàng Minh Thắng - Thường vụ Tỉnh ủy, Chính trị viên Tỉnh đội giao nhiệm vụ báo cáo phương án đánh trận Núi Thành. Đại tá Trần Kim Anh kể lại, lúc bấy giờ có rất nhiều ý kiến băn khoăn về phương án đánh Mỹ vì đây là lần đầu tiên ta đối đầu với kẻ thù mạnh, trang bị vũ khí tối tân. Trước ngày bất ngờ tấn công vòng vây của địch trên đỉnh Núi Thành, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy lúc bấy giờ đứng ra tổ chức cưới vợ cho ông tại đơn vị và tạo điều kiện cho ông về nghỉ ngơi 2 ngày ở Kỳ Trà - quê hương của vợ. “Tổ chức sợ trận đánh này sẽ bị tổn thất nặng nên đã ưu ái cho tôi cưới vợ trong thời điểm “ngàn cân treo sợi tóc”. Đám cưới diễn ra nhanh, gọn nhưng cũng thật ý nghĩa, thiêng liêng với chúng tôi. Ngày đó, bả (bà Đoàn Thị Thanh Tuyết vợ ông - PV) đã khóc cạn hết nước mắt sau những ngày hợp hôn” - ông bộc bạch.
Đại tá Trần Kim Anh kể lại, khi ông và nhiều đồng chí khác mật phục, cắt đứt hàng rào thép gai bò vào các mục tiêu của địch, nghe nhiều lính Mỹ nói tiếng Việt lơ lớ, hô to “đầu hàng” nhưng thực chất là “đào hang” dưới lòng đất. Lúc 0 giờ ngày 25.5, lính Mỹ vẫn canh gác cẩn mật. Trong lúc chỉ huy, Võ Thành Năm và một tên lính Mỹ đang vật lộn, tổ trưởng Trần Ngọc Ảnh nghe tiếng kêu cứu của đồng đội đã ném lựu đạn vào, tên lính Mỹ chết ngay tại chỗ. Ở mũi thứ yếu hướng tây đồi 50 có độ dốc cao nên bị địch dùng hỏa lực để ngăn chặn. Ạnh em vẫn kiên quyết dùng lựu đạn, thủ pháo, lưỡi lê đánh giáp lá cà. Lợi dụng tình hình địch đang rối loạn, hai mũi tiến công đồng loạt tiêu diệt những tên Mỹ sống sót. Các chiến sĩ cắm lá cờ “Quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ” lên đỉnh Núi Thành. Với chiến thuật táo bạo, bất ngờ, các chiến sĩ Đại đội 2 đã diệt gọn hàng trăm lính Mỹ trên đồi Núi Thành. Từ trận thắng Núi Thành, phong trào đánh Mỹ, diệt Mỹ phát triển mạnh khắp miền Nam.
Nhớ lần gặp Bác Hồ
Kỷ niệm mà Đại tá Trần Kim Anh nhớ nhất trong đời là chuyến ra Hà Nội dự Đại hội anh hùng và chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ hai gặp Bác Hồ, được Người ôm hôn. Vì mơ ước một lần trong đời gặp Bác để báo công diệt Mỹ mà ông đã liều mình chạy thẳng đến Người bất chấp lực lượng bảo vệ ngăn lại. Thế nhưng, Bác đã yêu cầu bảo vệ lui ra để tiếp đón, rồi ôm chầm ông vào lòng với tình cảm sâu nặng. “Khi đánh thắng xong giặc Mỹ, tôi cùng các đồng chí ở miền Nam được cử qua nước Nga công tác, chia sẻ kinh nghiệm về đánh thắng đế quốc sừng sỏ. Thời gian này, nghe tin Bác Hồ mất, hình như ai cũng đều khóc và mong muốn trở về Việt Nam để viếng hương cho Người và nguyện vọng của chúng tôi cũng được nước bạn đáp ứng” - Đại tá Trần Kim Anh rưng rưng nước mắt kể lại.
Sau ngày đất nước thống nhất, Đại tá Trần Kim Anh giữ chức Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh suốt hai nhiệm kỳ. Bây giờ nghỉ dưỡng tại nhà, vết thương lại tái phát khi trái gió trở trời, nhưng ông vẫn tâm huyết đóng góp xây dựng hội cựu chiến binh, sẵn sàng giúp đỡ các địa phương sưu tầm tư liệu lịch sử, đề tài chiến tranh cách mạng. Ông nói tiếng được tiếng mất, theo sau là những tiếng thở khò khè do mắc bệnh phổi mãn tính. Ông bảo rằng, bây giờ tuổi cao sức yếu không thể di chuyển xa được, nhưng thỉnh thoảng ông vẫn được đồng đội, đồng chí đẩy xe lăn thăm lại chiến trường xưa. Đặc biệt những ngày này, khí thế của chiến thắng Núi Thành năm xưa vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức của người lính già. Đại tá Trần Kim Anh đúc kết: quân đội thời nào cũng vậy, rất cần dựa vào sức dân, tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế để tạo thành sức mạnh đoàn kết. Muốn có chiến thắng, ta phải nắm được vị trí yết hầu của địch; từ đó có phương án, chiến thuật đánh hợp lý. Trong bối cảnh quốc tế và khu vực đang phức tạp, Trung Quốc đang thực hiện mưu đồ bành trướng biển Đông, nên lực lượng quân đội cần xây dựng chính quy, làm chủ các vũ khí hiện đại, tiếp “lửa” cho thế hệ trẻ truyền thống yêu nước mạnh mẽ hơn. “Tôi cả đời theo cách mạng, gia tài để lại là 3 người con đã trưởng thành, làm việc cho các cơ quan nhà nước. Mỗi dịp đến ngày giải phóng quê hương, hay kỷ niệm Ngày chiến thắng Núi Thành, được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng đội, đồng chí đến động viên thăm hỏi là tôi mãn nguyện lắm rồi” - đại tá chia sẻ.
Gần 3 giờ đồng hồ trò chuyện, nhưng người lính già vẫn không muốn khép lại bản hùng ca bất diệt về chiến thắng Núi Thành. “Lửa” trong chất lính Bộ đội Cụ Hồ ở ông vẫn ngùn ngụt cháy trong những ngày cuối tháng 5 lịch sử này.
Ghi chép của TRẦN HỮU PHÚC