Hưởng ứng chương trình “Trồng 1 tỷ cây xanh” do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát động, ngành nông nghiệp đã xây dựng “Đề án trồng 1 tỷ cây xanh góp phần phát triển bền vững đất nước giai đoạn 2021 - 2025”. Tại Quảng Nam, ngoài trồng cây xanh tạo cảnh quan đô thị, chương trình còn chú trọng trồng cây xanh phục hồi rừng ở khu vực đồi núi xung yếu có nguy cơ sạt trượt cao.
Lực cản trồng rừng
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lê Minh Hưng cho biết, thời gian qua, ngành nông nghiệp cùng các địa phương triển khai nhiều chương trình, dự án bảo vệ và phát triển rừng từ những nguồn lực khác nhau, như: chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững; kế hoạch trồng rừng gỗ lớn; dự án tăng cường khả năng chống chịu với tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Quảng Nam; dự án quản lý và phát triển rừng bền vững (KFW10) do Chính phủ Đức tài trợ; dự án Trường Sơn Xanh; chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng…
Thống kê của Bộ NN&PTNT, diện tích rừng và tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc liên tục tăng từ 40,8% năm 2015 lên 42% năm 2020. Nhưng trong 15 năm qua, rừng phòng hộ trên cả nước đã mất 0,6 triệu héc ta; riêng giai đoạn 2006 - 2015 diện tích rừng phòng hộ giảm từ 5,2 triệu héc ta xuống còn 4,4 triệu héc ta; giai đoạn 2015 đến nay diện tích rừng phòng hộ tương đối ổn định ở mức 4,6 triệu héc ta.
Ngoài chủ rừng lớn là các ban quản lý rừng trồng cấp huyện thì cộng đồng thôn, hộ gia đình, cá nhân là đối tượng trồng rừng chính. Theo thống kê, tổng diện tích đất có rừng trên địa bàn tỉnh khoảng 682.222ha; trong đó rừng tự nhiên 466.115ha, rừng trồng 216.107ha. Năm 2020 độ che phủ rừng cả tỉnh đạt hơn 59%, là một trong 7 tỉnh có độ che phủ rừng lớn nhất cả nước.
Tuy nhiên, theo ngành nông nghiệp, thời gian qua trồng rừng phòng hộ ở miền núi và vùng ven biển còn gặp khó khăn, chủ yếu do thiếu vốn đầu tư từ ngân sách. Khu vực phục hồi rừng ngập mặn ở các xã Tam Hải, Tam Giang, Tam Nghĩa (Núi Thành) hay trồng mới rừng dừa ngập mặn ở Hội An mấy năm gần đây đều do các tổ chức nước ngoài tài trợ; hoặc tận dụng từ nguồn vốn ứng phó với biến đổi khí hậu của Trung ương, sử dụng lồng ghép các dự án, chương trình phát triển miền núi.
Mặt khác, trồng rừng phòng hộ phân bố trên phạm vi rộng, tập trung nhiều ở các vùng có điều kiện tự nhiên cũng như kinh tế - xã hội khó khăn, đất dành cho lâm nghiệp thường là đất xấu, địa hình chia cắt phức tạp, kết cấu hạ tầng còn hạn chế. Trong khi đó, phong trào “Tết trồng cây” và trồng cây phân tán thường chỉ dừng lại ở hình thức phát động là chính. Nguồn lực cho phát triển cây xanh, nhất là cây xanh đô thị chủ yếu còn dựa vào ngân sách nhà nước; chưa có cơ chế, chính sách cụ thể để khuyến khích mọi thành phần kinh tế và nhân dân tham gia trồng cây xanh.
Trong khi đó, ở chương trình trồng rừng gỗ lớn, dù có nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ nhưng trong 2 năm 2019 - 2020 tỷ lệ trồng rừng gỗ lớn của tỉnh vẫn rất thấp so với kế hoạch. Cụ thể, năm 2019 chỉ có 75 hộ gia đình tham gia trồng rừng gỗ lớn từ nguồn ngân sách tỉnh với diện tích 345ha (bằng 29,4% so với kế hoạch năm).
Trong số 6 huyện được hưởng lợi dự án trồng rừng gỗ lớn, có 3 địa phương không thực hiện theo kế hoạch. Đối với nguồn ngân sách hỗ trợ của Trung ương, diện tích thực hiện gần 423ha (chỉ bằng 24,8% kế hoạch), có 6/10 huyện không thực hiện. Năm 2020, UBND tỉnh phân bổ hơn 7,5 tỷ đồng cho trồng rừng gỗ lớn với tổng diện tích trồng gần 1.783ha, nhưng tỷ lệ thực hiện cũng chỉ chiếm hơn 30%.
