Hôm qua 27.11, tại TP.Tam Kỳ, Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam phối hợp với Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững (SRD) tổ chức hội thảo “Kết nối thị trường sản xuất cây dược liệu” và tổng kết dự án “Cải thiện sinh kế cho nông dân nghèo bằng cách áp dụng phương pháp trồng cây dược liệu và phát triển thị trường”.
Tiếp sức cho nông dân
Ông Võ Văn Nghi – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam cho biết, Tam Lộc và Tam Thái là 2 xã còn nhiều khó khăn của huyện Phú Ninh. Tháng 4.2018, Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững (SRD) phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai dự án “Cải thiện sinh kế cho nông dân nghèo bằng cách áp dụng phương pháp trồng cây dược liệu và phát triển thị trường” tại 2 xã vừa nêu.
Ngay sau khi tiếp nhận dự án, đơn vị tổ chức cho lãnh đạo chính quyền, các hội đoàn thể và nông dân 2 xã Tam Lộc, Tam Thái đi tham quan, học tập kinh nghiệm trồng cà gai leo tại xã Bình Định Nam (Thăng Bình). Sau đó, Trung tâm Khuyến nông tiến hành xây dựng mô hình trình diễn trồng cây dược liệu cà gai leo có quy mô 1,75ha với tổng số 26 hộ dân tham gia. Trong đó, dự án hỗ trợ 100% cây giống và chế phẩm sinh học để xử lý phân chuồng, phế phụ phẩm nông nghiệp thành phân hữu cơ.
Đặc biệt, để việc trồng, chăm sóc và phòng trừ dịch hại trên cây cà gai leo mang lại hiệu quả cao, đơn vị mở 4 lớp tập huấn FFS (lớp học đồng ruộng) cho những hộ tham gia mô hình. Bà Lợi cho hay, khâu này được thực hiện theo phương pháp tập huấn lý thuyết ở hội trường, thực hành ngay tại đồng ruộng nhằm giúp người dân nhanh chóng nắm bắt các kỹ thuật một cách thành thạo.
Để chủ động nguồn cung cây giống cà gai leo cho người dân xã Tam Thái và Tam Lộc, dự án đã hỗ trợ mỗi xã 1 vườn ươm cây giống có diện tích 500m2 với các trang thiết bị, hệ thống tưới, nhà lưới che nắng mưa. Đồng thời tập huấn kỹ thuật lắp đặt, vận hành vườn ươm và kỹ thuật sản xuất cây giống với 40 lượt người tham gia. Thời gian qua các đơn vị liên quan còn hỗ trợ thành lập 2 hợp tác xã kiểu mới tại xã Tam Thái và Tam Lộc. Đặc biệt, tư vấn cho 2 hợp tác xã này xây dựng phương án sản xuất - kinh doanh, kết nối thị trường và liên kết sản xuất, đồng thời hỗ trợ 2 máy sấy dược liệu mini để phục vụ nhu cầu sơ chế tại địa phương, trước mắt là phục vụ cho các nhóm hộ. Nhằm giải quyết những khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm, dự án đã kết nối các hộ dân trồng cà gai leo với Công ty CP Dược liệu Quảng Nam và Công ty CP Nghiên cứu & Phát triển dược liệu Đại Việt.
Kết nối thị trường
TS.Nguyễn Việt Thiên – chuyên gia tư vấn chuyên môn của Công ty CP Nghiên cứu & phát triển dược liệu Đại Việt cho biết, cây cà gai leo là vị thuốc quý được y học cổ truyền ghi nhận có nhiều tác dụng với sức khỏe con người, đặc biệt là giúp tăng cường chức năng gan, giải độc gan, hạ men gan, ổn định tế bào gan... Những năm gần đây, sản phẩm cây cà gai leo luôn có giá bán cao và ổn định, chi phí đầu tư thấp hơn so với các loại cây trồng khác nên nhiều hộ dân ở xã Bình Định Nam (Thăng Bình) tập trung đầu tư phát triển mạnh vùng nguyên liệu. Hiện nay, trên địa bàn xã Bình Định Nam đã trồng hơn 15ha cà gai leo và hầu hết diện tích phát triển rất tốt. Từ nguồn nguyên liệu ở xã Bình Định Nam, thời gian qua Công ty CP Nghiên cứu & Phát triển Dược liệu Đại Việt đã liên kết với nhà máy sản xuất dược phẩm Trang Ly tại Hà Nội nghiên cứu sản xuất ra các sản phẩm gồm trà cà gai leo, dịch chiết quả cà gai leo, viên nang mềm cà gai leo, cao cà gai leo...
“Theo định hướng, trong giai đoạn từ năm 2021 – 2025, thông qua các dự án và người dân tự đầu tư, xã Bình Định Nam sẽ phát triển diện tích trồng cà gai leo lên hơn 50ha, đảm bảo nguồn nguyên liệu sạch, chất lượng phục vụ cho Công ty CP Nghiên cứu & phát triển dược liệu Đại Việt liên kết với các nhà máy dược phẩm đạt tiêu chuẩn GMP WHO về dược liệu để sản xuất ra các sản phẩm như vừa nêu và những sản phẩm dạng thương phẩm xuất cho các nhà máy chế biến dược liệu khác” – ông Thiên nói.
Các chuyên gia của Công ty CP Nghiên cứu & phát triển dược liệu Đại Việt đã lấy hạt cà gai leo trong tự nhiên ở xã Bình Định Nam đem về nhân giống rồi sau đó đưa đi kiểm định, xác định loài ở Viện Dược liệu quốc gia và kết quả cho thấy giống đạt chuẩn, thuần chủng, chưa bị lai tạp. Từ kết quả đó, thời gian tới công ty sẽ liên kết với người dân xã Bình Định Nam xây dựng vườn ươm cây giống cà gai leo đạt chuẩn với công suất dự kiến 550.000 cây giống/năm nhằm phục vụ nhu cầu trồng mới 10ha/năm tại địa phương này và là nơi cung cấp giống chất lượng trên toàn quốc. Ngoài ra, Công ty CP Nghiên cứu & phát triển dược liệu Đại Việt cũng hướng tới sự hợp tác với UBND huyện Thăng Bình xây dựng cơ sở sơ chế, chế biến dược liệu tại xã Bình Định Nam.
TS.Nguyễn Việt Thiên cho biết thêm, thông qua Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam và Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững (SRD), thời gian qua Công ty CP Nghiên cứu & phát triển dược liệu Đại Việt cũng đã kết nối với người dân 2 xã Tam Lộc và Tam Thái để tính chuyện liên kết sản xuất và tiêu thụ cà gai leo theo phương thức hàng hóa tập trung, bao tiêu đầu ra sản phẩm...