Được sự hỗ trợ của Nhà nước và với tinh thần dám nghĩ, dám làm, không ít nông dân xã Tam Mỹ Tây (Núi Thành) đã xây dựng thành công các trang trại trồng cây ăn quả có quy mô lớn, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Chung tại trang trại cây ăn trái.Ảnh : Văn Phin |
Ông Trần Chung ở thôn Tú Mỹ là một trong những người mạnh dạn lên vùng đồi núi hoang hóa trồng rừng từ năm 1992. Ban đầu, ông trồng cây lâm nghiệp, đến năm 2014, sau chuyến tham quan, học hỏi tại tỉnh Bến Tre, ông Chung bắt đầu triển khai mô hình trồng cây xoài trái vụ. Nhờ biết chăm bón đúng cách, điều kiện đất đai thổ nhưỡng phù hợp nên hơn 4.000 cây xoài trái vụ và 100 cây bưởi da xanh phát triển tốt. Sau 4 năm kể từ khi trồng (2004 - 2007), ông bắt đầu thu hoạch, đạt sản lượng 100 tấn quả. Xoài trái vụ của ông Chung được đem vào bán tận miền Nam với giá 15.000 đồng/kg, tổng doanh thu 150 triệu đồng. Từ đó đến nay, mỗi năm, ông Chung thu hoạch trên dưới 100 tấn xoài trái vụ và tiêu thụ ngay tại các thị trường miền Nam. Ông Chung bộc bạch: “Hiện nay, nhiều hộ dân miền núi thường trồng cây keo, theo tôi, hiệu quả kinh tế không bằng trồng cây ăn quả. Qua thực tế cho thấy, trồng xoài trái vụ có lãi gấp 10 lần so với trồng cây keo trên cùng diện tích. Vùng đất gò đồi Tam Mỹ Tây phù hợp với trồng cây ăn quả, tôi sẵn lòng giúp đỡ, chia sẻ cho những ai muốn trồng cây ăn quả trên đất vườn đồi”.
Gia đình anh Lê Bá Tùng (quê huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) bén duyên với vùng đất Tam Mỹ Tây, từ năm 2012 anh quyết định mua 2,5ha đất đồi thuộc thôn Tú Mỹ để lập trang trại. Về quê nhà Bến Tre mua các loại cây giống như chôm chôm, quýt, xoài về trồng, đến cuối năm 2012, anh đã trồng được 300 cây chôm chôm, 300 cây xoài và các loại cam, quýt trồng xen kẽ, trong đó chôm chôm là loại cây vùng Nam Bộ lần đầu tiên được trồng tại đất Tam Mỹ Tây. Sau gần 4 năm, trồng và chăm sóc, anh bắt đầu thu hoạch đạt doanh thu hơn 100 triệu đồng, trừ chi phí, còn lãi 60 triệu đồng... Và từ đó đến nay, hàng năm, anh thu hoạch các loại trái cây ăn quả thường xuyên và đem lại thu nhập ổn định.
Ông Trần Văn Vũ - Chủ tịch UBND xã Tam Mỹ Tây cho biết, đất đai vùng núi Tam Mỹ Tây là nơi phù hợp để phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại. Hiện tại, xã có 7 trang trại với thu nhập bình quân hàng năm 400 - 500 triệu đồng/trang trại. “Địa phương đang khuyến khích, vận động và tạo điều kiện để nông dân tiếp tục phát triển mô hình kinh tế trang trại, nhất là loại hình trang trại trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi. Tam Mỹ Tây là địa phương hiện có đàn voọc chà vá sinh sống tại núi Hòn Dồ, cùng với những thắng cảnh nổi tiếng như Hố Giang Thơm, các khu di tích lịch sử cách mạng, đặc sản nếp bầu, gà thả vườn, dê núi…, việc phát triển các mô hình trang trại trồng cây ăn quả kết hợp với du lịch sẽ tạo điều kiện để thúc đẩy kinh tế - xã hội miền núi Tam Mỹ Tây phát triển” - ông Vũ chia sẻ.
TRÚC VĂN