Kết hợp trồng tập trung và phân tán
Bộ NN&PTNT đánh giá, diện tích rừng tuy có tăng, nhưng chất lượng và tính đa dạng sinh học của một số trạng thái rừng tự nhiên bị giảm hoặc tăng chậm. Kết quả điều tra, kiểm kê rừng gần đây cho thấy, chỉ có hơn 8,7% diện tích rừng tự nhiên là rừng giàu, còn lại là rừng trung bình (gần 25%), rừng nghèo (53,4%) và rừng nghèo kiệt phục hồi (13%).
Theo chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020, mục tiêu trồng cây phân tán của cả nước là 200 triệu cây/năm, tuy nhiên mới trồng được trung bình 55 triệu cây lâm nghiệp phân tán. Hiện nay tỷ lệ cây xanh trên mỗi người dân tại các đô thị của Việt Nam ở mức rất thấp, chỉ từ 2 - 3m2/ người, trong khi chỉ tiêu xanh tối thiểu của Liên hiệp quốc là 10m2/người.
Ông Nguyễn Quốc Trị - Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, đề án trồng 1 tỷ cây xanh theo phát động của Thủ tướng Chính phủ được thực hiện ngay từ năm 2021. Theo kế hoạch, trong 5 năm tới sẽ có 690 triệu cây xanh trồng phân tán ở các khu đô thị và vùng nông thôn; 310 triệu cây xanh trồng tập trung ở rừng phòng hộ, đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu.
“Năm nay, cả nước sẽ trồng 182 triệu cây xanh, trong đó khoảng 120 triệu cây xanh phân tán. Bắt đầu từ năm 2022 trở đi, mỗi năm cả nước trồng mới 204,5 triệu cây xanh” - ông Trị nói.
Tại Quảng Nam, nhiều địa phương đang rà soát quy hoạch sử dụng đất, trong đó xác định quỹ đất trồng rừng phòng hộ, đất trồng mới rừng gỗ lớn; đất quy hoạch trồng cây xanh đô thị, khu dân cư, công sở, đường giao thông; xây dựng kế hoạch trồng rừng, trồng cây xanh phân tán hàng năm và cả giai đoạn 2021 - 2025 để huy động nguồn vốn. Một số nơi bắt đầu chuẩn bị giao khoán, cho thuê diện tích đất công, các công trình công cộng, đường sá, bờ kênh mương thủy lợi... cho các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức; trong đó ưu tiên cho các hội, đoàn thể quần chúng đăng ký và trồng cây phân tán.
Sở NN&PTNT đang trình UBND tỉnh dự án trồng cây phân tán, trồng rừng tập trung. Tuy nhiên, với các khu rừng đặc dụng, phòng hộ, chính quyền tỉnh yêu cầu xác lập vùng quản lý nghiêm ngặt; tiến hành phục hồi, trồng bổ sung khu vực bị tổn thương. Với các khu vực không còn quỹ đất để trồng rừng thay thế, Chi cục Kiểm lâm tỉnh sẽ khảo sát chọn vị trí khác để trồng phù hợp.
Theo Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lê Tự Tuấn, ở các huyện Bắc Trà My, Nam Trà My, Phước Sơn, Tây Giang…, diện tích rừng tự nhiên nghèo, đất rừng trống, đất đồi núi xung yếu có nguy cơ sạt trượt sẽ ưu tiên trồng bổ sung cây bản địa, cây lâu năm có chức năng phòng hộ để phục hồi và nâng cao chất lượng so với rừng đã mất. Mỗi năm ngành lâm nghiệp có kế hoạch trồng mới, trồng giặm bổ sung ở các đai rừng phòng hộ ven biển từ Duy Xuyên đến Núi Thành, rừng phòng hộ một số khu vực đầu nguồn miền núi. Để có nguồn cây giống phục vụ trồng rừng tập trung lẫn phân tán cho giai đoạn sắp đến, nhiều địa phương chủ động sản xuất giống cây bản địa, các loài cây có năng suất, chất lượng cao, tăng sức chống chịu với thời tiết để trồng rừng phòng hộ, trồng rừng sản xuất quy mô lớn.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lê Minh Hưng cho biết, ngành sẽ tiếp tục nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng rừng cho năng suất cao, có sức chống chịu với biến đổi khí hậu. Trong đó, ưu tiên sử dụng cây bản địa, cây trồng gỗ lớn lâu năm, cây đa tác dụng. Đối với rừng sản xuất, sẽ hình thành vùng rừng trồng tập trung, áp dụng công nghệ sinh học hiện đại và kỹ thuật thâm canh rừng để nâng cao năng suất rừng trồng, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến lâm sản. Khuyến khích trồng rừng hỗn loài, kết hợp trồng cây gỗ nhỏ mọc nhanh; chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn ở những nơi có điều kiện thích hợp.