Trồng cây chuối mốc thoát nghèo

SỸ BÌNH 21/04/2016 09:22

Tại huyện miền núi Nam Trà My, những năm gần đây đồng bào dân tộc thiểu số đã chọn trồng cây chuối mốc để phát triển kinh tế hộ. Mô hình này đang mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.

Nhiều hộ khác trên địa bàn xã Trà Dơn và các xã vùng cao khác đã được huyện Nam Trà My hỗ trợ hàng nghìn cây chuối mốc về trồng. Để mô hình đạt năng suất cao, các tổ chức hội nông dân, phụ nữ cũng thường xuyên phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện Nam Trà My tổ chức tập huấn kỹ thuật cho bà con trồng chuối đạt hiệu quả nhất. Hiện các vườn chuối mốc của người dân sinh trưởng nhanh, ít xảy ra dịch bệnh và chỉ sau một năm là cây chuối trổ buồng. Anh Nguyễn Văn Toàn (thôn 2, xã Trà Dơn) là trường hợp hộ nghèo người dân tộc thiểu số của thôn được huyện hỗ trợ 100 gốc chuối mốc trồng phát triển kinh tế gia đình. Cạnh đó, anh mua thêm gần 600 cây chuối mốc để trồng trên rẫy. Anh nói: “Hồi trước nhà tôi cũng trồng giống chuối này nhưng ít chăm sóc, chuối ra ít nải, trái nhỏ nên bán rất rẻ. Sau khi được tập huấn kỹ thuật và cấp cây giống, tôi đã mạnh dạn trồng chuối trên mấy sào đất rẫy. Hiện tôi chăm sóc, bón phân cho cây chuối phát triển tốt để sớm cho thu hoạch, cải thiện đời sống gia đình”.

Tiểu thương thu mua chuối mốc tại Nam Trà My. Ảnh: S.B
Tiểu thương thu mua chuối mốc tại Nam Trà My. Ảnh: S.B

Cũng tại thôn 2 (xã Trà Dơn), chị Trần Thị Cúc trồng khoảng 400 gốc chuối mốc, trong đó hàng chục cây đã cho thu hoạch ổn định. Bình quân mỗi buồng chuối mốc bán được 20 - 40 nghìn đồng. Chị cho biết tính bình quân nguồn thu nhập hàng tháng từ bán chuối cũng được 500 - 700 nghìn đồng. Đây là nguồn thu nhập đáng kể đối với đồng bào dân tộc thiểu số địa phương, mở ra hướng thoát nghèo cho người dân nơi đây. Thấy được hiệu quả kinh tế mang lại, năm nay gia đình chị Cúc dự định trồng thêm 300 gốc chuối mốc nữa trên đất rẫy của mình. Chị phấn khởi nói: “Nhờ có cây chuối mà hàng tháng mình bán được tiền. Trước đây trồng cây bắp, cây keo nhưng bán không được giá vì ở trên này xa quá. Tôi cũng mong muốn trong thời gian sắp tới sẽ nhân rộng thêm mô hình trồng chuối mốc, đồng thời hướng dẫn cho nhiều hộ khác trong thôn trồng tăng thu nhập”. Đến tận các xã vùng cao của huyện thu mua chuối mốc, chị Huỳnh Thị Liên (trú xã Tam Dân, huyện Phú Ninh) cho biết: “Chuối trên này buồng nhiều nải, quả to, ít độc hại vì không có thuốc. Tuy hơi xa nhưng hằng tuần tôi vẫn chạy xe máy lên thu mua về bán ở các chợ dưới Tam Kỳ và các chợ tại TP.Đà Nẵng”.

Để nhân rộng mô hình này đến với nhiều hộ dân, bà La Thị Thanh Thủy - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Dơn cho biết thêm: “Thực tế thì cây chuối mốc phù hợp với thổ nhưỡng ở đây. Vấn đề băn khoăn hiện nay của địa phương là đầu ra của chuối, vì trên này không có đơn vị đầu mối thu mua theo hướng hàng hóa mà phụ thuộc vào các tiểu thương nhỏ. Về lâu dài người dân rất cần huyện, tỉnh trợ giúp tìm thị trường tiêu thụ, vận động doanh nghiệp thu mua ổn định để bà con yên tâm, tiếp tục trồng chuối nâng cao thu nhập”.

Giờ đây, đến các xã miền núi của Nam Trà My nhìn đâu cũng thấy cây chuối mốc, chuối trồng quanh nhà, trong vườn, trên rẫy. Người buôn chuối đến tận nơi mua về xuôi. Cây chuối mốc đã “bén duyên” và trở thành cây chủ lực mang đến nguồn thu nhập ổn định, góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn huyện Nam Trà My.

SỸ BÌNH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trồng cây chuối mốc thoát nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO